0908.326.779 - 0906.362.707
 

Cục An toàn thực phẩm nói gì về ma trận thực phẩm chức năng?

20/06/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Cục An toàn thực phẩm nói gì về ma trận thực phẩm chức năng?
Ngay sau khi Báo Lao Động đăng loạt bài “Xảo trá như thị trường thực phẩm chức năng”, PV đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Hữu Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm về thực trạng quản lý thực phẩm chức năng hiện nay.

Thưa ông, Báo Lao Động có loạt bài “Xảo trá như thị trường thực phẩm chức năng”, vậy ở góc độ cơ quan quản lý ông  đánh giá như thế nào về các vấn đề bài viết nêu?

Ông Đỗ Hữu Tuấn: Trước hết  chúng tôi đánh giá cao nội dung thông tin mà báo Lao động đã đề cập tới. Có thể nói nhóm phóng viên hết sức công phu dành nhiều thời gian, công sức để có được những thông tin quý giá trên. Chúng tôi cũng cung cấp thông tin cách đây nhiều tháng, thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 9.5.2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, các bộ ngành trong đó có Bộ Y tế đang quyết liệt triển khai công tác thanh tra trong đó đặc biệt tập trung vào quảng cáo sai sự thật về thực phẩm chức năng, thậm chí quảng cáo lừa dối.

Chúng ta đều biết pháp luật quy định quảng cáo TPCN phải được thẩm định nội dung trước khi quảng cáo để kiểm chứng thông tin trước khi quảng cáo đúng theo bản chất của sản phẩm. Cá nhân có sản phẩm quảng cáo và người thực hiện quảng cáo (nhà in, xuất bản, các cơ quan phát hành quảng cáo…) chỉ được thực hiện quảng cáo đúng nội dung đã được thẩm định.        

Tuy nhiên với nhiều lý do khác nhau đặc biệt là vì lợi nhuận rất nhiều doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo vi phạm quy định này, thậm chí quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược chữa bách bệnh. Các hành vi này cần xử lý nghiêm để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Thưa ông, trước thực trạng này cơ quan quản lý đã, đang và sẽ làm gì để ngăn chặn?

Ông Đỗ Hữu Tuấn: Trước hết chúng tôi đã mời các công ty có vi phạm đến làm việc, lập biên bản và ra quyết định xử phạt, yêu cầu đính chính thông tin sai lệch. Công khai tên các cơ sở vi phạm, hành vi vi phạm, mức xử phạt trên phương tiện thông tin đại chúng.

Theo ông, hiện nay việc xử lý các vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng trên các phương tiện thông tin đại chúng đang gặp những khó khăn gì?

Ông Đỗ Hữu Tuấn: Chúng ta biết có rất nhiều hình thức quảng cáo khác nhau như quảng cáo tờ rơi, trên báo, truyền hình, truyền thanh, đặc biệt trên internet, các trang mạng xã hội. Trong thời gian qua chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp khi phát hiện vi phạm thì doanh nghiệp không thừa nhận các trang quảng cáo đó của doanh nghiệp và chủ các trang web lại đặt máy chủ ở nước ngoài nên gặp khó khăn trong việc xác định chủ thể vi phạm để xử lý.

Trước hiện tượng như vậy chúng tôi đã chủ động công khai thông tin và cảnh báo người tiêu dùng không mua và không sử dụng các sản phẩm được quảng cáo và bán trên các trang mạng “vô chủ” đồng thời chuyển hồ sơ sang Bộ Thông tin Truyền thông để phối hợp xử lý.

Hiện nay có tình trạng các trang web tư vấn dưới danh nghĩa của cán bộ y tế để bán các sản phẩm online nhất là sản phẩm giảm cân, vậy quan điểm của cơ quan y tế như thế nào?

Ông Đỗ Hữu Tuấn: Các sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe trước khi lưu hành phải được đăng ký công bố sản phẩm. Như vậy sản phẩm chưa được đăng ký công bố là bất hợp pháp, người tiêu dùng nhất quyết không nên mua và sử dụng. Pháp luật cũng quy định không được sử dụng hình ảnh bác sĩ và cán bộ y tế, thư cảm ơn của người sử dụng sản phẩm…để quảng cáo sản phẩm. Do vậy người tiêu dùng thấy các trang web có các hành vi quảng cáo nêu trên đề nghị không sử dụng.

Riêng đối với các sản phẩm bán online chưa được phép lưu hành chúng tôi đã và đang phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra kiên quyết đưa ra ánh sáng với đối tượng như vậy, chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được thông tin từ các cơ quan thông tấn báo chí để xử lý triệt để.

Năm 2015: Xử phạt vi phạm hành chính 261 cơ sở, tổng số tiền phạt: 4.796.731.144 đồng. Trong đó:

- Vi phạm về quảng cáo: 203 cơ sở, số tiền phạt 3.571.000.000 đồng

- Vi phạm về kiểm nghiệm định kỳ: 27 cơ sở, số phạt tiền 580.000.000 đồng;

- Vi phạm về chất lượng: 14 cơ sở, số phạt tiền 435.431.144 đồng;

Các vi phạm khác (ghi nhãn, chưa xác nhận công bố, điều kiện bảo quản): 17 cơ sở, số tiền phạt 210.300.000 đồng.

Năm 2016: Xử lý 89 cơ sở vi phạm với 106 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt: 5.712.858.981 đồng. Thu hồi 22 Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; tạm dừng lưu thông 18 lô sản phẩm vi phạm. Trong đó:

+ Vi phạm về quảng cáo: 54 cơ sở = 1.063.500.000 đồng;

+ Vi phạm về kiểm nghiệm định kỳ: 14 cơ sở = 370.000.000 đồng;

+ Vi phạm về chất lượng: 12 cơ sở = 3.973.858.981 đồng;

+ Vi phạm về ghi nhãn: 06 cơ sở = 5.200.000 đồng;

+ Vi phạm về tẩy xóa kết quả kiểm nghiệm định kỳ: 01 cơ sở = 25.000.000 đồng.

+ Vi phạm về sử dụng phiếu kiểm nghiệm giả: 03 cơ sở = 90.000.000 đồng đồng thời thu hồi 10 bộ hồ sơ công bố;

+ Vi phạm về nhãn hiệu: 03 cơ sở (đã thu hồi 03 hồ sơ công bố);

+ Vi phạm nhiều hành vi: 8 hành vi = 120.300.000 đồng.

Năm 2017: Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 51 cơ sở với tổng số tiền phạt là 1.985.295.383 đồng, trong đó:

+ Vi phạm về chất lượng: 10 cơ sở (trong đó 3 cơ sở vi phạm hàng giả về chất lượng);

+ Vi phạm về quảng cáo: 25 cơ sở phạt tiền 860.000 đồng

+ Vi phạm về điều kiện an toàn thực phẩm: 4 cơ sở;

+ Vi phạm về các hành vi khác: 12 cơ sở, trong đó có các cơ sở vi phạm từ 02 hành vi trở lên, cao nhất là vi phạm 10 hành vi.

- Kết quả thực hiện Quyết định xử phạt: 50/51 Quyết định xử phạt được thực hiện.

- Thu hồi 105 Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; tiêu huỷ 33 lô sản phẩm vi phạm; tạm dừng lưu thông 49 lô sản phẩm vi phạm; chuyển Cơ quan điều tra đối với 4 Công ty có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng giả.

5 tháng đầu năm 2018: Cục An toàn thực phẩm đã xử lý:

- Vi phạm về quảng cáo: 24 cơ sở

- Tổng số tiền phạt: 1.200.000.000 đồng

- Chuyển sang Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử 17 trường hợp có dấu hiệu vi phạm về quảng cáo.

(Nguồn: Cục An toàn thực phẩm)

Lao động