Hơn một năm nay, dọc theo tuyến Quốc lộ 1A, đoạn huyện thủ Thừa, Bến Lức, thành phố Tân An của tỉnh Long An mọc lên hàng trăm túp lều bán bánh tráng trộn
Nhiều người đi đường ghé lại mua làm quà vì vừa rẻ, ngon, lại vừa gọn, nhẹ. Nhưng món ăn ngon này rất cần sự quản lý của cơ quan chức năng để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Khảo sát thực tế ở những nơi bánh bánh tráng trộn, chúng tôi thấy có nhiều người đến mua. Chị Trần Thị Đẹ p, người mua bánh ngụ Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mỗi lần về quê ở Tiền Giang, chị đều ghé mua bánh tráng, vì bánh tráng trộn ở Long An ngon hơn những nơi khác. Chị còn có định lấy bánh về bán, nhưng không biết chỗ nào để lấy giá sỉ.
Hay như anh Trần Thành Nhân, ngụ Bình Đại, tỉnh Bến Tre cho biết, anh rất thích dùng bánh tráng trộn của tỉnh Long An. Bởi h ương vị đặc trưng thơm ngon, càng ăn lại càng ngon và do thường hay ghé mua bánh về ăn, nên anh Nhân cảm thấy nghiện.
Chị Trần Diệu Trinh, ngụ xã Bình Thạnh, Thủ Thừa (Long An) là một trong những người bán bánh tráng tráng trộn cho biết, vào buổi chiều, mọi người đến mua bán tráng trộn tại chợ phường 2, thành phố Tân An rất đông. Người mua phải chờ đợi khá lâu mới có được 1 bịch bánh tráng.
Thấy vậy, chị Trinh tìm hiểu, mua bánh tráng tại đây với giá sỉ 45.000- 50.000 đồng/kg, rồi dựng lều bán cho người đi đường trên tuyến quốc lộ. Bình quân, mỗi 1 kg bánh tráng trộn, chị Trinh lãi từ 20.000- 25.000 đồng.
Khi hỏi về thương hiệu của bánh tráng, chị Trinh cho biết, chị không chú ý đến vấn đề này vì mỗi bịch bánh tráng lớn 10 kg, chia ra mỗi bịch nhỏ và chỉ bán trong vòng 2 ngày hết. Sau đó, chị lấy bánh tiếp nên cũng không quan tâm thương hiệu.
"Chủ yếu người ăn thấy ngon, rồi sau đó quay trở lại mua. Trong khi đó, đăng ký thương hiệu đòi hỏi nhiều giấy tờ liên quan dẫn đến chi phí tăng", chị Diệu Trinh chia sẻ.
Chị Nguyễn Thanh Tuyền bán bánh trộn tại xã Nhị Thành, Thủ Thừa cho hay, chị bán nay được 3 tháng. Việc bán bánh này vừa nhẹ nhàn, vừa dễ thu hút khách. Khác với chị Trinh lấy bánh trộn sẵn, chị Tuyền lấy bánh tráng ở tỉnh Tây Ninh, đem về trộn gia vị. Để biết cách pha trộn, chị Tuyền phải tốn công hơn 1 tháng, học lại của những người khác.
Anh Bùi Thanh Lâm trước đây bán bánh, giải khát tại các hội chợ. Thấy bánh tráng trộn được nhiều người ưa dùng, gần 9 tháng nay anh thuê nhà tại phường Khánh Hậu, thành phố Tân An, để bán. Anh Lâm đã đăng ký giấy phép kinh doanh, giấy an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện anh còn đang chờ lấy mẫu bánh đi kiểm tra, để công bố đạt chất lượng, nhằm quảng bá thêm thương hiệu Cơ sở bánh tráng trộn Cô Út của mình.
Qua tìm hiểu và quan sát của chúng tôi ở một số nơi, người bán chưa chú ý đến thương hiệu, thậm chí vệ sinh cũng chưa được quan tâm.
Mặc dù có sử dụng găng tay bằng bao nilon khi trộn, nhưng có lúc đông khách, lại bỏ găng tay; hoặc cầm tiền sau đó lại pha trộn bánh mà không lưu ý đến tay bẩn. Đó là chưa kể đến những gia vị pha chế có đảm bảo không sử dụng phẩm màu hay thời hạn sử dụng...
Nói về quản lý bánh tráng trộn, ông Phạm Ngọc Long – Phó Trưởng phòng kinh tế thành phố Tân An cho biết, việc quản lý bánh tráng nguyên liệu cũng như bánh tráng trộn có tới 2 ngành. Ngành công thương quản lý cơ sở sản xuất có địa điểm cố định, còn ngành y tế quản lý thức ăn đường phố hoặc những gánh hàng rong.
Tại thành phố Tân An, có một làng nghề sản xuất bánh tráng nguyên liệu khoảng 80 hộ, đã được UBND tỉnh Long An quyết định thành lập làng nghề tại phường 5, vào năm 2012 .
Theo ông Phạm Ngọc Long, đối với những người chế biến bánh tráng trộn, kinh doanh bánh tráng trộn khoảng trên 50 người, trong đó khoảng 10 hộ sản xuất, số còn lại lấy của những hộ này. Nguồn gốc của chế biến bánh tráng trộn có một số lấy ở địa bàn thành phố Tân An, có một số lấy nguyên liệu của tỉnh khác.
Trong số những người bán bánh tráng trộn đến nay, phần lớn chưa có giấy kinh doanh, cũng như chưa có đủ thủ tục về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nguyên nhân họ ngại làm thủ tục, giấy tờ.
Theo ông Nguyễn Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Long An, tỉnh đã phân công ngành y tế tại các huyện, thành phố nơi có bán tránh trộn chịu trách nhiệm tuyên truyền về an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra; đồng thời vận động những hộ này thực hiện theo đúng quy định pháp luật về đăng ký giấy phép kinh doanh, đăng ký thương hiệu,…
Bà Võ Thị Dễ, Phó Giám đốc Sở Y tế Long An cho rằng, trong thời gian gần đây, các quầy bán bánh tráng trộn xuất hiện ngày càng nhiều tại khu vực cặp tuyến Quốc lộ 1A của Tân An, Thủ Thừa, bán cho người sử dụng thường là trẻ em, thanh thiếu niên.
Bánh tráng trộn là món ăn nguội nên không được tiệt trùng như một số thực phẩm chính khác, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi sử dụng. Đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em, đòi hỏi phải quan tâm chặt chẽ ở nhiều góc độ như khâu chế biến (nguồn gốc, hạn sử dụng); các loại gia vị, dầu trộn, phẩm màu; vệ sinh trong chế biến; khâu bảo quản (tránh ruồi, nhặn); khâu kinhdoanh (tứi đựng…
Bà Võ Thị Dễ cho biết, ngành y tế Long An sẽ phối hợp cùng các ban ngành, cùng các địa phương tăng cường quản lý, tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm cho người kinh doanh và người tiêu dùng, cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cho những cơ sở đạt chuẩn... nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.