Thực phẩm chức năng (TPCN) giả về chất lượng, thương hiệu và nguồn gốc xuất xứ ngày càng nhiều. Vi phạm phổ biến hiện nay là TPCN bị "thổi phồng" như thuốc đặc trị bệnh nan y.
Bơi trong "biển" TPCN
9 tháng qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã xử phạt gần 1,3 tỷ đồng với 33 cơ sở vi phạm, tiêu hủy 29 lô sản phẩm và tạm dừng lưu thông 41 lô sản phẩm, 2 công ty có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng giả đã được chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Theo Cục An toàn thực phẩm, vi phạm phổ biến hiện nay là TPCN dù chỉ có tác dụng hỗ trợ, bổ sung nhưng một số loại đã bị "thổi phồng" như thuốc đặc trị bệnh nan y.
Đợt thanh kiểm tra TPCN liên ngành của Bộ Y tế đang tiến hành tại các tỉnh phía Nam đã phát hiện ra nhiều sai phạm.
Trong những ngày kiểm tra đầu tiên tại TP.HCM, nhiều sai phạm trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo TPCN đã bị phát hiện. Tại Cty NIDOPHA USA ở quận Bình Tân, đoàn kiểm tra phát hiện nguyên liệu, phụ gia sản xuất thực phẩm chức năng tại đây không có nguồn gốc xuất xứ và có hoạt chất đã bị rút giấy phép trước đó 2 năm. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này không hoạt động và không có bất kỳ một sản phẩm nào tại xưởng nhưng doanh nghiệp này đang đăng ký tới 22 sản phẩm TPCN.
Tại Cty dược phẩm, dược liệu Dược Hoa Tràm ở quận 10, đoàn kiểm tra phát hiện một số sản phẩm có nội dung ghi nhãn sai với hồ sơ đăng ký với cơ quan chức năng. Như sản phẩm Long Phụng Chi đăng ký công dụng là nâng cao sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, nhưng trên nhãn sản phẩm ghi thêm hỗ trợ điều trị trong các trường hợp táo bón và trĩ. Đây cũng là lỗi vi phạm chủ yếu thường gặp tại các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng được kiểm tra trong đợt này.
Thật giả lẫn lộn
TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho rằng, không thể để tiếp diễn mãi tình trạng bát nháo, “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay và phải tiệm cận một nền sản xuất TPCN theo hướng thực hành sản phẩm tốt (GMP) trong tương lai gần. Khi áp dụng tiêu chí GMP chắc chắn những doanh nghiệp yếu kém sẽ tự đào thải, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Không loại trừ, nhiều TPCN kém chất lượng được nhập từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Về đến Việt Nam được các cơ sở thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và mang đi tiêu thụ. Những sản phẩm giả này được bán ra thị trường với giá cao hơn hàng thật.
Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp sản xuất, kinh doanh TPCN không đúng chất lượng đã công bố; quảng cáo TPCN sai sự thật.
PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam cũng phải thừa nhận: “Thật khó phân biệt TPCN giả, thật bởi sự tinh vi trong sản xuất ngày càng cao. Có một số hướng dẫn phân biệt hàng giả, hàng thật nhưng cũng chỉ tương đối”