0908.326.779 - 0906.362.707
 

Cải thiện chất lượng bữa ăn cho công nhân

03/05/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Cải thiện chất lượng bữa ăn cho công nhân
Bước sang năm 2017, ghi nhận thực tế cho thấy đã có nhiều chuyển biến trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cho công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm nỗi lo lắng về vấn đề này, rất cần có những biện pháp cụ thể cải thiện bữa ăn cho công nhân
Chất lượng bữa ăn còn thấp

Hiện nay, có khoảng 370.000 công nhân làm việc tại các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Mỗi ngày, phần lớn lượng công nhân này được cung cấp dịch vụ ăn uống từ hàng trăm bếp ăn tập thể và cơ sở chế biến suất ăn sẵn. Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế TP Hồ Chí Minh), từ đầu năm đến nay, thành phố chưa để xảy ra tình trạng công nhân bị ngộ độc thực phẩm tập thể, giảm mạnh so với cùng kỳ (1 vụ với 50 người mắc) năm ngoái.
 

 

Nhiều doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đã tích cực nâng cao chất lượng bữa ăn cho người lao động.

Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh và các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) đã tăng cường thanh - kiểm tra các cơ sở chế biến suất ăn sẵn bảo đảm vệ sinh ATTP, nỗ lực tìm nhiều giải pháp để doanh nghiệp cải thiện dinh dưỡng suất ăn. Tuy nhiên, công nhân vẫn chưa tin tưởng suất ăn của mình được bảo đảm. Anh Lê Văn Phương, công nhân một nhà máy dệt may tại quận 12 cho biết, giá một suất ăn đã được công ty công bố nâng lên 25 nghìn đồng (trước đây là 15 nghìn đồng) nhưng không ai biết thực phẩm có an toàn hay không. Cùng quan điểm trên, chị Nguyễn Quỳnh Trang, công nhân KCX Linh Trung II (quận Thủ Đức) cho rằng, sức lao động của công nhân phụ thuộc rất lớn vào chất lượng bữa ăn giữa ca, nhưng chất lượng các suất ăn lại không đồng đều...

Theo Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, hơn 90% công nhân trên địa bàn có làm thêm ca nhiều giờ với cường độ làm việc lớn. Chất lượng bữa ăn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân. Khảo sát về dinh dưỡng của công nhân tại các KCX-KCN của Trung tâm Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh cho thấy, khoảng 30% bị suy dinh dưỡng, hơn 20% thiếu máu và trên 70% thiếu iốt. Bác sĩ Trần Thị Anh Tường, Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh) nhận định, lực lượng lao động có đặc thù vận động nhiều và liên tục như công nhân thì việc không đủ dinh dưỡng để tái tạo sức lao động sẽ dẫn đến hệ lụy khôn lường về sức khỏe. Hơn nữa, thực phẩm không an toàn sẽ gây ra ngộ độc nhiều cấp độ, phải điều trị dài ngày, gây tốn kém và suy giảm sức lao động.

Theo Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh, gốc rễ của vấn đề ATTP cho công nhân chưa được bảo đảm là do trách nhiệm của chủ doanh nghiệp chưa được nâng cao, vẫn phó mặc suất ăn của công nhân cho các nhà thầu. Các nhà thầu lại tiếp tục “bán thầu” lại cho những nhà thầu khác, qua mỗi “cửa” số tiền suất ăn lại bị cắt xén, đến bữa ăn công nhân có khi chỉ còn 4-5 nghìn đồng, chưa kể cơ sở trực tiếp nấu ăn còn tiếp tục thu lợi bằng cách mua thực phẩm rẻ, kém chất lượng...
 
Ngày 23-4, Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh đã khởi động “Tháng Công nhân” lần thứ 9 gắn với “Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động” lần 1 năm 2017 với chủ đề “Năm lợi ích đoàn viên” với nhiều hoạt động thiết thực, trong đó tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động trên địa bàn thành phố.

Trách nhiệm của chủ doanh nghiệp và tổ chức Công đoàn

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian tới Ban Quản lý ATTP sẽ có chương trình hành động với Liên đoàn Lao động thành phố để giải quyết vấn đề này bằng những biện pháp chuyên ngành như thanh - kiểm tra, tập huấn cho các bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến suất ăn sẵn. Theo bà Lan, chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về sức khỏe, tính mạng của công nhân trong nhà máy, công ty. Từ đó, chất lượng suất ăn cho công nhân mới có thể được nâng cao.

Ngoài ra, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, tổ chức Công đoàn cũng chưa thực sự là chỗ dựa cho công nhân, nhất là khi một số nơi công nhân ăn thực phẩm bẩn, dinh dưỡng kém, Công đoàn dù biết cũng không lên tiếng. “Không có lực lượng chức năng nào có thể đủ sức kiểm soát được tình hình ATTP nếu như người dân, công nhân phó mặc hoàn toàn cho cơ quan quản lý”, bà Lan nói. Vì thế, Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh sẽ tăng cường thanh - kiểm tra đột xuất tối thiểu 2 lần/năm đối với các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn và 4 lần/năm đối với các bếp ăn tập thể tự tổ chức.

Theo Ban Quản lý các KCX-KCN TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, nhất là trong "Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động" lần 1 năm 2017, Ban đã đề nghị các doanh nghiệp thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, trong đó quan tâm đến nâng chất lượng bữa ăn giữa ca của công nhân. Đến nay, hầu hết các suất ăn giữa ca của công nhân đã được tăng lên mức tối thiểu là 15 nghìn đồng/suất, có những công ty đã tăng lên đến 40-50 nghìn đồng/suất nhưng Ban Quản lý các KCX-KCN thành phố vẫn yêu cầu các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp kiểm tra tại chỗ các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn và bếp ăn tập thể. Theo đó, đối với bếp ăn tập thể do doanh nghiệp thuê nấu và tự tổ chức phải rà soát lại giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP và cam kết thực hiện nghiêm các quy định về ATTP. Riêng đối với các suất ăn từ các cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp, chỉ ký hợp đồng đối với đơn vị có đủ điều kiện. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có trách nhiệm báo cáo tình hình chăm lo bữa ăn giữa ca cho công nhân về Ban Quản lý theo dõi và kiểm soát
Tiến Thành