Tuy nhiên, thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện và xử phạt nhiều
thực phẩm chức năng giảm cân vi phạm các điều kiện về
an toàn thực phẩm, quảng cáo thổi phồng công dụng, thậm chí có chứa chất cấm. Vì vậy, người tiêu dùng nên cảnh giác sử dụng thực phẩm chức năng giảm cân, tránh “tiền mất, tật mang”.
Phát hiện chất cấm trong thực phẩm giảm cân
Hàng loạt sản phẩm thực phẩm chức năng được quảng cáo là giảm cân, tan mỡ vừa bị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) xử phạt, thu hồi và tiêu hủy. Điển hình là Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Quyên Lara Việt Nam (ở quận Đống Đa, TP Hà Nội) bị xử phạt 100 triệu đồng vì có tới 3 hành vi vi phạm nghiêm trọng. Cụ thể, công ty đã sản xuất và buôn bán 2 sản phẩm thực phẩm chức năng là thảo dược tăng cân và trà thảo dược giảm cân, tan mỡ thuộc diện phải thực hiện
công bố hợp quy,
công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Thế nhưng, qua kiểm tra, đơn vị này vẫn “tung” các sản phẩm trên ra thị trường dù không có giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, không có giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.
Tương tự, Công ty TNHH Kinh doanh thương mại và dược phẩm Hà Thanh (ở phường Phú Lãm, quận Hà Đông, TP Hà Nội) bị phạt gần 36 triệu đồng vì quảng cáo sản phẩm thực phẩm giảm cân “Họ Nguyễn new” trên website, mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung, trước khi thực hiện quảng cáo. Thậm chí, công ty bán sản phẩm thực phẩm giảm cân “Họ Nguyễn new”, nhưng không có tiêu chuẩn công bố áp dụng. Thế nhưng, công ty đã sản xuất và phân phối sản phẩm này có dạng viên nhộng và bán với giá 900.000 đồng/gói trên thị trường trong một thời gian dài...
Mới đây, Công an quận Bắc Từ Liêm đã phát hiện, thu giữ hơn 1.000 gói ni lông (kích thước khoảng 8x12cm) bên trong có chứa các viên thuốc hình con nhộng cùng nhiều tấn nguyên liệu tại địa chỉ sản xuất sản phẩm tăng cân, giảm cân giả ở phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Công an quận Bắc Từ Liêm đã gửi những mẫu sản phẩm tăng cân, giảm cân của cơ sở sản xuất này tới Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) để kiểm nghiệm thành phần. Kết quả, mẫu sản phẩm giảm cân có thành phần Sibutramine là tân dược dùng để điều trị cho bệnh nhân béo phì.
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Sibutramine là một hoạt chất làm giảm cảm giác thèm ăn, nhưng đặc biệt nguy hiểm đối với người có tiền sử bệnh tim mạch và huyết áp. Nhiều nước trên thế giới đã cảnh báo về việc rất nhiều người phải nhập viện trong tình trạng sức khỏe và tính mạng bị đe dọa do sử dụng thực phẩm chức năng có hoạt chất Sibutramine. Chính vì vậy, hoạt chất Sibutramine được liệt vào danh
sách chất cấm, đã được cơ quan dược phẩm châu Âu (AMEA), cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) và các cơ quan quản lý dược một số nước trên thế giới khuyến cáo về khả năng làm tăng nguy cơ tim mạch đối với các thuốc chứa hoạt chất này. Ngày 8-6-2010, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có văn bản ngừng cấp phép
nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine và ngày 14-4-2011, Cục Quản lý dược đã thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi các thuốc có chứa hoạt chất Sibutramine.
Đưa vào diện kiểm soát cao nhất
Tại Bệnh viện Bạch Mai đã từng tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, suy hô hấp, men gan tăng cao… Nguyên nhân do phản ứng với thuốc, thực phẩm chức năng giảm cân mà bệnh nhân đã dùng trước đó.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, các loại thuốc, thực phẩm chức năng giảm cân cấp tốc thường có công dụng làm giảm cảm giác thèm ăn, gây chán ăn để hạn chế tối đa nguồn năng lượng nạp vào. Khi thiếu năng lượng cho hoạt động sống, cơ thể buộc phải cắt nguồn năng lượng dự trữ từ gan, cơ, sau cùng mới đến mỡ, gây rối loạn chuyển hóa… Mặt khác, với việc dùng các loại thuốc, thực phẩm gây chán ăn, khiến cơ thể thường xuyên ở trong tình trạng hạ đường huyết, ảnh hưởng đến khả năng tập trung, tư duy, ghi nhớ… Do vậy, người tiêu dùng không nên lạm dụng các loại thuốc, thực phẩm chức năng giảm cân không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có giấy phép chứng nhận đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Giám đốc Sở Y tế, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai lấy mẫu trên diện rộng, tập trung vào nhóm sản phẩm giảm cân là thực phẩm chức năng để đánh giá chất lượng và an toàn của sản phẩm, ưu tiên giám sát chỉ tiêu Sibutramine. Mặt khác, đề nghị các cơ quan hải quan cửa khẩu áp dụng phương thức kiểm tra chặt đối với các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe công bố công dụng giảm cân. Việc áp dụng phương thức kiểm tra chặt là phương thức kiểm tra cao nhất đối với
thực phẩm nhập khẩu hiện nay, chỉ áp dụng đối với các trường hợp sản phẩm có cảnh báo của bộ quản lý chuyên ngành, UBND cấp tỉnh, cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài, của nhà sản xuất...