0908.326.779 - 0906.362.707
 

Kiểm soát thị trường thực phẩm chức năng: Thiếu công cụ pháp lý đủ mạnh

21/05/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Kiểm soát thị trường thực phẩm chức năng: Thiếu công cụ pháp lý đủ mạnh
Trong một thời gian ngắn, lực lượng chức năng liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều lô thực phẩm chức năng (TPCN) kém chất lượng, giả nhãn hiệu nước ngoài. Điều đó cho thấy việc kiểm soát thị trường này đang bị buông lỏng.
Liên tục phát hiện vi phạm
Ngày 8/5, Đội quản lý thị trường (QLTT) số 1 (Chi cục QLTT Hà Nội) kiểm tra Công ty CP Dịch vụ thương mại và đầu tư phát triển Minh Tâm tại 47 Vũ Ngọc Phan đã phát hiện gần 2 tấn thực phẩm chức năng, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Tại thời điểm kiểm tra, DN không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, công bố chất lượng sản phẩm, giấy chứng nhận ATTP. Đặc biệt có hơn 4.000 sản phẩm với trọng lượng 1 tấn đã hết hạn sử dụng.
Trước đó, Đoàn liên ngành số 2, BCĐ 389 Hà Nội qua kiểm tra cơ sở sản xuất TPCN, mỹ phẩm tại số nhà 45, ngõ 9 Hoàng Cầu đã phát hiện 3.000 sản phẩm TPCN và các loại thuốc. Chủ cơ sở khai nhận mua nguyên liệu qua mạng, sau đó sang chiết vào các lọ, túi rồi đóng gói, dán tem nhãn bao bì với các tên hiệu dưới dạng sản phẩm của các nhà thuốc Đông y gia truyền để lấy lòng tin của người tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, sở dĩ hoạt động sản xuất, kinh doanh TPCN phát triển mạnh trong thời gian gần đây là do lợi nhuận từ mặt hàng này lớn, điều kiện để cấp phép cho sản phẩm này lưu hành trên thị trường cũng đơn giản hơn nhiều so với thuốc. Đồng thời việc mạng xã hội phát triển mạnh mẽ đã trở thành mảnh đất cho đối tượng buôn bán TPCN kém chất lượng kinh doanh.
Quản lý chưa theo kịp thực tiễn
Thị trường TPCN Việt Nam đang phát triển nở rộ với hơn 3.600 DN sản xuất, kinh doanh, gần 7.000 sản phẩm nhưng khó kiểm soát chất lượng, thậm chí, nhiều DN sản xuất TPCN giả. Phó Chi cục trưởng Chi Cục QLTT Hà Nội Nguyễn Công San cho biết: Các đối tượng vi phạm do hám lời nên đã bất chấp luật pháp, sản xuất, kinh doanh tiêu thụ TPCN. Thủ đoạn của những đối tượng này là thành lập công ty TNHH đăng ký kinh doanh mặt hàng TPCN, có công bố chất lượng sản phẩm tại Cục An toàn thực phẩm. Sau đó thuê gia công TPCN tại cơ sở sản xuất khác rồi dán tem nhãn, đóng thành phẩm và đưa ra thị trường.
Một thủ đoạn khác là nhập hàng giả có xuất xứ từ Trung Quốc với giá rẻ sau đó dán nhãn mác Mỹ, Nhật, Australia… để bán với mức giá cao gấp nhiều lần giá trị thực. Cùng với đó, sự nở rộ của dịch vụ bán hàng trực tuyến, các sản phẩm TPCN không rõ nguồn gốc, phương thức bán trao tay nên giá của TPCN phần lớn là rất cao, còn chất lượng chủ yếu là người mua tin lời quảng cáo của người bán. 
Theo ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương): Ngành kinh doanh TPCN phát triển đột biến nhưng công tác quản lý chưa theo kịp thực tiễn. Với các sản phẩm đơn thuần, DN công bố chất lượng 100% nhưng khi giám định chất lượng sản phẩm chỉ đạt 30 - 40% thì được nhận định là hàng giả. Nhưng với mặt hàng thuốc, chỉ 1% đã được coi là giả vì liên quan đến tính mạng con người. Thế nhưng, việc chứng minh chủ thể làm giả sản phẩm, giả chất lượng lại không hề dễ dàng bởi phải có kết quả giám định do cơ quan quản lý chức năng giám định và cần phải có kinh phí thực hiện.
Để quản lý tốt hơn thị trường TPCN, cần phải có quy định chặt chẽ không để TPCN đi “ngoài luồng”. Các lực lượng cần tập trung làm tốt ngay từ khâu xác nhận công bố, kiểm tra chất lượng, công khai việc thực thi, kiên quyết thu hồi và dừng cấp phép có thời hạn đơn vị làm hàng giả. Ngoài ra, hiện hệ thống quy định pháp luật về điều kiện sản xuất, kinh doanh TPCN còn lỏng lẻo. Từ năm 2010, Quốc hội đã thông qua Luật ATTP, trong đó có đề cập đến quản lý TPCN. Thế nhưng đến nay, chưa có Nghị định về quản lý TPCN được xây dựng. Hiện mới chỉ có Thông tư số 43/2014/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý TPCN, dẫn đến việc giám sát các hoạt động sản xuất, quản lý chưa chặt chẽ, thị trường TPCN bị thả nổi.
MINH NGỌC