0908.326.779 - 0906.362.707
 

Tạo thói quen truy xuất nguồn gốc thực phẩm

26/04/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Tạo thói quen truy xuất nguồn gốc thực phẩm
“Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng chống ngộ độc rượu” là chủ đề Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017 của TP Hồ Chí Minh (từ 15-4 đến 15-5). Trong dịp này, thành phố sẽ tổ chức nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Để đưa thực phẩm an toàn đến bếp ăn của người tiêu dùng, tháng 12-2016, thành phố đã triển khai Chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo. Đến nay, đã có hơn 10 cơ sở giết mổ; gần 20 doanh nghiệp, hàng trăm trại chăn nuôi trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận hội đủ các điều kiện, tiêu chuẩn như không sử dụng chất cấm, thuốc kháng sinh trong quá trình chăn nuôi; giết mổ, vận chuyển, bán sỉ, bán lẻ bảo đảm an toàn vệ sinh… được tham gia chương trình. Tiếp đó, tháng 1-2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cũng triển khai Chương trình truy xuất nguồn gốc rau xanh. Thực hiện kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, Ban Quản lý đề án chuỗi thực phẩm an toàn thành phố đã cấp giấy chứng nhận sản xuất an toàn cho gần 100 trang trại trồng rau xanh khu vực ngoại thành và các tỉnh lân cận. Các cơ sở này mỗi năm cung cấp hàng trăm nghìn tấn rau canh tác theo tiêu chuẩn VietGap cùng nhiều loại thực phẩm khác cho thị trường thành phố.

An toàn, vệ sinh thực phẩm là một trong những vấn đề được xã hội rất quan tâm hiện nay. Thời gian qua, bằng nhiều giải pháp, từ tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm xã hội của cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật tiên tiến, hợp vệ sinh cho người trồng trọt, chăn nuôi; thành lập các chuỗi an toàn thực phẩm; đưa thực phẩm sạch vào hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, cửa hàng tiện ích; tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, chế biến, vận chuyển, buôn bán thực phẩm bẩn, kém chất lượng..., công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã đạt những kết quả bước đầu khả quan, đem lại niềm tin cho người tiêu dùng.

Dù vậy, việc đưa thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh đến số đông người tiêu dùng vẫn còn rất nhiều khó khăn. Các loại thực phẩm tươi sống có thể truy xuất nguồn gốc mới chỉ được bày bán trong các siêu thị, cửa hàng tiện ích. Ở nhiều chợ truyền thống, công tác kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, nhất là rau, củ quả, thịt gia cầm chưa được ban quản lý chợ và chính quyền địa phương quan tâm đúng mức. Chung quanh các khu công nghiệp, nơi có đông công nhân, người lao động lưu trú tồn tại hàng chục chợ tự phát. Không có thời gian đi xa, các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, giá rẻ bày bán ở những chợ này là nơi cung cấp thực phẩm bữa ăn hằng ngày cho công nhân, người lao động. Bên cạnh đó, các quán nhậu bình dân; hàng quán bán thức ăn đường phố là những địa chỉ tiêu thụ thực phẩm, các loại rượu pha chế thủ công, không rõ nguồn gốc... rất cần sự kiểm tra, kiểm soát thường xuyên của chính quyền, cơ quan chức năng địa phương.

An toàn, vệ sinh thực phẩm không chỉ là những lần “ra quân” cao điểm trong Tháng hành động mà phải là công tác được thực hiện liên tục. Người tiêu dùng rất mong các cơ quan chức năng của thành phố, chính quyền các địa phương thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, chế biến. Có các biện pháp đưa thực phẩm có nguồn gốc đến các chợ chung quanh khu công nghiệp phục vụ công nhân, lao động, người có thu nhập thấp. Người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức không mua, không sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn

NGUYỄN THU HÀ