0908.326.779 - 0906.362.707
 

Ai đang hưởng lợi?

07/07/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Ai đang hưởng lợi?
Hơn 10 ngàn mặt hàng TPCN hiện diện ở thị trường Việt Nam với sự đồng hành của 4.000 doanh nghiệp tham gia sản xuất - nhập khẩu và phân phối… đủ cho thấy loại “thực phẩm dinh dưỡng đặc biệt” này đang thực sự bùng nổ ở nước ta.
 Bằng chứng cho một thị trường ăn nên làm ra là những con số. Nếu như năm 2000 chỉ có 13 doanh nghiệp tham gia vào sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng với 63 sản phẩm; đến  năm 2010 con số này đã nhảy lên hơn 1600 doanh nghiệp thì hiện nay đã có hơn 4000 đơn vị “thò chân” vào lĩnh vực này với hơn 10 nghìn mặt hàng. Mặt hàng này cũng mang lại doanh số hàng triệu USD cho các doanh nghiệp trong nước và nó cũng chính là nguyên nhân của hàng trăm vụ làm nhái, làm giả, kém chất lượng được phát hiện chỉ trong 2 năm qua.
 
Lợi nhuận từ kinh doanh TPCN được cho là có hấp lực mạnh mẽ “hút” không ít doanh nghiệp tham gia, trong đó có sự vào cuộc của nhiều hãng dược và các công ty bán hàng đa cấp. Họ sẵn sàng từ bỏ việc sản xuất thuốc để đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm chức năng với lợi nhuận “một vốn 10 lời”; trong khi các doanh nghiệp đa cấp thâm nhập thị trường Việt Nam tìm cách tiếp cận người dùng và “hô biến” thứ dinh dưỡng này thành những “thần dược” để lừa người dùng.
 
Có một nguyên nhân sâu xa khác, khiến cho thị trường thực phẩm chức năng trăm hoa đua nở đó là sự dễ dãi trong sản xuất, nhập khẩu và phân phối. Hà hơi tiếp sức cho một thị trường với hơn 10 nghìn mặt hàng đua nở một cách hỗn loạn như hiện nay còn có sự tắc trách của cơ quan quản lý. Đó là sự lỏng lẻo trong hậu kiểm, chế tài xử lý chưa đủ mạnh và quan trọng hơn sự dễ dãi trong cấp phép hiện nay.
 
Dù từ năm 2010, Quốc hội đã thông qua Luật An toàn thực phẩm, trong đó có đề cập việc quản lý thực phẩm chức năng. Thế nhưng, nghị định về quản lý thực phẩm chức năng chưa được xây dựng một cách chặt chẽ khiến việc giám sát các hoạt động sản xuất, quản lý mặt hàng này còn lỏng lẻo và hệ luỵ là thị trường TPCN gần như bị thả nổi, nó được tung hô như một loại “thần dược”.
 
“Tiếp tay” cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh lộng hành không chỉ là sự buông lỏng của cơ quan quản lý mà còn cả giới truyền thông. Một báo cáo năm của tổ chức Moore công bố năm 2014 cho thấy kết quả điều tra của Cục An toàn Thực phẩm Bộ Y tế mới thực sự gây sốc: Cứ 10 quảng cáo về thực phẩm chức năng trên truyền hình thì 2 quảng cáo chưa có giấy phép và cứ 10 quảng cáo đã có giấy phép nhưng có đến 5 quảng cáo còn sai về nội dung so với công bố tiêu chuẩn. Hậu quả là có đến 8 triệu người dân ở hầu khắp 64 tỉnh thành dùng TPCN hiện nay đối mặt  hàng kém chất lượng, hàng nhái, giả đang hiện diện từng ngày.
 
Hàn Quốc -  nơi cũng đang bùng nổ loại TPCN đã có quy định phạt tới 2 tỷ đồng đối với hành vi kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng với sản phẩm công bố, trong khi họ chấp nhận bỏ tù người sản xuất kinh doanh hàng nhái, hàng giả đến 7 năm để răn đe. Liệu Việt Nam có hành động mạnh tay với tình trạng bát nháo kinh doanh thực phẩm chức năng với nhiều hệ luỵ như hiện nay?
 
Nếu cứ tiếp tục  buông lỏng quản lý TPCN, đã đến lúc công luận buộc phải đặt câu hỏi: Ai đang hưởng lợi từ thực trạng bát nháo này, liệu có lợi ích nhóm, có sân sau trong lĩnh vực béo bở này?
NGỌC LÂM