Trước việc siết chặt các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng phải đạt tiêu chuẩn GMP tới đây, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khẳng định “Chúng ta không lo thiếu thực phẩm chức năng, chỉ lo thiếu thực phẩm chức năng tốt”.
Từ việc nhập khẩu thực phẩm chức năng (TPCN), đến nay, Việt Nam chiếm ưu thế thị trường với 65-70% thực phẩm bảo vệ sức khỏe sản xuất trong nước. Vì đây là một loại sản phẩm mới cả ở Việt Nam và thế giới, nằm giao thoa giữa thuốc và thực phẩm thông thường nên đã có những thay đổi quy định về quản lý.
Hiện nay, Việt Nam có 5 văn bản Bộ Y tế, một Luật, một Nghị định Chính phủ quy định rất chặt chẽ quản lý TPCN từ ghi nhãn, quảng cáo, công bố, chứng nhận đủ điều kiện sản xuất của cơ sở; bản công bố các thành phần, dự kiến công bố công dụng; tài liệu chứng minh các thành phần có công dụng so với doanh nghiệp công bố; ghi rõ đối tượng sử dụng; phiếu kiểm nghiệm chỉ tiêu đã công bố chứng minh công bố thành phần là đúng, chỉ tiêu về an toàn như vi sinh, kim loại nặng… Khi được cơ quan quản lý cấp đăng ký công bố, sản phẩm mới được lưu hành trên thị trường và quảng cáo đúng nội dung được thẩm định.
Tuy nhiên, thực tiễn vẫn xảy ra những doanh nghiệp chưa nghiêm túc, vì lợi nhuận lừa dối người tiêu dùng, lừa cả người bị trọng bệnh. Vì thế, để siết chặt quản lý lĩnh vực này, từ 1-7-2019, Chính phủ có quy định tất cả cơ sở sản xuất TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có giấy chứng nhận thực hành tốt – GMP, với các điều kiện tiệm cận điều kiện sản xuất thuốc.
Theo Cục An toàn thực phẩm, hiện có khoảng 4.000 cơ sở sản xuất kinh doanh TPCN, trong đó có khoảng 1.000 cơ sản sản xuất. Theo Nghị định này, các cơ sở sản xuất TPCN đang ráo riết để xin cấp giấy chứng nhận GMP nếu không sẽ phải đứng ngoài cuộc trước thị trường lợi nhuận khổng lồ này.
Trước câu hỏi, nếu quy định chặt chẽ quá, có làm ảnh hưởng tới sự phát triển của doanh nghiệp hay không, ông Phong khẳng định “Chỉ lo không có sản phẩm tốt cho người tiêu dùng sử dụng chứ không lo thiếu thực phẩm chức năng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp được công nhận GMP có điều kiện sản xuất lớn và chưa sản xuất hết công suất nên doanh nghiệp nào không đủ điều kiện về nhà xưởng, nhưng vẫn muốn kinh doanh thì phải mang nguyên liệu đến những doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận GMP đó gia công. Chúng ta phải bảo đảm sự công bằng trong thị trường TPCN, bảo đảm sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng”.
Theo Cục An toàn thực phẩm, yêu cầu GMP đối với sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe không khác gì GMP đối với cơ sở sản xuất thuốc từ cơ sở vật chất, nhà xưởng, hệ thống thông khí đến hệ thống bảo vệ phải cách biệt với môi trường ô nhiễm… Bên cạnh đó, người chủ doanh nghiệp hoặc cán bộ phụ trách sản xuất của cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe đạt GMP tối thiểu phải có bằng đại học trong lĩnh vực chuyên ngành mà cơ sở sản xuất. Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất phải đáp ứng chặt các quy định chặt chẽ về hệ thống hồ sơ sổ sách, nhất là kiểm soát chặt nguyên liệu đầu vào; đạt yêu cầu về hệ thống kiểm nghiệm.
Hiện nay, Cục An toàn thực phẩm đã thành lập tổ hướng dẫn, tư vấn và trực tiếp thẩm định. Tổ này cũng đã phối hợp với các hiệp hội và địa phương tập huấn cho doanh nghiệp. Kể từ khi triển khai Nghị định của Chính phủ, đã có 4-5 cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận GMP. “Còn hàng trăm cơ sở nữa tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn GMP nhưng họ vẫn đang trong quá trình làm thủ tục”, ông Phong cho hay