Do nhu cầu thị trường về rau xanh, trái cây, thịt, cá, hải sản... sạch, ngày càng có nhiều kênh bán hàng qua mạng (online) ra đời. Tuy nhiên, rất khó kiểm soát thực phẩm gọi là sạch khi mua online, nghĩa là vẫn có rủi ro hay nguy cơ kém an toàn về vệ sinh thực phẩm, theo báo Hải Quan
Mỗi tuần 1- 2 lần, cô Trần Lan Anh (quận Bình Thạnh, Sài Gòn) đều mua các loại
thịt lợn, thịt gà, tôm, mực và rau, củ, quả… từ các
cửa hàng thực phẩm sạch online rồi để tủ lạnh. "Trước tình trạng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh tràn lan trên thị trường, tôi đã tìm mua các mặt hàng sạch, như: thịt từ heo nuôi bằng bã rượu hay gà nuôi bằng ngô, thóc và thả vườn, cá biển được ngư dân đánh bắt và vận chuyển trong ngày bằng máy bay từ Côn Đảo, Phú Quốc... Mặc dù giá cao hơn từ 15% đến 50% so với giá ngoài chợ nhưng sau một vài lần ăn thử thấy thơm ngon hơn nên tôi chọn hẳn thực phẩm sạch”, chị Lan Anh chia sẻ.
Người tiêu dùng yên tâm hơn khi mua thực phẩm sạch, có địa chỉ nguồn sản xuất minh bạch ở các Phiên chợ xanh hay Hội chợ
nông sản.
Báo Hải Quan nêu thêm gia đình chị Nguyễn Mai Hoa, nhân viên kế toán ngụ ở quận 3 Sài Gòn, cũng tán thành việc dùng "thực phẩm sạch". Hơn nữa, do không có nhiều thời gian đi chợ nên chị Hoa thường đặt hàng trên mạng và được giao hàng tận nhà.
Nắm bắt được nhu cầu "thực phẩm sạch" của thị dân như trên, trên mạng đã nở rộ các kênh bán thực phẩm sạch hay có nguồn gốc tự nhiên. Do việc mở cửa hàng trực tuyến thường không tốn tiền thuê mặt bằng, vốn lưu động ít, không giới hạn thời gian mà chỉ tốn chi phí vận hành trang web và giao hàng, nên ngoài các đơn vị kinh doanh chuyên nghiệp, nhiều "tay ngang" như dân văn phòng hay các bạn trẻ muốn khởi nghiệp cũng nhảy vào nghề này.
Báo Hải Quan nêu trường hợp bạn Lê Thị Hồng Phương, cô gái trẻ ngụ ở phường 8 Đà Lạt, đã đến với
kinh doanh rau sạch trực tuyến rất sớm. Ban đầu, do người thân sinh sống ở Sài Gòn thích ăn rau của nhà trồng nên hàng tuần cô gửi bằng ô tô xuống. Sau đó bạn bè, đồng nghiệp biết được đã nhờ đặt mua. “Nhà tôi chỉ trồng khoảng 1000m2 rau theo phương pháp hữu cơ, không phun thuốc hóa học nên cứ đến đợt thu hoạch là mọi người đã chờ sẵn để mua. Rau trồng hữu cơ chăm sóc vất vả, năng suất không cao nên giá bán cũng cao gấp rưỡi, gấp đôi so với bình thường”, Hồng Phương chia sẻ.
Người tiêu dùng yên tâm hơn khi mua thực phẩm sạch, có địa chỉ nguồn sản xuất minh bạch ở các Phiên chợ xanh hay Hội chợ nông sản.
Kế đó là cô Nguyễn Thị Loan, nhân viên một công ty viễn thông tại quận 5 Sài Gòn, hơn một năm nay cũng đã bắt đầu kiếm thêm thu nhập bằng việc bán "hải sản online". Vốn sẵn trong gia đình có cô em chuyên bỏ mối hải sản (từ Côn Đảo) cho các
nhà hàng nên chị Loan chỉ việc nhận đơn đặt hàng của bạn bè, đồng nghiệp rồi điện thoại ra cho cô em chuyển hàng bằng máy bay từ Côn Đảo vào Sài Gòn. Giá cả có cao hơn ngoài chợ một chút nhưng hàng luôn tươi, ngon, sạch nên hiện mỗi ngày chị Loan bán được khoảng vài chục kg cho bạn bè, đồng nghiệp. Vào dịp lễ, Tết thì đơn hàng có thể tăng gấp đôi.
Báo Hải Quan dẫn lời ông Huỳnh Tấn Phát, phó chi cục trưởng Chi cục Thú y thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP, cho biết hiện rất khó quản lý hết được các kênh bán hàng nhỏ, lẻ online hay qua điện thoại như trên. Các sản phẩm tuy gắn mác sạch nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ kém vệ sinh,
an toàn thực phẩm. Ông Phát cũng lưu ý người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm sạch ở những địa chỉ tin cậy, sản phẩm có xuất xứ, truy xuất nguồn gốc rõ ràng nhằm tránh rơi vào tình cảnh “tiền mất tật mang” mà không biết kêu ai.
Theo ghi nhận của báo Hải Quan, qua kiểm tra thực tế một số địa chỉ
kinh doanh thực phẩm sạch nhỏ lẻ tại Sài Gòn (một số có bán hàng online), cơ quan chức năng phát hiện nhiều trường hợp không có chứng từ, hoá đơn chứng minh nguồn gốc cùng chất lượng hàng hoá nên coi như không có gì đảm bảo tiêu chuần sạch, an toàn của thực phẩm họ bán ra