0908.326.779 - 0906.362.707
 

Từ cái tâm của người sản xuất

07/04/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Từ cái tâm của người sản xuất
Hiện nay, vấn nạn mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã xảy ra ở nhiều địa phương trong toàn quốc. Để hiểu hơn về thực trạng ATVSTP trên địa bàn, phóng viên Báo Đồng Khởi có cuộc trao đổi với bác sĩ Trần Văn Mướt - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP về vấn đề này

* Bác sĩ có thể nói về nguyên nhân chính của các trường hợp ngộ độc thực phẩm đã ghi nhận trong năm 2016?

-  Trong năm 2016, ngành đã ghi nhận các trường hợp ngộ độc do nhiễm vi sinh từ thực phẩm không được làm chín tại bữa ăn gia đình, ngộ độc do ăn nhầm so biển, nấm… Theo đánh giá của ngành, đây là những vụ ngộ độc do tác nhân vi sinh và những độc tố tự nhiên có trong các loại động vật, thực vật. Đây là những tác nhân nguy hại mà người tiêu dùng không thể lường trước.

* Làm sao để nhận biết các loại thực phẩm không an toàn, thưa bác sĩ?

- Là người tiêu dùng, để nhận biết thực phẩm an toàn hay không an toàn thì rất khó. Đa số thực phẩm phải qua xét nghiệm, kiểm tra mẫu các thứ mới có kết quả chính xác. Để hạn chế việc chọn nhầm thực phẩm, người tiêu dùng phải lựa chọn những cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín, đảm bảo chất lượng. Đồng thời, tuân thủ các khuyến cáo của ngành về chế biến thức ăn và những cảnh báo về những loại thực phẩm có độc tố cao như: cá nóc, thịt cóc, nấm độc… Điều quan trọng là người sản xuất, kinh doanh khi sử dụng các hóa chất trong bảo quản hay trong phụ gia chế biến nên chọn những loại hóa chất có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và liều lượng cho phép để tránh xa tác nhân hóa học gây hại cho người sử dụng.

* Xin bác sĩ cho biết công tác đảm bảo ATVSTP trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đặc biệt trong Tháng hành động vì ATVSTP tới đây?

- Từ đầu năm 2017, được sự chỉ đạo của ban chỉ đạo liên ngành ATVSTP ở 3 cấp tỉnh, huyện và xã, các địa phương tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra ATVSTP thường xuyên. Đến nay, chưa phát hiện trường hợp ngộ độc do thực phẩm không đảm bảo an toàn. Công tác bảo đảm ATVSTP đã có nhiều tiến bộ, được lãnh đạo các cấp quan tâm và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Công tác quản lý nhà nước về ATVSTP được chú trọng hơn. Bên cạnh đó, kiến thức, sự hiểu biết của người dân về vấn đề bảo đảm sức khỏe cũng được nâng lên. Các nhà sản xuất, kinh doanh cũng hiểu rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tuân thủ các điều kiện bảo đảm ATVSTP đối với sản phẩm làm ra.

 

 

Mỗi cá nhân, tập thể sản xuất, kinh doanh sản phẩm sạch vì sức khỏe của cộng đồng. Ảnh: P. Hân

Trong 3 tháng đầu năm 2017, ngành y tế phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành thanh tra, kiểm tra ATVSTP. Trong 569 cơ sở được thanh tra, kiểm tra, có 421 cơ sở đạt điều kiện ATVSTP, 148 cơ sở vi phạm; đã nhắc nhở 134 cơ sở, phạt tiền 14 cơ sở với số tiền 195 triệu đồng. Các cơ sở vi phạm về thủ tục hành chính và một số nội dung vệ sinh, khám sức khỏe người lao động. Đặc biệt, trong Tháng hành động vì ATVSTP 2017, ngành sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và liên ngành nhằm kịp thời nhắc nhở, phát hiện những cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo về ATVSTP.

Hiện tại, Chi cục đã tham mưu cho Ban chỉ đạo liên ngành xây dựng kế hoạch triển khai Tháng hành động vì ATVSTP và tiến hành các hoạt động chính như thông tin truyền thông và thanh tra, kiểm tra ATVSTP, tổ chức triển khai đồng loạt trên diện rộng từ tỉnh đến huyện và các xã, phường trên địa bàn tỉnh.

* Có những thách thức nào đối với công tác đảm bảo ATVSTP tại các địa phương, thưa bác sĩ?

- Thời gian qua, công tác đảm bảo ATVSTP trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền và hệ thống chính trị, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong quản lý, đảm bảo ATVSTP. Một số mô hình tiên tiến về đảm bảo ATVSTP đang được xây dựng và nhân rộng. Hoạt động thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh có trọng tâm, trọng điểm đã phát huy được hiệu quả.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về ATVSTP vẫn diễn biến phức tạp gây lo lắng, bức xúc trong xã hội, công tác quản lý ATVSTP từ khâu sản xuất đến chế biến vẫn còn bất cập, nhất là ở tuyến huyện. Cán bộ quản lý chưa được đào tạo đúng mức về kỹ thuật, nghiệp vụ, vẫn còn tình trạng lấy lợi nhuận cá nhân làm trên hết, bỏ qua những quy định về ATVSTP.

Thiết nghĩ, để thực phẩm được đảm bảo an toàn, ngoài sự vào cuộc của ngành chức năng thì mỗi cá nhân, tập thể sản xuất, kinh doanh phải thật sự quan tâm và làm việc với cái tâm vì sức khỏe của cộng đồng.

* Để triển khai tốt Tháng hành động vì ATVSTP năm 2017 tại địa phương, ngành có những giải pháp nào?

- Tháng hành động vì ATVSTP năm nay mang chủ đề “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”. Theo đó, ngành sẽ đẩy mạnh, tập trung vào hai lĩnh vực này. Đồng thời chú trọng công tác truyền thông với nhiều hình thức như: mít-tinh, treo băng-rôn, khẩu hiệu, viết bài tuyên truyền, tổ chức phát các thông điệp tuyên truyền trên sóng truyền hình, trên hệ thống loa truyền thanh trong toàn tỉnh.

Ngoài ra, ngành sẽ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra 3 cấp tỉnh, huyện, xã và tiến hành thanh tra, kiểm tra suốt thời gian diễn ra tháng hành động đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm và công khai trường hợp vi phạm để cảnh báo cộng đồng. Từ đó, góp phần hạn chế, dần ngăn chặn thực phẩm không an toàn xuất hiện trên thị trường gây hại sức khỏe người tiêu dùng.

Phan Hân