Thanh tra Bộ Y tế đã phát hiện nhiều sai phạm trong hoạt động bán thực phẩm chức năng theo hình thức đa cấp, trong đó có đông trùng hạ thảo kém chất lượng.
Từ đầu tháng 7-2017 đến nay, Thanh tra Bộ Y tế đã tổ chức đoàn thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật trong quá trình sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, mỹ phẩm và các sản phẩm bán hàng đa cấp khác thuộc quản lý của ngành.
Ngang nhiên bán hàng không có giá trị sử dụng
Trong 45 ngày (kể từ khi công bố quyết định thanh tra từ đầu tháng 7-2017), đoàn thanh tra của Bộ Y tế do Phó Chánh Thanh tra Bộ Nguyễn Văn Nhiên làm Trưởng đoàn đã tập trung thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh, quảng cáo các sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm và các sản phẩm khác của doanh nghiệp bán hàng đa cấp thuộc phạm vi thẩm quyền của Bộ Y tế tại TP Hà Nội và TP.HCM.
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, đoàn thanh tra đã thanh tra tại 20 công ty, tập trung chủ yếu vào các sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm. Kết quả ban đầu, đoàn đã phát hiện các hành vi vi phạm như: doanh nghiệp sản xuất không ghi nhãn sản phẩm đúng theo hồ sơ công bố, không thực hiện đầy đủ việc kiểm nghiệm sản phẩm theo quy định, vi phạm về điều kiện sản xuất... Đoàn thanh tra đã kiến nghị xử phạt hành chính với các doanh nghiệp sai phạm, trong đó cơ sở bị phạt nặng nhất là 90 triệu đồng.
Ngoài ra, Thanh tra Bộ Y tế đã lấy các mẫu sản phẩm thực phẩm chức năng nghi ngờ để kiểm nghiệm, bước đầu đã phát hiện 1 sản phẩm đông trùng hạ thảo không đạt tiêu chuẩn. Đoàn đang chờ kết quả xét nghiệm các mẫu sản phẩm và sẽ yêu cầu doanh nghiệp thu hồi nếu phát hiện sản phẩm không đạt tiêu chuẩn như công bố.
Cũng liên quan đến thực phẩm chức năng và các sản phẩm thực phẩm bán hàng theo hình thức đa cấp, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế cho biết, từ ngày 17 đến 25-8, Cục đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 cơ sở vi phạm về ATTP với tổng số tiền phạt trên 191 triệu đồng.
Đơn cử, Công ty CP dược phẩm quốc tế USA (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị phạt 84 triệu đồng vì sản xuất 2 lô hàng giả không có giá trị sử dụng gồm thực phẩm bảo vệ sức khỏe ARGININ B.COMPLEX EXTRA và Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Anphavit calci nano…; Công ty CP đầu tư phát triển Pháp Âu (quận Tây Hồ, Hà Nội) bị phạt với hành vi buôn bán lô sản phẩm thực phẩm chức năng Trinh nữ hoàng cung Pháp Âu (số lô: 261015) là hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng; Công ty TNHH Dược phẩm VINASANCO (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị phạt 60 triệu đồng do hành vi bán lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe PHYPERUS DHA (lô SX: 191216) có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng…
Không để “vàng thau lẫn lộn”
Hiện tại, gần 90% thực phẩm chức năng ở nước ta được phân phối theo mô hình bán hàng đa cấp. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp biến tướng, sử dụng nhiều hình thức quảng cáo thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng như một loại “thần dược”, đẩy giá lên cao nhiều lần so với giá trị thực. Việc này khiến người tiêu dùng rơi vào “ma trận” thực phẩm chức năng, tin mua và thậm chí bị lừa do phải bỏ tiền thật để mua sản phẩm không đúng như quảng cáo.
Tại một buổi tọa đàm về quản lý thực phẩm chức năng diễn ra mới đây, ông Phạm Hưng Củng, Tổng Thư ký Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho rằng, việc có tới 90% các công ty kinh doanh bán hàng đa cấp bán thực phẩm chức năng đã khiến thực phẩm chức năng bị vạ lây. Vì vậy, cần góp ý đề xuất sửa đổi khung pháp lý về quản lý sản phẩm này để góp phần quản lý tốt hơn, không để thực phẩm chức năng đi ngoài luồng quản lý của Nhà nước.
Được biết, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về quản lý thực phẩm chức năng, Bộ Y tế đã đưa ra kiến nghị sửa đổi Nghị định về kinh doanh, bán hàng đa cấp theo hướng không cho kinh doanh đa cấp đối với mặt hàng thực phẩm chức năng. Bộ Y tế cũng đề nghị xây dựng Nghị định quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh, công bố, quảng cáo và ghi nhãn thực phẩm chức năng nhằm hoàn thiện các quy định về quản lý, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ cho việc kiểm soát chất lượng thực phẩm chức năng, bảo đảm điều kiện sản xuất thực phẩm chức năng theo hướng thực hành sản xuất tốt (GMP)…
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP nhấn mạnh, vấn đề bảo đảm các khâu ATTP liên quan đến thực phẩm chức năng đang được đặt ra một cách quyết liệt hơn bởi không thể để tiếp diễn tình trạng bát nháo, “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay