Những bất cập liên quan đến cách kiểm soát nguồn thực phẩm từ các nơi chuyển về TPHCM, thiếu nguồn nhân lực, quy định xử lý vi phạm an toàn thực phẩm còn nhẹ và chưa chặt chẽ, việc nhiều sở ngành cùng quản lý một ngành sản xuất dẫn đến chồng chéo..., theo thông tin từ hội thảo khoa học quản lý an toàn thực phẩm từ gốc do HĐND TPHCM tổ chức.
Hiện sản xuất nông nghiệp tại TPHCM chỉ đáp ứng 30% nhu cầu thực phẩm của người dân, còn lại phải nhập từ các địa phương khác. Thời gian qua vẫn còn nhiều vấn đề, khó khăn vướng mắc trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm tại TPHCM và việc thành phố vừa thành lập Ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm là hợp lý.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại thuộc Sở Công Thương TPHCM cho biết, vì được phân chia ra thành 3 lĩnh vực nên vẫn còn tình trạng chồng chéo trong công tác quản lý vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại thành phố.
“Chẳng hạn Sở Công Thương phụ trách một số nhóm hàng, trong đó có sản phẩm sữa chế biến và tinh bột. Việc này trước đây cũng đã nói nhiều, ví dụ như cái bánh bao hỏi ra ai quản lý thì trong đó có phần thịt do ngành nông nghiệp, tinh bột của ngành công thương, phụ gia thực phẩm do ngành y tế quản lý”, ông Phương nêu thực trạng.
Hiện nay, khi đã chuyển giao về Ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM thì vẫn còn một số hồ sơ do Sở Công Thương quản lý, trong đó có hồ sơ đáng chú ý liên quan đến một cơ sở đăng ký sản xuất kem chuối. Theo đó, kem là sản phẩm chủ yếu làm từ sữa nhưng khi cơ quan chức năng thẩm định tại cơ sở mới phát hiện chẳng có sữa đâu mà chỉ có chuối và dừa vốn thuộc quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Doanh nghiệp thì kêu khổ vì không biết đâu mà đăng ký giấy phép sản xuất bởi sở này chuyển qua sở kia.
“Rõ ràng chúng ta thấy việc phân ra theo từng lĩnh vực quản lý như vậy có nhiều bất cập”, ông Phương nói và cho biết thêm hiện nay Sở Công Thương có một phòng quản lý an toàn thực phẩm chỉ có 5 nhân sự để một thị trường rộng lớn như TPHCM", ông Phương nói.
Ông cho biết thêm chỉ việc tiếp nhận hồ sơ là hết thời gian làm việc của nhân sự phòng quản lý an toàn thực phẩm, lấy đâu ra thời gian để họ đi kiểm tra, giám sát, xử lý các vấn đề phát sinh thì làm sao quản lý hết vấn đề an toàn thực phẩm cho thành phố. Đây là một bất cập.
Để nâng cao hiệu quả quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, theo ông Phương, tốt nhất là phải nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất và phân phối. Theo đó, nguồn thực phẩm cho TPHCM chủ yếu phân phối qua 3 chợ đầu mối lớn là Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền (chiếm 80% lượng thực phẩm nhập từ các nơi khác về), còn lại là các hệ thống phối hiện đại như siêu thị, chợ truyền thống...
Nếu quản lý chặt được nguồn thực phẩm qua 3 chợ đầu mối và các siêu thị thì hầu như 95% thực phẩm an toàn đã được kiểm soát an toàn cho người dân.
Ông Phương đề xuất giải pháp tính toán các quy định để hàng hóa không rõ nguồn gốc, không có chứng từ hóa đơn rõ ràng thì không được vào các chợ đầu mối; những sản phẩm, những nhà cung cấp hàng hóa nào vi phạm sẽ không được đưa hàng vào chợ nữa.
“Khi có chế tài, quy định cứng rắn thì may ra mới kiểm soát được hàng không an toàn lưu hành trên thị trường”, ông Phương đề xuất thêm và nhấn mạnh cần sớm xây dựng sàn giao dịch hàng hóa, tiến tới hàng hóa được giao dịch qua sàn thì sẽ dễ dàng kiểm soát hơn.
Hiện TPHCM đang có khoảng 240 chợ truyền thống chuyên kinh doanh hàng thực phẩm, trong đó có ba chợ đầu mối lớn chuyên tiếp nhận các nguồn thực phẩm, rau củ, thực phẩm từ các địa phương về hàng ngày.
Có thể thấy, TPHCM là đầu mối lưu thông một lượng lớn thực phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu, cung cấp thực phẩm cho các tỉnh, thành khác. Thống kê cho thấy mỗi ngày thành phố cần 1.000-1.200 tấn thịt, trong đó thịt heo khoảng 8.000-10.000 con, trâu và bò 800-900 con, gia cầm 100.000-120.000 con. Ngoài ra, thực phẩm đông lạnh nhập khẩu khoảng 264.000 tấn/năm, chưa kể nhu cầu tiêu thụ rau của người dân thành phố lên đến 1 triệu tấn/năm và khoảng 170.000 tấn thủy sản/năm.
Theo thống kê của UBND thành phố, trong năm 2016, thành phố đã xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng 512 người nhưng không có ai tử vong. Để hạn chế ngộ độc thực phẩm ngay từ khâu sản xuất, trong năm nay TPHCM sẽ tổ chức tập huấn và thi xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho gần 56.000 người trực tiếp sản xuất – kinh doanh thực phẩm. Thành phố cũng triển khai thí điểm đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo tại 2 chợ đầu mối Hóc Môn và chợ Bình Điền.
|