Hiện nay, trên thị trường nước ta, kể cả trên mạng, bày bán rất nhiều loại thực phẩm chức năng (TPCN) giảm cân dạng viên, bột, cao, sâm, nước, trà... thậm chí có cả thuốc chích. tác dụng của những loại thực phẩm này thực hư thế nào rất khó biết được.
Ngoại trừ một số trường hợp bị béo phì do bệnh (rối loạn chuyển hóa, nội tiết…) cần phải khám chữa bệnh mới cải thiện, còn đa số dư cân béo phì là do có sự mất cân bằng quá đáng hai yếu tố trong cuộc sống: yếu tố dinh dưỡng, yếu tố vận động thể lực. Tức là, rất thông thường dư cân béo phì là do ăn uống quá thừa chất dinh dưỡng sinh năng lượng (đường bột, béo) nhưng lại không có sự vận động thích hợp để tiêu hao năng lượng, năng lượng thừa biến thành mỡ đọng lại trong cơ thể gây dư cân béo phì. Vì vậy, để giảm cân phải đồng thời tác động đến 2 yếu tố: chế độ dinh dưỡng thích hợp (ăn kiêng) và chế độ tập luyện thể dục thích hợp (thậm chí là tập luyện cật lực). Không tác động đến 2 yếu tố vừa kể mà chỉ dùng chế phẩm nào đó không thôi (như theo một quảng cáo đọc được, trong 5 ngày làm giảm 3kg thể trọng) là quảng cáo thất thiệt, hoàn toàn không đáng tin cậy.
Có một số chị em nghe lời đồn đại làm đẹp giảm cân bằng cách uống thuốc xổ còn gọi là thuốc trị táo bón hay thuốc nhuận trường. Điều rất rõ ràng là khi dùng thuốc hay chế phẩm có tác dụng làm cho xổ đến độ gây tiêu chảy trong thời gian đến mấy ngày, trong thời gian này ăn không được lại thêm tiêu tốn sức lực chạy vào cầu tiêu liên tục thì sẽ giảm cân đương nhiên. Tuy nhiên, cách làm đẹp như thế chắc chắn ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe. Nếu dùng thuốc xổ kéo dài (việc này thường xảy ra khi giảm cân) sẽ làm mất trương lực ruột đưa đến rối loạn tiêu hóa đi tiêu không còn bình thường, làm mất kali gây yếu cơ, mỏi mệt.
Để giảm cân: chế độ dinh dưỡng thích hợp và chế độ tập luyện thể dục thích hợp
Từ lâu, người ta có dùng thuốc để giảm cân chống béo phì. Tuy nhiên sau đó, nhiều thuốc giảm cân được phát hiện độc hại và đã bị cấm, đó là các “dược phẩm chống mập giảm đói” như phenmetrazin (Obesitol), phentermin (Mirapront)… Các thuốc này ngoài tính kích thích (gây mất ngủ) còn thêm tác dụng làm ăn kém ngon, được dùng làm thuốc chống béo phì. Dùng thuốc ăn không được ngủ không được, đương nhiên sẽ làm giảm cân nhưng rất tác hại vì gây nghiện (giống như nghiện ma túy) và hại tim mạch. Hiện nay còn phải kể những chất gây nghiện có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương như thuốc lắc (còn có tên ecstasy hay MDMA viết tắt của methylen dioxy methamphetamin), ma túy đá (methamphetamin). Các chất này kích thích làm cho hết buồn bã, phiền muộn, yêu đời, không biết mệt mỏi dù làm việc kiệt sức, và người dùng còn được giảm cân do gây chán ăn. Đây là những tác dụng mà giới showbiz rất cần trong nghề nghiệp của họ, và họ dùng vô tội vạ các chất này kích thích này để bị nguy hiểm khó lường.
Vào tháng 5/2009, FDA Mỹ đã cảnh báo phải ngưng dùng ngay chế phẩm giảm cân Hydroxycut vì gây tổn hại nặng nề cho gan không thể trị được. Sau đó, nhiều nước ngoài Mỹ đã cảnh báo nhiều loại chế phẩm gọi là TPCN giảm cân có chứa thuốc chống béo phì thuộc loại nguy hiểm đã bị cấm là fenfluramin hoặc chứa thuốc Đông y có thể gây tai biến là ma hoàng (ephedra). Hai thứ vừa kể nếu dùng sai thì làm chết người như chơi.
Hiện nay, trên thị trường nước ta, kể cả trên mạng, bày bán rất nhiều loại TPCN giảm cân dạng viên, bột, cao, sâm, nước, trà… thậm chí có cả thuốc chích. Tác dụng của những loại thực phẩm này thực hư thế nào rất khó biết được. Khác với dược phẩm muốn lưu hành phải được chứng thực khoa học là có tác dụng trị bệnh thật sự và tương đối an toàn, còn TPCN thì không có yêu cầu khắt khe như thế, chỉ cần nhà sản xuất công bố chất lượng của sản phẩm. Cũng vì vậy, vì lợi ích của người tiêu dùng, trên nhãn, bao bì của TPCN bắt buộc phải ghi rõ: “Đây không phải là thuốc và không được dùng để thay thế thuốc”.
Nên lưu ý, trong thị trường chế phẩm giảm cân hiện nay, có sự lẫn lộn thật giả rất khó lường. Nhiều nước trên thế giới đã cảnh báo nhiều loại TPCN giảm cân gọi là dược thảo nhưng lại có chứa thuốc chống béo phì thuốc loại nguy hiểm đã bị cấm (như fenfluramine, sibutramine, phenolphtalein) và yêu cầu người tiêu dùng phải hết sức thận trọng xem xét kỹ tác dụng giảm cảm giác đói, gây chán ăn như thế nào, có thể thuộc loại nguy hiểm như đã kể. Thế mà, hiện nay vẫn có chế phẩm trộn chất cấm lưu hành để có tác dụng giảm cân.
Ở ta, cơ quan quản lý chức năng cũng đã phát hiện nhiều loại TPCN giảm cân dỏm, quá đát… Đã xảy ra không ít người vì muốn giảm cân nhanh chóng, dễ dàng nên sẵn sàng bỏ ra nhiều bạc triệu mua sử dụng các chế phẩm mà rốt lại “tiến mất tật mang”. Nhiều người không nhận được kết quả như mong muốn: cân nặng không giảm hoặc giảm cân nhưng đi tiêu nhiều (chắn chắn là có chứa thuốc xổ gây hại), đi tiểu nhiều (có chứa thuốc lợi tiểu không rõ liều lượng như thế nào), người mệt mỏi và sau khi ngưng sử dụng TPGC giảm cân thì cân nặng tăng trở lại như cũ, thậm chí là tăng nhiều hơn. Có người dùng thuốc giảm cân mà lại có triệu chứng vã mồ hôi, người mệt lả, tim đập nhanh, chóng mặt... thì có thể thuốc giảm cân đó có chứa thuốc Đông y là ma hoàng (ephedra). Các triệu chứng đó được gọi là cường giao cảm. Người bị bệnh tim mạch mà dùng bừa bãi thuốc chứa ma hoàng rõ ràng là rất nguy hiểm.
Có lời khuyên, người có nhu cầu giảm cân nói chung, chú ý tác động chế độ dinh dưỡng thích hợp (ăn kiêng) và chế độ tập luyện thể dục thích hợp (thậm chí là tập luyện cật lực). Nếu được, nên đi khám ở bác sĩ hoặc chuyên viên dinh dưỡng để được tư vấn về biện pháp thích hợp và an toàn cho việc giảm cân. Không nên tự ý dùng thuốc hay TPCN giảm cân theo lời đồn đại, không rõ thật giả như thế nào, và có thể bị tác hại khôn lường.
PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC