0908.326.779 - 0906.362.707
 

Người tiêu dùng xử lý như thế nào với thực phẩm không rõ nguồn gốc, bẩn, hết hạn sử dụng?

14/03/2022    4.6/5 trong 5 lượt 
Người tiêu dùng xử lý như thế nào với thực phẩm không rõ nguồn gốc, bẩn, hết hạn sử dụng?
Câu chuyện về an toàn vệ sinh thực phẩm trước, trong, sau dịch Covid-19 chưa bao giờ không bức thiết đối với người tiêu dùng. Vậy, người tiêu dùng phải ứng xử, xử lý như thế nào với thực phẩm không rõ nguồn gốc, bẩn, hết hạn sử dụng?

LTS: Nhân dịp ngày Quyền của Người tiêu dùng, tạp chí Thương hiệu và Công luận chuyển đến bạn đọc những thông tin, quy định về Quyền của Người tiêu dùng. Chúng tôi thực hiện loạt bài này, với mong muốn để Người tiêu dùng hiểu và biết quyền của mình, để trở thành người tiêu dùng thông thái; để chi tiền mua được những sản phẩm đúng với mức tiền chi; để thực hiện quyền khi tiêu dùng, tránh tiền mất, tật mang.

Sau một loạt bài viết: Người tiêu dùng có cần biết Quyền của người tiêu dùng không? Người tiêu dùng có những Quyền gì?; Người tiêu dùng trong "ma trận" nhập nhèm hàng tiêu dùng thật – giả giống nhau thì xử lý như thế nào?chúng tôi nhận được rất nhiều phản hồi tích cực của độc giả. Rất nhiều ý kiến lo ngại trước vấn đề hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ đặc biệt trong bài viết: Người tiêu dùng trong "ma trận" nhập nhèm hàng tiêu dùng thật – giả giống nhau thì xử lý như thế nào?đã đề cập đến vấn đề các thực phẩm không đảm bảo về chất lượng, không rõ nguồn gốc…

Và tại sao các mặt hàng nông sản phẩm xuất khẩu đi nước ngoài thì yếu tố chất lượng, an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu và quản lý rất chặt. Trong khi các sản phẩm tiêu thụ trong nước, đặc biệt là các sản phẩm được bán ở chợ đầu mối, chợ dân sinh thì chưa được quan tâm đúng mức.

Tại sao thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng vẫn cứ được tuồn ra thị trường? Nhiều độc giả, người tiêu dùng hỏi rằng, liệu thực phẩm được quảng cáo là sạch, được bày bán ở các cơ sở lớn có thực sự sạch và an toàn hay không? Hướng xử lý ra sao khi phát hiện sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm?

Rất nhiều và rất nhiều những câu hỏi quả thực bức xúc và nhức nhối. Thương hiệu & Công luận sẽ cung cấp cho độc giả những thông tin cần thiết, tránh trường hợp “tiền mất, tật mang” để độc giả biết cách tự bảo vệ mình để trở thành người tiêu dùng thông thái.

Nỗi lo thực phẩm không rõ nguồn gốc...

Qua ghi nhận thực tế của PV tại chợ Nhân Chính, Thượng Đình, Ngã Tư Sở, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội thì... các loại thực phẩm tươi sống hầu hết đều không rõ nguồn gốc. Các loại rau, củ quả cũng như thịt, cá… bày bán đều không đảm bảo quy định về bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của chợ ngày càng xuống cấp... Tất cả khiến chợ trở nên nhếch nhác, vừa ô nhiễm, vừa mất mỹ quan.

PV dạo một vòng các sạp hàng bán các mặt hàng đồ khô như: Miến, mộc nhĩ, nấm hương, tôm khô, gia vị, hành tỏi, đậu xanh… đều là những mặt hàng người tiêu dùng có xu hướng tích trữ được bày bán rất nhiều nhưng không rõ nguồn gốc?

Các mặt hàng đồ khô được bày bán tại chợ Nhân Chính, Thanh Xuân rất nhiều nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Các mặt hàng đồ khô được bày bán tại chợ Nhân Chính, Thanh Xuân rất nhiều nhưng không rõ nguồn gốc. Ảnh Thanh Tuyến.

Chị Phùng Thị Hà, quê Ba Vì, TP. Hà Nội, bán rau củ quả tại chợ Nhân Chính cho biết, ngày nào cũng đều răm rắp, 3h sáng chồng chị Hà tất bật dậy để ra chợ đầu mối Long Biên (TP. Hà Nội) lấy rau về cho vợ bán. Khi được hỏi về nguồn gốc của các loại thực phẩm, thì chị nói: “Cứ lấy thì lấy thôi, vì nó là chợ đầu mối mình cũng có biết người ta nhập từ đâu đâu”.

Còn chị Trần Anh Thư, ở Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội thì chia sẻ: "Từ sau khi bùng phát dịch bệnh, gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Tuy nhiên, hàng ngày vẫn phải đảm bảo đủ bữa ăn giấc ngủ cho cả gia đình với con đang tuổi lớn. Điều mà tôi lo ngại hơn cả là nguồn gốc thực phẩm cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm..."

Các loại rau, củ quả được bày bán tại chợ Nhân Chính.
Các loại rau, củ quả được bày bán tại chợ Nhân Chính không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh Thanh Tuyến.

Không chỉ tại các chợ dân sinh, tại một số siêu thị, ngoài các loại thực phẩm đóng gói, đóng hộp ghi rõ nguồn gốc thì thời gian qua đã xuất hiện tình trạng một số nơi các loại thực phẩm chế biến sẵn cũng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Thậm chí không ít người tiêu dùng mua phải những thức ăn quá “đát”, ôi, thiu do để lâu ngày…

Tại siêu thị lớn một trong những điểm bán nhiều mặt hàng thực phẩm đông lạnh, thực phẩm đã sơ chế sẵn với số lượng lớn, như: Hải sản, thịt gia súc, gia cầm, rau, củ, quả… Với mặt hàng thực phẩm đã qua sơ chế, được bảo quản trong tủ mát như ức gà, chân gà, cánh gà,… để trần, không ghi có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ.  “Các loại thức ăn chế biến sẵn trong siêu thị thường có giá cao hơn, trông bắt mắt, đảm bảo vệ sinh nhưng nguồn gốc thì cũng không biết từ đâu ra. Khi mà nguồn thực phẩm sạch không có thì chúng tôi vẫn phải “nhắm mắt” mua về nhà những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc”, đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Hằng, trú tại phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, mua sắm tại siêu thị.

Là người luôn luôn tin tưởng mua hàng tại siêu thị Fivimart số 142 Lê Duẩn, anh Nguyễn Văn Hai, ở Lê Duẩn, quận Đống Đa, TP. Hà Nội phản ánh: "Rau, củ, trái cây... nông dân mình trồng ngon ngọt, siêu thị luôn có hàng mới lại hay giảm giá, không có lý do gì để không mua. Những vật dụng hằng ngày tôi cũng đều đến siêu thị lựa chọn các thương hiệu trong nước để mua". Anh Hai rất đồng tình với việc "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" nhưng nhiều lần mua phải thực phẩm hết hạn sử dụng mà không biết phải xử lý như thế nào? 

Người tiêu dùng lựa chọn nông sản tại siêu thị Fivimart số 142 Lê Duẩn, Đống Đa, Hà Nội.
Người tiêu dùng lựa chọn tại siêu thị Fivimart số 142 Lê Duẩn, Đống Đa, Hà Nội. Ảnh Thanh Tuyến.

Làm người tiêu dùng thông thái không dễ?

Cơ quan chức năng liên tục phát hiện các vụ kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, bẩn cho thấy, những vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn diễn biết rất phức tạp. Mới đây, ngày 04/03, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố Hà Nội phát hiện khoảng gần 10 tấn sụn gà, chân gà, dạ dày động vật… được ép bánh, đóng trong các bao tải dứa… ở kho thực phẩm tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai. Hay vụ 8 tấn ngó sen được ngâm trong nhiều thùng phuy hóa chất để làm trắng, giòn được phát hiện tại cơ sở kinh doanh ở huyện Củ Chi, TP. HCM…

Sau các vụ việc nói trên, rất nhiều ý kiến lo ngại rằng, liệu thực phẩm được quảng cáo là sạch, được bày bán ở các cơ sở lớn có thực sự sạch và an toàn hay không?

Bác sĩ Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng phân tích: "Thực phẩm sạch là thực phẩm không chứa chất độc hại hoặc chất bẩn, không gây ảnh hưởng trực tiếp và kéo theo những hậu quả khôn lường cho sức khỏe của người dùng. Những chất gây hại này đã được công bố, kiểm nghiệm kỹ càng từ phía các cơ quan chức năng".

Còn đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, thì đưa ra thông báo: Thực phẩm sạch, an toàn phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, GlobalGap cũng như tiêu chuẩn hữu cơ. Theo đó, để đạt tiêu chuẩn VietGAP, thực phẩm sạch cần đảm bảo về kỹ thuật sản xuất khoa học, đúng chuẩn; thực phẩm không chứa các chất hóa học, chất độc hại; nguồn gốc sản phẩm rõ ràng, việc tìm kiếm nguồn gốc này phải thuận lợi...

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, chuyên gia cao cấp của Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học thông tin: Thực phẩm sạch tại nhiều nơi, kể cả các cửa hàng thực phẩm sạch hay siêu thị đều không thể khẳng định an toàn, điều này chỉ có thể trông chờ vào lương tâm người trồng trọt, chăn nuôi và quy trình kiểm soát của các cơ quan chức năng. Ông cũng khẳng định, câu chuyện thực phẩm sạch ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều điều chưa được làm rõ, rất nhiều nơi vẫn còn tình trạng “ngoài sạch trong bẩn”.

Vấn đề đặt ra, khi phát hiện sản phẩm, nơi sản xuất sản phẩm bày bán trong siêu thị, cơ sở kinh doanh... không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn mác, hạn sử dụng đã hết thì người tiêu dùng cần áp dụng quy định của pháp luật như thế nào? Báo cho cơ quan có thẩm quyền nào kiểm tra, xem xét?

Theo Luật sư Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Công ty luật TNHH Đại Huệ, Đoàn Luật sư Nghệ An, thì căn cứ khoản 2, Điều 9, Luật Bảo vệ người tiêu dùng; Điểm b, khoản 2, Điều 9 và Điều 52 Luật An toàn thực phẩm, khi phát hiện sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì tổ chức, cá nhân phát hiện có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Ủy ban nhân dân địa ph­ương nơi gần nhất hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Căn cứ Điều 80 Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/08/2020, Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Quản lý thị trường, Công an nhân dân, Thanh tra... khi phát hiện sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, nhãn mác, hạn sử dụng đã hết thì người tiêu dùng trình báo cho các cơ quan này để xử lý, giải quyết

Minh An