0908.326.779 - 0906.362.707
 

Một dự thảo Nghị định không đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ

04/12/2021    4.6/5 trong 5 lượt 
Một dự thảo Nghị định không đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ
Theo nhiều chuyên gia Ngành Thú y, nếu bỏ việc kiểm dịch động thực vật nhập khẩu thì nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm từ các nước xâm nhiễm vào Việt Nam là rất lớn.

Không theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới

Dự thảo Nghị định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu (dự thảo Nghị định) do Tổng cục Hải quan chủ trì xây dựng đã được trình các thành viên Chính phủ cho ý kiến. Tuy nhiên, dự thảo này đang gây nên nhiều tranh cãi với một số nội dung chưa đạt được sự đồng thuận từ các các ngành có liên quan.

Ngày 23/11, Lãnh đạo Bộ NN- PTNT đã chủ trì hội nghị trực tiếp và kết nối trực tuyến với các đơn vị, hội, hiệp hội, doanh nghiệp để lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo NNVN tại Chi cục Thú y vùng II (Hải Phòng), hiện nay thủ tục kiểm dịch, kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm khác do Bộ NN-PTNT quản lý đã được tích hợp. Các tổ chức, cá nhân nhập khẩu chỉ cần nộp 1 bộ hồ sơ với 1 mẫu đơn tích hợp và nhận 1 kết quả kiểm tra trên hệ thống Một cửa Quốc gia.

Đại diện các hội, hiệp hội, lãnh đạo các doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm động vật đều cho rằng, theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), trong buôn bán thương mại, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm động vật, các nước chỉ yêu cầu đối với cơ quan thú y có thẩm quyền của nước xuất khẩu kiểm dịch và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu cho lô hàng sản phẩm động vật. Không yêu cầu phải cấp thêm Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho lô hàng xuất khẩu, với lý do nội dung trong giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu đã đảm bảo đầy đủ các yêu cầu theo quy định về kiểm soát dịch bệnh và vệ sinh thú y theo quy định của OIE.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Nghị định không đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 38 phê duyệt Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”.

Cụ thể, phạm vi điều chỉnh của Đề án khi gửi xin ý kiến các nước thành viên của WTO và gửi Bộ Tư pháp thẩm định đã loại trừ đối với “Hàng hóa vừa thuộc diện kiểm dịch, vừa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành khác do Bộ NN-PTNT quản lý”. Tuy nhiên, dự thảo mới nhất của Tổng cục Hải quan có một số điểm chưa sát với thực tế và chưa tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp trong các lần lấy ý kiến trước đó.

Chưa phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế

Dự thảo Nghị định mới hướng dẫn cả đăng ký bản công bố và tự công bố đối với thực phẩm nhập khẩu là phần việc đang được Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT thực hiện theo quy định. Theo đó, dự thảo Nghị định này cũng sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử giữa thực phẩm sản xuất trong nước và thực phẩm sản xuất ở nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam.

Cụ thể, thực phẩm nhập khẩu chỉ cần 1 doanh nghiệp đăng ký bản công bố trên hệ thống của Tổng cục Hải quan xây dựng, các doanh nghiệp khác khi nhập sản phẩm này không phải thực hiện việc đăng ký bản công bố.

Trong khi đó, việc xuất khẩu sản phẩm động vật từ Việt Nam sang các nước gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục hành chính và hàng rào kỹ thuật (trong đàm phán xuất khẩu sản phẩm sữa chế biến sang Trung Quốc phải tổ chức thực hiện gần 7 năm; xuất khẩu thịt gà chế biến sang Nhật Bản phải mất hơn 3 năm, đồng thời phải đánh đổi các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm đông lạnh từ Nhật Bản nhập khẩu vào Việt Nam).

Theo dự thảo Nghị định, yêu cầu mỗi lô hàng nhập khẩu phải có “Giấy chứng nhận đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm” do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp và lô hàng nhập khẩu phải có “Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu” do cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu cấp là không khả thi và giống như quy định tại Thông tư số 25/2010/TT-BNNPTNT và Nghị định số 15/2018/NĐ-CP trước đây đã gây ách tắc hàng hóa nhập khẩu, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Như vậy, những bất cập trong việc thông quan hàng hóa từ năm 2010 đến nay lại được Tổng cục Hải Quan đưa vào dự thảo Nghị định.

 Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco. Ảnh: Nam Khánh.


Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco cho biết, một số điểm dự thảo Nghị định chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Nhiều loại hàng hóa hiện nay doanh nghiệp được phép đưa về kho doanh nghiệp phân tán ở các tỉnh khác nhau, nên việc cập nhật biên bản lấy mẫu trong vòng 2 giờ đồng hồ thì khó khả thi. Thực tế, hàng hóa được nhập khẩu về nhiều cảng khác nhau, có cảng ở xa tới hàng trăm km so với phòng thí nghiệm, việc tổ chức kiểm dịch, lấy mẫu kiểm dịch, lập biên bản, xét nghiệm mất rất nhiều thời gian. Với những lô hàng trong các cảng, cán bộ kiểm dịch cũng phải lấy mẫu cho nhiều lô hàng, của nhiều chủ hàng, do vậy mất nhiều thời gian.

Đồng quan điểm về những bất cập của dự thảo Nghị định, ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng, Nghị định ban hành phải có căn cứ pháp luật, dựa trên các luật hiện hành, không thể đưa ra quy định khác luật. Dự thảo Nghị định phải làm rõ danh mục hàng hóa, những danh mục hàng hóa đã quy định trong Luật An toàn thực phẩm... Nếu vẽ ra một cơ chế khác thì sẽ gây ra nhiều phiền hà bởi không phải là hải quan đứng ra làm sẽ nhanh, vì họ không có hạ tầng, không có kỹ thuật, kỹ năng, không được đào tạo trong kiểm nghiệm, đánh giá rủi ro. Do đó, kiến nghị cần có phản hồi với Chính phủ để đảm bảo tính minh bạch và thực thi các luật chúng ta đang có.

Nguy cơ xâm nhiễm nhiều dịch bệnh nguy hiểm

Nếu tổ chức thực hiện theo các nội dung của dự thảo Nghị định, nguy cơ có thể nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm từ các nước xâm nhiễm vào Việt Nam. Dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, do vậy, cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu phải tra cứu, kiểm tra, đối chiếu thông tin về tình hình dịch bệnh tại nước xuất khẩu, thông báo của OIE và Cơ quan Thú y có thẩm quyền của nước xuất khẩu.

Cán bộ Chi cục Thú y vùng II xét nghiệm mẫu kiểm tra. Ảnh: Nam Khánh.

.

Việc không tổ chức kiểm dịch chặt chẽ theo đúng như quy định tại Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sẽ có nguy cơ cao động vật chết, mắc bệnh, thịt, trứng hết hạn, sắp hết hạn,… sẽ được đưa vào sản xuất, chế biến để xuất khẩu sang Việt Nam và gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Nếu tổ chức thực hiện theo các nội dung như dự thảo Nghị định thì nguy cơ về các mầm bệnh gây bệnh ô nhiễm vào thực phẩm mà không kiểm soát được; thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng sẽ tràn vào nước ta, nhất là tràn vào qua biên giới…

Các doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để sản xuất sản phẩm chăn nuôi, thủy sản theo chuỗi khép kín, có chất lượng cao để tiêu thụ trong nước, xuất khẩu, nhằm nâng cao giá trị gia tăng sẽ khó tiêu thụ sản phẩm sản xuất ra, cạnh tranh không công bằng với các loại sản phẩm chăn nuôi, thủy sản nhập khẩu nhưng không được kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ theo thông lệ quốc tế giống các nước đang áp dụng đối với sản phẩm động vật xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, nếu Nghị định được thông qua sẽ gây lãng phí về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người, nguồn lực đã đầu tư (cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, nhân lực,...), phương án xử lý đối với hệ thống một cửa quốc gia thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại các bộ đang thực hiện.

Hoạt động kiểm tra chuyên ngành liên quan đến từng mặt hàng, cơ quan chuyên ngành, đòi hỏi cán bộ có chuyên môn sâu và quy trình kiểm tra phù hợp với từng loại sản phẩm đông vật; với một số mặt hàng, người lấy mẫu, kiểm tra phải được tập huấn, đào tạo chuyên ngành, có chuyên môn mới được cấp chứng chỉ để thực hiện.

 

 

Từ những tồn tại, bất cập nêu trên, để bảo đảm an toàn dịch bệnh cho động vật và bảo vệ sức khỏe con người, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trong nước phát triển bền vững và đẩy mạnh việc xuất khẩu sản phẩm động vật từ Việt Nam sang các nước, các đại biểu kiến nghị:

Tiếp tục thực hiện các quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn chi tiết của Luật Thú y. Theo đó, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định cần loại trừ: “Hàng hóa vừa thuộc diện kiểm dịch, vừa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành khác do Bộ NN-PTNT quản lý” theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 99, chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ tại Quyết định số 38 và các văn bản góp ý của Bộ NN-PTNT. Đồng thời, bỏ các quy định liên quan đến sản phẩm động vật tại Điều 7, Điều 25 và Điều 26 của dự thảo Nghị định