0908.326.779 - 0906.362.707
 

Tăng cường thanh tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm

11/01/2022    4.6/5 trong 5 lượt 
Tăng cường thanh tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm
Dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2021 đã được các ngành triển khai thực hiện phù hợp. Qua đó phát hiện, ngăn chặn kịp thời vi phạm về ATTP, không để thực phẩm không bảo đảm an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu lưu thông trên thị trường.

Đó là đánh giá của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP về công tác hậu kiểm thực phẩm năm 2021. Theo đánh giá này, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chỉ đạo tiến hành rà soát, tạm dừng, giãn, hoãn các cuộc kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chưa cần thiết nhưng công tác hậu kiểm ngăn chặn hành vi phạm pháp luật về ATTP được thực hiện linh hoạt. Qua đó đã xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm. Hậu kiểm giám sát mối nguy đã phát hiện một số trường hợp sản phẩm có chất cấm sử dụng; tình trạng quảng cáo vi phạm trên môi trường mạng, mạng xã hội, thương mại điện tử tiếp tục có diễn biến phức tạp.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP cho thấy, trong năm 2021 đã hậu kiểm 376.426 cơ sở, đã xử lý 22.512 cơ sở, tổng số tiền phạt  hơn 109, 464 tỷ đồng. Giá trị tang vật thu giữ trên 20,5 tỷ đồng; đình chỉ: 172 sản phẩm; số sản phẩm bị tiêu hủy 1.697 loại thực phẩm do không đảm bảo chất lượng ATTP (thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng...); khởi tố 11 vụ, 16 đối tượng trong đó: 3 vụ/6 đối tượng về “tội vi phạm các quy định về an ATTP" theo Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015, 6 vụ/9 đối tượng về “tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” theo Điều 193 Bộ luật Hình sự và 1 vụ/3 đối tượng về “tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” (để vận chuyển gia cầm) theo Điều 341 Bộ luật Hình sự.

Theo kế hoạch triển khai công tác hậu kiểm về ATTP năm 2022, Ban Chỉ đạo yêu cầu công tác hậu kiểm có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hậu kiểm nhóm sản phẩm thuộc diện tự công bố, đăng ký bản công bố; sản phẩm nhập khẩu thuộc diện miễn kiểm tra hoặc kiểm tra giảm và kiểm soát ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Tập trung hậu kiểm hồ sơ tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, đánh giá nội dung ghi nhãn và chỉ tiêu an toàn cơ sở tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm (hoặc các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định pháp luật cơ sở công bố áp dụng).

Tăng cường xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các báo, đài; trên internet và môi trường mạng; lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm có nguy cơ pha trộn chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe thuộc các nhóm sản phẩm: Hỗ trợ người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, đau xương khớp, mỡ máu, rối loạn cương dương, tăng cân, giảm cân…

Theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP, hoạt động hậu kiểm phải bảo đảm phù hợp với bối cảnh, tình hình dịch bệnh COVID -19 hiện nay và tính chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời, đúng pháp luật. Tiến hành hậu kiểm không cản trở hoạt động bình thường của các tổ chức, cá nhân là đối tượng kiểm tra.

Các đoàn hậu kiểm khi phát hiện vi phạm phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật; các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả mạnh mẽ, quyết liệt như: Đình chỉ hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về ATTP; tịch thu tang vật, tạm dừng lưu thông, thu hồi, tiêu hủy sản phẩm vi phạm về ATTP; áp dụng thu hồi các loại giấy chứng nhận đã cấp theo thẩm quyền.

Thông qua công tác hậu kiểm, phát hiện, ngăn chặn kịp thời vi phạm về ATTP, không để thực phẩm không bảo đảm an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu lưu thông trên thị trường. Đồng thời kết hợp hậu kiểm với tuyên truyền quy định xử lý hình sự đối với tội vi phạm quy định về ATTP theo Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017.

Phương Anh