PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, qua rà soát, trong hơn 4.000 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng (TPCN), thực phẩm bảo vệ sức khỏe thì có đến hơn 3.000 cơ sở không đạt tiêu chuẩn GMP. Theo đó, đến hạn chót 1/7/2019, các cơ sở này sẽ không được phép sản xuất TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nếu không đạt chuẩn GMP.
Ông Phong thông tin, ngày 22/7, một công ty sản xuất TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) là công ty đầu tiên đạt tiêu chuẩn GMP. Sau công ty này, Cục ATTP sẽ tiếp tục rà soát tiêu chuẩn GMP cho các cơ sở còn lại.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết theo rà soát, sẽ có khoảng hơn 3000 cơ sở sản xuất TPCN phải đóng cửa vì không đạt chuẩn GMP. Ảnh: H.Hải.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết theo rà soát, sẽ có khoảng hơn 3000 cơ sở sản xuất TPCN phải đóng cửa vì không đạt chuẩn GMP. Ảnh: H.Hải
Trước đó, ngày 2/2/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 15 hướng dẫn chi tiết thi hành Luật ATTP thay thế cho Nghị định 38 trước đây. Trong Nghị định mới này có một nội dung quy định về việc, từ ngày 1/7/2019, tất cả các cơ sở sản xuất TPCN, TP bảo vệ sức khỏe phải đạt tiêu chuẩn GMP.
Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 4.000 cơ sở sản xuất TPCN, TPBVSK, tuy nhiên chỉ khoảng 200 - 300 cơ sở sản xuất đủ điều kiện đạt chuẩn GMP.
" Với những cơ sở này, theo lộ trình thực hiện GMP đã được đề ra, nếu sau 1/7/2019 mà vẫn không đạt tiêu chuẩn GMP, không được cấp chứng nhận GMP thì sẽ không được phép tiếp tục sản xuất", ông Phong khẳng định.
Theo ông Phong, đây là một bước tiến quan trọng trong việc giám sát, nâng cao chất lượng các sản phẩm TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
"Việc siết theo tiêu chuẩn GMP, những cơ sở không đủ điều kiện sản xuất sẽ phải đóng cửa. Điều này sẽ giúp loại bỏ những sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe không đạt chất lượng ra khỏi thị trường. Việc áp theo tiêu chuẩn này, chúng ta không lo thiếu TPCN mà chỉ lo làm sao có đủ thực phẩm chức năng tốt, đảm bảo chất lượng. Các sản phẩm TPCN không đạt chất lượng cũng sẽ bị loại bớt", ông Phong nói.
Theo quy định, để được đạt chứng chỉ GMP đối với sản xuất TPCN/TPBVSK không khác gì GMP đối với cơ sở sản xuất thuốc. Điều đầu tiên là cơ sở vật chất, từ nhà xưởng, hệ thống thông khí đến hệ thống bảo vệ phải cách biệt với môi trường ô nhiễm...
Để đạt chuẩn FMP, yếu tố con người cũng vô cùng quan trọng. Người chủ doanh nghiệp hoặc cán bộ phụ trách sản xuất của cơ sở sản xuất TPCN/TPBVSK đạt GMP tối thiểu phải có bằng đại học trong lĩnh vực chuyên ngành mà cơ sở sản xuất (khắc phục tình trạng hiện nay, nhiều chủ cơ sở sản xuất TPCN không có kiến thức về y, dược, dinh dưỡng).
Quy định về hệ thống hồ sơ sổ sách rất chặt chẽ, nhất là kiểm soát chặt nguyên liệu đầu vào. Cùng đó, hệ thống kiểm nghiệm cũng phải đạt yêu cầu...
Ông Phong cho biết, trước đây, khi chưa có quy định riêng về tiêu chuẩn sản xuất đối với các cơ sở sản xuất TPCN, TP bảo vệ sức khỏe mà vẫn quy định điều kiện sản xuất chung với tất cả các cơ sở sản xuất thực phẩm nói chung. Thực tế qua kiểm tra, rất nhiều doanh nghiệp hiện đã đạt được tiêu chuẩn GMP nhưng cũng còn rất nhiều doanh nghiệp chưa đạt tiêu chuẩn này.
Nếu không tiến hành chuẩn hóa nhanh sẽ gây mất bình đẳng trong sản xuất kinh doanh giữa cơ sở nỗ lực đạt chuẩn GMP, phải đầu tư rất lớn với các cơ sở chưa đạt (đôi khi chỉ thuê một căn hộ, một nhà xưởng lụp xụp, trang bị một vài thiết bị đóng gói... ). Quan trọng nhất sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng khi các sản phẩm không đạt chất lượng vẫn được bán ra thị trường.
"Ngay từ bây giờ chúng tôi vẫn đang tiếp tục rà soát để giảm tỉ lệ sản phẩm không đạt được đưa ra thị trường. Đến ngày 1/7/2019 các cơ sở không đạt GMP chắc chắn sẽ phải đóng cửa, không được phép sản xuất TPCN, TP bảo vệ sức khỏe", ông Phong khẳng định