Trước đó, cũng tại Hà Nội, lực lượng chức năng đã kiểm tra, thu giữ hàng chục nghìn sản phẩm
thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng, không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố. Còn theo Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm của Bộ đã xử lý hàng trăm cơ sở sản xuất,
kinh doanh thực phẩm chức năng, với số tiền phạt vi phạm hành chính nhiều tỷ đồng, do các lỗi vi phạm về: Quảng cáo,
kiểm nghiệm định kỳ,
chất lượng sản phẩm, công bố, ghi nhãn, sử dụng phiếu kiểm nghiệm giả...
Những vụ việc trên cho thấy, tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả đang diễn biến ngày càng phức tạp. Phần lớn hàng giả, kém chất lượng nhập qua đường tiểu ngạch, sau đó được các cơ sở thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và mang đi tiêu thụ. Thị trường có nhu cầu tiêu thụ
thương hiệu nào, sản phẩm được dán nhãn mác giả thương hiệu đó. Hàng giả không rõ nguồn gốc, chất lượng kém được “phù phép” thành sản phẩm của Mỹ, Nhật Bản, Australia bán với giá cao hơn hàng thật.
Nguyên nhân của tình trạng này, ngoài việc các cơ sở cố tình gian dối để trục lợi, còn do hệ thống quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng lỏng lẻo. Nếu như cách đây 10 năm, cả nước chỉ có 13 cơ sở sản xuất, với 63 sản phẩm thực phẩm chức năng thì tính đến cuối năm 2016, cả nước đã có gần 4.000 doanh nghiệp sản xuất và
nhập khẩu thực phẩm chức năng, trong đó 837 cơ sở sản xuất trong nước, với hàng chục nghìn sản phẩm. Phát triển nhanh nhưng đến nay mới chỉ có thông tư quy định về quản lý thực phẩm chức năng, dẫn đến việc giám sát của cơ quan chức năng thiếu chặt chẽ.
Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần sớm ban hành quy định có tính khái quát, hệ thống (chẳng hạn như nghị định) để quản lý thực phẩm chức năng toàn diện hơn; trong đó, quy định cụ thể về điều kiện sản xuất, kinh doanh, công bố, quảng cáo và ghi nhãn... Đồng thời, để phát huy hiệu quả quản lý, cần đưa những chế tài xử phạt nặng, thậm chí là xử lý hình sự với các hành vi sản xuất,
kinh doanh thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng