Thực phẩm chức năng men vi sinh Bifina đang được công ty Ecopath Việt Nam "tung hô" trên web là men vi sinh số 1 Nhật Bản trong 20 năm liền.
Như Pháp luật Plus đã thông tin, trên website của Công ty TNHH Ecopath Việt Nam liên tục có nhiều bài viết quảng cáo thực phẩm chức năng Bifina gây hiểu nhầm cho khác hàng đây là thuốc chữa bệnh.
Ngoài ra, trên trang web còn có bài viết "Bifina men vi sinh số 1 Nhật Bản trong 20 năm liền" khẳng định đây là sản phẩm hàng đầu của Nhật Bản.
Bài viết có nêu: "Bifina men vi sinh Nhật Bản là một sản phẩm được sản xuất trên công nghệ vô cùng độc đáo. Công nghệ này giúp Bifina men vi sinh là sản phẩm đứng số 1 thị trường Nhật Bản trong 20 năm liền."
Theo bài viết thì Các nhà sáng chế của Nhật Bản đã dựa trên ý tưởng khi quan sát những giọt nước mưa lăn lăn trên lá cây, khi xuống đến đầu ngọn lá rơi xuống thành một hình cầu tròn vo, rất hoàn hảo không vết nối để bao bọc lợi khuẩn, giúp đưa được lợi khuẩn sống xuống đến tận ruột non và đại tràng đạt tỷ lệ trên 90%, trong khi các men thông thường chỉ đưa được dưới 1%.
"Đó chính là điểm đột phá, mà chỉ có men vi sinh Bifina có, nó khẳng định vị trí số 1 Nhật Bản trong gần 20 năm qua,…"
Bài viết cũng có nhắc lại rất nhiều lần cụm từ "men vi sinh số 1 Nhật Bản" nhưng hoàn toàn không đưa ra căn cứ để chứng nhận chứng minh thực phẩm chức năng Bifina đạt danh hiệu trên.
Tại buổi làm việc với PV, đại diện Công ty TNHH Ecopath Việt Nam không cung cấp được căn cứ chứng minh và nói sẽ làm việc lại với hãng tại Nhật Bản. Sau buổi làm việc, bài viết đã được gỡ khỏi website.
Điều 8, Luật Quảng Cáo năm 2012 quy định rõ Hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo: "Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch."
Theo thông tin công bố, sản phẩm men vi sinh Bifina là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, có số xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm là 9726/2016/ATTP-XNCB.
Sản phẩm này được cấp ngày 14/5/2016 do Cục An toàn Thực phẩm - Bộ Y tế cấp cho Công ty TNHH Thế hệ mới Châu Á.
Trong bài viết "Ông trùm NSND Hoàng Dũng: Tôi may mắn thoát viêm đại tràng nhờ phương thuốc của người Nhật", có đoạn viết: Sau bao nhiêu năm chạy chữa, may mắn gặp được phương thuốc của người Nhật, nghệ sĩ nhân dân Hoàng Dũng đã may mắn thoát khỏi đau dạ dày, viêm đại tràng, rối loạn tiêu hóa.
Trong một bài viết quảng cáo trên mạng xã hội facebook được liên kết với trang web bifina.vn cũng có bài "Thoát án chung thân với viêm đại tràng - đau dạ dày sau khi Phan Quân gặp được bảo bối này của người Nhật".
Theo đó, sau khi được PGS-TS-BS Phạm Thị Thu Hồ kê cho men vi sinh Bifina của Nhật uống 2 tuần thì NSND Hoàng Dũng cảm thấy bụng êm hẳn. "Theo đơn thuốc của Bác sĩ Hồ, ông trùm uống đúng 3 tháng thì cả triệu chứng đau dạ dày và viêm đại tràng biến mất, không còn cảm giác đầy bụng, trướng hơi, ợ hơi nữa."
Như vậy, theo bài viết thì sau khi được Bác sĩ Hồ kê "thuốc" Bifina và uống thì ông trùm Phan Quân đã khỏi hẳn bệnh nhờ thực phẩm?
Ngoài ra, trên trang web còn rất nhiều bài viết có sử dụng những tiêu đề "Bị rối loạn tiêu hóa nên uống thuốc gì" với hình ảnh đại diện là sản phẩm Bifina, hoặc các bài viết với tiêu đề "Bị viêm đại tràng co thắt, dùng bifina có khỏi không?", "Chuyên gia tiêu hóa "mách nước" thoát nỗi lo viêm đại tràng co thắt" với nội dung bài viết tư vấn về tác dụng của sản phẩm Bifina và thành phần trong sản phẩm.
Theo Thông tư số 08-TT-BYT ngày 23-8-2004 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành thì Thực phẩm chức năng được hiểu là: “Thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng bổ sung dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật”.
Theo Khoản 4, Điều 5, Nghị định 181/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật quảng cáo cũng nêu rõ: Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
Ngoài ra, trong Luật Quảng cáo năm 2012 cũng đã nếu vấn đề quảng cáo sai sự thật tại Khoản 9 Điều 8: "Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ; về số lượng chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố’’.
Tuy nhiên, trên web của Công ty Ecopath Việt Nam đã đăng tải các bài viết có dấu hiệu vi phạm các quy định về quảng cáo trong một thời gian dài. Như vậy, công ty có đang gây hiểu nhầm cho không ít người khi đọc bài viết mà không tìm hiểu kĩ nguồn gốc của loại thực phẩm chức năng này?
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.