Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm (ATTP), 3 ngành: nông nghiệp, công thương và y tế là các đơn vị chủ chốt quản lý ATTP từ khâu sản xuất đến bàn ăn
Tuy nhiên, do lĩnh vực này quá rộng, người bán vì lợi nhuận mà bất chấp, trong khi mức xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe và chưa có quy chuẩn kỹ thuật địa phương nào về lĩnh vực ATTP được ban hành theo các quy định của pháp luật, đã làm cho công tác quản lý nhà nước về ATTP còn gặp nhiều khó khăn.
|
Người tiêu dùng quan tâm chọn mua thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tại siêu thị. |
Số vụ vi phạm ngày càng tăng
Theo thống kê của Sở Công thương tỉnh, năm 2011, toàn tỉnh xảy ra 40 vụ vi phạm về điều kiện ATTP, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, hóa chất, phụ gia ngoài danh mục...
Qua lấy 23 mẫu hàng thực phẩm đi kiểm nghiệm thì có 17 mẫu không đạt chất lượng. Tuy đã có biện pháp chế tài là xử phạt hành chính (gần 282 triệu đồng), nhưng số vụ vi phạm vẫn ngày càng tăng, đặc biệt là những năm gần đây. Cụ thể, năm 2014- 2015- 2016 số vụ vi phạm lần lượt là 87- 100 và 137.
Qua lấy hơn 1.000 mẫu thực phẩm và kiểm tra nhanh thì có đến 174 mẫu phản ứng với các chất cấm như: hàn the, phẩm màu, dư lượng thuốc trừ sâu...
Lực lượng quản lý thị trường còn phát hiện một số vụ vận chuyển hàng nhái, hàng giả; nhiều trường hợp sản xuất giả mạo nhãn hiệu hàng hóa; mua bán thực phẩm giả, không đúng hàm lượng công bố, không có giá trị sử dụng, công dụng.
Kiểm tra tại các cửa hàng tạp hóa thì có khá nhiều sản phẩm không đảm bảo ATTP, bao gói không hợp vệ sinh, hàng giả, hết hạn sử dụng, thậm chí là nhập lậu hàng không được phép phân phối, không đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng (NTD)...
Điều đáng nói là khi cơ quan chức năng kiểm tra và xác nhận là hàng giả thì người bán bảo là: “không biết hàng giả nên mới bán”.
Thời gian qua, khi kiểm tra các quầy thịt heo tại chợ Tam Bình đã phát hiện một số thùng chứa 33kg thịt đã ôi thối. Có trường hợp, các ngành chức năng kiểm tra và phát hiện 7kg thịt heo tai xanh bốc mùi ôi thối thì chủ hàng đã bỏ trốn.
Khó quản lý vi phạm
Nhìn từ quy mô của các cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) nông- lâm- thủy sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu là hộ gia đình, làm ăn nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ và chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa nên việc quản lý ATTP nhiều khó khăn.
Trên thực tế, chính sự kém hiểu biết của một số nông dân đã gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Đó là sau khi sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu thì quăng vỏ chai xuống ao hồ kinh rạch, rồi cả việc quăng xác chết động vật bị nhiễm bệnh, rác thải xuống dòng sông đã gây ô nhiễm nguồn nước trầm trọng.
|
Qua thanh- kiểm tra gần 81.000 lượt cơ sở trong toàn tỉnh, các ngành chức năng đã phát hiện có hơn 14.300 lượt cơ sở vi phạm, chiếm 17,7%, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính hơn 4,9 tỷ đồng. |
Theo lời kể của một chủ vườn sầu riêng tại xã Thanh Bình (Vũng Liêm), vừa qua có thương lái đến hỏi mua sầu riêng non.
Sau khi hái xong, họ liền nhúng sầu riêng vào xô hóa chất, xong việc thì đổ thẳng hóa chất xuống kinh nước. Bà cảm thấy rùng mình trước sự hành xử của người bán vì lo ngại hóa chất không chỉ gây ảnh hưởng đến NTD mà còn ngấm dần qua nguồn nước sinh hoạt.
Cô Trần Mỹ A.- chủ quán cà phê tại chợ Cái Tàu Hạ (Châu Thành- Đồng Tháp)- cho biết: Cô thường mua nước ngọt loại chai sành đều là loại có tên tuổi, thương hiệu lâu năm về bán.
Tuy nhiên, chuyện mua nước ngọt về rồi đổi lại là chuyện “thường ngày ở huyện”, bởi sản phẩm thường bị hư; đặc biệt là sữa đậu nành (bị kết tủa, nổi bọt, lợn cợn) dù hạn sử dụng in trên chai còn rất mới. Khi báo cho nhà phân phối biết thì họ cho đổi và nhanh chóng xử lý bằng cách đổ bỏ nước trong chai để... hủy chứng cứ.
Cô Edith V.Flora- một giáo viên người Singapore đang sinh sống là làm việc tại TP Vĩnh Long cho biết: Cô thường mua nước uống đóng bình loại 20 lít, có lần cô thấy vật thể lạ trong bình.
Khi điện thoại đến người bán thì họ nhanh chóng đến… đổ sạch nước trong bình, sau đó thì “lặn mất tăm” chẳng có lời giải thích thỏa đáng nào. “Vì đã bị hủy chứng cứ nên tôi không thể thưa kiện gì được”- cô Edith ấm ức kể.
Ông Trương Thanh Sử- Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh- cho biết: Một trong những vấn đề khó khăn là đến thời điểm hiện tại Vĩnh Long chưa có quy chuẩn kỹ thuật địa phương nào về lĩnh vực ATTP được ban hành theo các quy định của pháp luật, nên còn gặp khó trong việc hướng dẫn hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm, một số trường hợp cơ sở tự công bố nên chưa đảm bảo tính hợp lý.
Việc kiểm tra (test) nhanh nếu có phát hiện dương tính với các chất cấm cũng chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở và vận động chủ hàng cam kết tiêu hủy hàng hóa vì đa số các trường hợp vi phạm đều là hộ kinh doanh nhỏ lẻ, nhận thức pháp luật còn hạn chế.
Theo ông Liêu Cẩm Hiền- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh: Rất khó phát hiện các hành vi vi phạm về ATTP, nhất là việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi thủy sản hay việc sử dụng thuốc, hóa chất, thức ăn chăn nuôi không đúng quy định.
Còn việc sử dụng kháng sinh phòng bệnh thì khá phổ biến. Đối với việc bơm nước vào động vật thì người vi phạm bất chấp mọi thủ đoạn, thuê người nắm bắt thông tin của lực lượng kiểm tra để kịp thời lẩn trốn, hay bơm nước ở khu vực ít người, vắng vẻ và dùng mọi hình thức để đối phó với các ngành chức năng, lực lượng kiểm tra.
“Việc quản lý thức ăn đường phố còn nhiều bất cập. Một số chỉ tiêu kim loại nặng, hóa chất... vẫn chưa thực hiện được tại phòng kiểm nghiệm”- ông Mai Thanh Hùng- Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh- cho biết.
Hiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, lấy mẫu, kiểm nghiệm thực phẩm vẫn còn nhiều hạn chế, không có kho chuyên dụng để bảo quản thực phẩm tươi sống khi có dấu hiệu vi phạm và yêu cầu tạm dừng lưu thông trong trường hợp chờ kết quả kiểm nghiệm mẫu.
Ngoài ra, BCĐ An toàn VSTP cấp huyện vẫn chưa quan tâm đúng mức, chưa dành kinh phí thỏa đáng cho công tác quản lý ATTP và việc thanh- kiểm tra, chủ yếu... chờ kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia.
Vì vậy, việc triển khai các đợt cao điểm, tháng hành động không đạt kết quả như mong đợi. Việc kiểm tra chủ yếu là trên thủ tục hành chính, chứ chưa được trang bị các que kít kiểm tra nhanh chất cấm và không thu mẫu xét nghiệm để đánh giá nên hiệu quả không cao.
BCĐ An toàn VSTP cấp xã thì chưa được đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ và khi xử lý các hành vi vi phạm về pháp luật thì chủ yếu vẫn... là nhắc nhở.
|
Giai đoạn 2011- 2016, Nhà nước đã đầu tư ngân sách khá lớn cho công tác quản lý ATTP trên địa bàn, trong đó nguồn ngân sách trung ương cấp gần 5,6 tỷ đồng, ngân sách địa phương cấp hơn 6,4 tỷ đồng. Nguồn thu (phí, lệ phí, kinh phí xử phạt vi phạm hành chính…) được trích để lại phục vụ trực tiếp cho quản lý ATTP là gần 2,5 tỷ đồng.
|