An toàn, vệ sinh thực phẩm vẫn đang là vấn đề được người dân TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung quan tâm hằng ngày. Cùng với phát triển mạng lưới cung cấp thực phẩm sạch, việc tuyên truyền, vận động, tạo cho người tiêu dùng thói quen mua, sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc là yếu tố quan trọng góp phần hạn chế tình trạng kinh doanh thực phẩm bẩn trong xã hội.
Nhằm đưa thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh đến tay người tiêu dùng, tháng 12-2016, thành phố đã triển khai Chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo. Tiếp đó, tháng 1-2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố bắt đầu triển khai thêm Chương trình truy xuất nguồn gốc rau xanh. Phát huy hiệu quả các chương trình nêu trên, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh - Saigon Co.op đã bày bán thực phẩm hữu cơ tại một số siêu thị trong hệ thống Co.opmart. Hiện nay, hơn 10 cơ sở giết mổ, gần 20 doanh nghiệp, hàng trăm cơ sở chăn nuôi gia súc hội đủ các điều kiện kỹ thuật là không sử dụng chất cấm, thuốc kháng sinh trong quá trình chăn nuôi tham gia chương trình; gần 60 siêu thị, hơn 200 cửa hàng bán lẻ cùng với đội ngũ tiểu thương tại nhiều chợ truyền thống đã bày bán thịt heo an toàn trên thị trường. Ban quản lý đề án chuỗi thực phẩm an toàn thành phố cũng đã khảo sát, cấp giấy chứng nhận sản xuất an toàn cho gần 100 trang trại trồng rau xanh, mỗi năm cung cấp hàng trăm nghìn tấn rau, củ, quả sản xuất theo quy trình VietGAP cho thị trường thành phố. Tại các huyện ngoại thành, nhiều hộ nông dân đã chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng rau an toàn, tạo thêm nguồn thực phẩm sạch, hợp vệ sinh cung cấp cho thị trường... Cùng với tạo nguồn cung, UBND thành phố đã có quyết định thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm của thành phố. Ðây là cơ quan chuyên trách tổ chức thực thi pháp luật về an toàn, vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Thực tế cũng cho thấy, với địa bàn rộng lớn, số dân đông, nguồn thực phẩm an toàn vẫn chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu của thị trường thành phố, nhất là các mặt hàng rau xanh. Bên cạnh đó, không ít người nội trợ vẫn chưa có ý thức chọn mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chấp nhận rủi ro, miễn là được giá rẻ, thuận tiện…
Cùng với mở rộng vùng trồng rau an toàn, nâng cao sản lượng cung cấp; tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, vận chuyển, lưu thông, kinh doanh đối với thực phẩm tươi sống; thực phẩm chế biến, phụ gia chế biến thực phẩm..., đề nghị các cơ quan chức năng của thành phố phối hợp chính quyền địa phương vận động các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, tiểu thương tại các chợ truyền thống kinh doanh thực phẩm an toàn. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm. Vận động, tạo cho người tiêu dùng thói quen mua, sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được sản xuất, chế biến theo đúng quy trình, quy định. Một khi người tiêu dùng đồng lòng tẩy chay thực phẩm không rõ nguồn gốc thì những người sản xuất, kinh doanh sẽ buộc phải chuyển đổi theo hướng tích cực, có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng.
Ðể xảy ra tình trạng thực phẩm không an toàn, không bảo đảm vệ sinh lưu thông trên thị trường, trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước, trước hết đó là trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở. Phường, xã, thị trấn là địa bàn sản xuất, chế biến, đồng thời cũng là nơi kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm. Nếu như chính quyền cấp cơ sở nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, giết mổ, sơ chế đến kinh doanh, tiêu thụ thì công tác bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ có sự chuyển biến tích cực…