0908.326.779 - 0906.362.707
 

Cơ quan quản lý phải quyết liệt

07/04/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Cơ quan quản lý phải quyết liệt
Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, trích xuất nguồn gốc thực phẩm, đề cao đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp…

Đó là ý kiến của bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, về giải pháp để có bữa ăn sạch cho công nhân (CN).

* Phóng viên: Vừa qua, HĐND TP HCM tổ chức giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên địa bàn TP, trong đó có những cơ sở chế biến và cung cấp suất ăn công nghiệp, bà có những nhận xét gì?

 

Cơ quan quản lý phải quyết liệt

- Bà Thi Thị Tuyết Nhung: Những cơ sở mà đoàn chúng tôi đến giám sát thì đều đáp ứng được các yêu cầu về bảo đảm ATVSTP như: trích xuất được nguồn gốc thực phẩm, bảo đảm vệ sinh… Tuy nhiên, không thể nói rằng tất cả cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp hiện nay trên địa bàn TP đều đáp ứng các yêu cầu nói trên. Vẫn còn nhiều nơi sử dụng thực phẩm không bảo đảm chất lượng, chế biến không bảo đảm vệ sinh, người nấu ăn không được đào tạo để chế biến khẩu phần ăn an toàn, vệ sinh...

* Theo bà, để nâng cao chất lượng bữa ăn cho CN tại các KCX-KCN, cơ quan nào có vai trò quan trọng nhất?

- Tôi đánh giá cao vai trò của Công đoàn cơ sở, những người được CN trao quyền giám sát về chất lượng bữa ăn. Bên cạnh đó, hội nghị của người lao động (NLĐ) với doanh nghiệp (DN) là cực kỳ quan trọng vì tại hội nghị này có bàn đến chất lượng, trọng lượng khẩu phần ăn của CN, nhất là nguồn gốc thực phẩm chế biến, ATVSTP... Tại đây, NLĐ có quyền đòi hỏi ăn gì và thay đổi khẩu phần ăn phù hợp ra sao... Chưa hết, để bảo đảm nguồn dinh dưỡng cho CN, các món ăn sau khi nấu phải lưu lại mẫu để nếu xảy ra sự cố còn có cơ sở để xử lý. Những việc này đều có vai trò của Công đoàn cơ sở.

* Vậy còn trách nhiệm của DN?

- Có một số công ty, DN nhận thức được trách nhiệm của mình đối với NLĐ, do đó việc ai được vào cung cấp thức ăn đều thông qua đấu thầu và xem xét kỹ lưỡng. Tuy nhiên, không ít DN chỉ định dựa trên sự quen biết hay tỉ lệ “chiết khấu” hoặc phải qua nhiều tầng lớp trung gian… khiến cho khẩu phần ăn của CN bị “teo tóp” bởi tất cả “chi phí” đều được các cơ sở cung cấp tính vào suất ăn của CN, nó làm thu hẹp chất lượng, số lượng suất ăn. Thêm vào đó, nhiều chủ cơ sở muốn kiếm lãi nhiều đã tìm đến các nguồn hàng giá rẻ, không bảo đảm chất lượng để chế biến suất ăn cho CN.

Một ví dụ đơn giản, một suất cơm công ty đặt cho cơ sở chế biến 25.000 đồng, nếu chủ cơ sở chế biến, cung cấp thức ăn không phải “chiết khấu” gì thì bảo đảm chất lượng, CN ăn uống sẽ tốt hơn, từ đó tái tạo sức lao động. Điều này hoàn toàn có lợi cho DN. Do đó, DN cần phải giám sát chặt vấn đề này.

 

Bà Nguyễn Thị Hồng Liên, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP SXTM May Sài Gòn, quan tâm đến bữa ăn giữa ca của công nhân Ảnh: Hồng Đào
Bà Nguyễn Thị Hồng Liên, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP SXTM May Sài Gòn, quan tâm đến bữa ăn giữa ca của công nhân Ảnh: Hồng Đào

 

* Theo bà, việc xử lý hiện nay đối với các cơ sở cung cấp suất ăn không đạt ATVSTP liệu đã đủ tính răn đe?

- Hiện nay, chế tài đã có, cơ chế giám sát đã có, cơ sở pháp lý về cơ bản đã đầy đủ. Tới đây, thanh tra ATVSTP có điều chỉnh nhằm xử lý tốt hơn các trường hợp vi phạm. Vấn đề còn lại là đội ngũ thực thi pháp luật có làm nghiêm hay không, có quyết liệt với “thực phẩm bẩn” hay không? Chính vì thế, rất cần cơ chế giám sát chặt chẽ, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành liên quan cũng như việc xây dựng quy chuẩn, xét nghiệm trước khi đưa khẩu phần ăn tới phục vụ CN.

Tuy nhiên, theo tôi, quan trọng nhất là đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội của DN thông qua việc tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở chế biến thực phẩm an toàn, xây dựng một hình ảnh kinh doanh lành mạnh, đúng quy định của pháp luật. Tất nhiên, muốn được như vậy phải tăng cường khâu lấy mẫu giám sát xem thực phẩm có an toàn hay không. Đặc biệt, tăng cường thanh, kiểm tra đột xuất, không theo kế hoạch.

* Sắp tới, TP có chương trình, kế hoạch cụ thể nào để giám sát chất lượng bữa ăn cho CN không, thưa bà?

- Hiện TP đang thực hiện chương trình trích xuất nguồn gốc thực phẩm, hàng hóa, bảo đảm không dư thừa chất kháng sinh, chất bảo quản và thuốc trừ sâu… nhằm bảo đảm sức khỏe cho người dân. Theo tôi, NLĐ tạo ra của cải vật chất cho xã hội thì phải được thụ hưởng thành quả lao động. Đó là trách nhiệm của các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước. HĐND TP sẽ tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, trích xuất nguồn gốc hàng hóa. Đương nhiên, suất ăn cung cấp cho CN cũng phải được thanh, kiểm tra thường xuyên.

 

Đưa vào thỏa ước lao động tập thể

Tôi cho rằng nên đưa chất lượng, yêu cầu bữa ăn vào thỏa ước lao động tập thể. Hiện nay, nhiều thỏa ước lao động không có các thỏa thuận liên quan đến bữa ăn, chất lượng bữa ăn; nhiều thỏa ước còn quá đơn giản.

Thực tế cho thấy ở những công ty mà bữa ăn có giá từ 20.000 đồng trở lên hầu như ít ai than phiền. Nhiều nơi làm tốt, có nhiều món để lựa chọn thì còn được CN đánh giá cao. Ở đây, vấn đề rất rõ ràng: DN đầu tư tiền vào bữa cơm CN đến mức nào thì chất lượng theo đến mức đó. Nếu DN sợ tốn tiền, mua bữa cơm CN quá kém thì buộc các cơ sở nấu ăn phải bớt xén, mất ATVSTP. Đây cũng là cái cớ và tạo ra một nhu cầu thị trường cho các cơ sở nấu ăn bất chính tồn tại.

Tuy nhiên, để làm được việc này, còn cần thêm việc bồi dưỡng và nâng tầm CN để có thể đối thoại, thương lượng và đưa được nội dung này vào thỏa ước, có văn bản thỏa thuận chính thức mới làm cơ sở pháp lý để giám sát bữa ăn. Không thể coi bữa ăn CN là việc DN ban cho nên muốn cho bao nhiêu thì cho.

Lưu Thanh Hưng (cộng tác viên Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ)

THÀNH ĐỒNG