0908.326.779 - 0906.362.707
 

Nhân rộng mô hình “Chuỗi thực phẩm an toàn”

17/04/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Nhân rộng mô hình “Chuỗi thực phẩm an toàn”
Sau 5 tháng thí điểm tại chợ Long Điền, mô hình “Chuỗi thực phẩm an toàn” đã cho những kết quả khả quan, góp phần đưa sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng, đồng thời tiểu thương tham gia mô hình cũng được hưởng lợi. Từ thực tế này, huyện Long Điền đang xem xét nhân rộng mô hình “Chuỗi thực phẩm an toàn” tại các chợ trên địa bàn huyện

NGƯỜI BÁN, NGƯỜI MUA ĐỀU CÓ LỢI

Sáng sớm, chợ Long Điền tấp nập khách. Tiếng cười nói, mời chào rôm rả. Theo quan sát của chúng tôi, tại những sạp bán rau, thịt trưng bảng hiệu “Chuỗi thực phẩm an toàn” luôn tấp nập khách vào ra. Trên mỗi sạp này đều treo tấm bảng hiệu hình chữ nhật, sơn màu xanh lá cây bắt mắt, ghi rõ “Sạp bán thịt gà”, “Sạp bán rau, củ”… thuộc “Chuỗi thực phẩm an toàn” tỉnh BR-VT, cùng tên, số điện thoại người bán.

Chọn bó rau cải xanh, cùng ít nấm mèo khô tại sạp 41 – chuyên bán rau, củ, chị Lê Thị Tuyết (ngụ tại xã An Ngãi) cho hay, cứ cách ngày, chị lại chạy xe từ nhà lên chợ Long Điền mua rau, thịt tại các quầy thực phẩm an toàn. “Trước đây, khi đi chợ, tôi luôn băn khoăn về vấn đề an toàn thực phẩm. Từ khi hay tin tại chợ Long Điền có “Chuỗi thực phẩm an toàn”, tôi không còn đi chợ gần nhà nữa, mà đến chợ Long Điền mua thực phẩm. Giá thịt gà, heo, bò ở chợ Long Điền cũng tương đương các chợ khác, còn giá rau, củ cao hơn chút đỉnh nhưng tôi chấp nhận, vì cảm thấy yên tâm”, chị Tuyết chia sẻ.

Chị Trần Thị Quan Phượng, chủ sạp 41 cho hay, chị kinh doanh rau ở chợ Long Điền được gần chục năm. 5 tháng trước, chị đăng ký tham gia “Chuỗi thực phẩm an toàn”, được tập huấn, gắn bảng hiệu và tiếp cận những chuỗi cung ứng rau sạch từ huyện Đất Đỏ. Từ đó, uy tín của sạp chị càng được nâng cao, được nhiều khách hàng tới mua. Ngoài bán lẻ ở chợ, chị Phượng còn là đầu mối cung cấp rau sạch cho bếp ăn của một số trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thị trấn Long Điền. Chị Phượng nói: “Rau an toàn giá cao hơn rau trồng đại trà, nhưng người tiêu dùng rất chuộng. Từ ngày bán rau sạch, doanh thu của sạp tăng khoảng 10% so với trước đây”.

Cũng giống chị Phượng, chị Thanh Thủy (chủ sạp số 10) cho biết, chị bán thịt bò từ 10 năm nay. Từ khi tham gia “Chuỗi thực phẩm an toàn”, việc kinh doanh của chị tốt hơn. “Giá thịt bò sạch tại sạp của tôi không cao hơn các sạp khác nên rất đắt khách. Tôi thường hết hàng sớm do được người tiêu dùng tin tưởng”, chị Thủy chia sẻ.

SẼ NHÂN RỘNG MÔ HÌNH

Theo bà Trần Thị Ngọc Anh, Phó Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Long Điền, thời gian qua, tình trạng thực phẩm chứa chất cấm đã gây tâm lý lo ngại cho người dân và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, việc xây dựng “Chuỗi thực phẩm an toàn” sẽ góp phần bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, giải tỏa tâm lý e dè của các bà nội trợ, vì các sản phẩm trong chuỗi đều dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Trên địa bàn tỉnh hiện có 17 mô hình “Chuỗi thực phẩm an toàn” về rau, thịt, hải sản. Đây là mô hình do Sở Công thương tổ chức. Sản phẩm trong chuỗi được quản lý, giám sát chặt chẽ từ khâu sản xuất – thu mua – vận chuyển – sơ chếchế biến đến cơ sở kinh doanh. Chị Quan Phượng (chủ sạp 41) cho hay, chị lấy hàng ở nhà sơ chế Nguyễn Văn Nhân (khu phố Thanh Bình, thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ. Mỗi sáng sớm, rau được vận chuyển đến tận sạp của chị, mỗi bó rau đều có bao bì ghi rõ “Rau an toàn- sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap cùng địa chỉ, số điện thoại” của nhà sơ chế này nên tạo được độ tin cậy rất cao cho người tiêu dùng.

Theo bà Trần Thị Ngọc Anh, những tiểu thương tham gia mô hình “Chuỗi thực phẩm an toàn” sẽ lấy hàng ở 60 cơ sở thuộc 17 mô hình đã được Sở Công thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất- kinh doanh thực phẩm. Rau, củ được nhập từ các HTX rau an toàn, thực phẩm thì từ khâu chăn nuôi- giết mổ- kinh doanh được khép thành một chuỗi, có giấy chứng nhận.

Ở Long Điền, mô hình được thí điểm tại chợ Long Điền từ tháng 10-2016, bước đầu có 6 tiểu thương kinh doanh thực phẩm (rau củ, thịt heo, thịt gà, thịt bò) đăng ký tham gia. Các tiểu thương tham gia mô hình được hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng để làm bảng hiệu, sửa sang, trang trí sạp, tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, được ưu tiên thuê mặt bằng mở rộng địa điểm kinh doanh và bán sản phẩm thuộc chuỗi. Qua khảo sát, sau 5 tháng, sức tiêu thụ hàng hóa tại các sạp kinh doanh thực phẩm an toàn tăng từ 5-10% so với trước khi tham gia mô hình.

Bà Lê Thị Ngọc, Phó Ban Quản lý các chợ huyện Long Điền, Tổ trưởng Tổ quản lý chợ Long Điền cho biết, chợ Long Điền hiện có 442 tiểu thương, trong đó khoảng 70% tiểu thương bán thực phẩm, rau, củ. “Thời gian đầu, chỉ có 6 tiểu thương đăng ký tham gia “Chuỗi thực phẩm an toàn”. Sau vài tháng thử nghiệm, thấy 6 hộ tiểu thương này kinh doanh tốt, nhanh hết hàng, lượng khách đông nên đến nay đã có thêm 30 tiểu thương khác đã đăng ký tham gia “Chuỗi thực phẩm an toàn”. Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện đang xem xét, đánh giá mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, từ đó đề xuất UBND huyện nhân rộng mô hình “Chuỗi thực phẩm an toàn” tại các chợ: Long Hải, Phước Tỉnh nhằm cung cấp nhiều hơn nữa TPAT cho người tiêu dùng”, bà Ngọc Anh cho biết thêm.

MINH QUANG