0908.326.779 - 0906.362.707
 

Tạo đột phá trong thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm

09/05/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Tạo đột phá trong thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm
Sau một năm thực hiện Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg (Quyết định 38) của Thủ tướng Chính phủ, việc thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (TTCN ATTP) tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn của TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã thu được kết quả bước đầu. Việc trao quyền thanh tra nói trên cho cơ sở không chỉ nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về ATTP, mà còn nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của đơn vị sản xuất, hộ kinh doanh; nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân.

Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước

Đống Đa là một trong những quận đông dân của TP Hà Nội. Tại 21 phường có tổng số 4.928 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, trong đó thành phố quản lý 232 cơ sở, quận quản lý 786 cơ sở và phường quản lý 3.910 cơ sở.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Ngân, Phó Trưởng phòng Y tế quận Đống Đa cho biết: Năm 2015, quận Đống Đa và hai phường Láng Hạ, Trung Liệt là một trong năm quận, huyện và mười phường, xã của Hà Nội được chọn triển khai thí điểm TTCN ATTP theo Quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ; thời gian từ tháng 11-2015 đến tháng 11-2016.

Chia sẻ về những khó khăn, thuận lợi khi thí điểm triển khai TTCN ATTP trên địa bàn, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Ngân cho biết: Việc triển khai TTCN ATTP lần đầu được áp dụng cho nên gặp rất nhiều bỡ ngỡ, nhất là các bước chuẩn bị các giấy tờ liên quan cho mỗi cuộc, đợt thanh tra. Mặt khác trên địa bàn có nhiều đơn vị, cơ sở, hộ kinh doanh thực phẩm nằm sâu trong ngõ, ngách, không có địa điểm cố định, cho nên việc phát hiện, điều tra, rà soát và tổ chức thanh tra cũng gặp rất nhiều khó khăn. Cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra còn thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn, nhất là tuyến xã, phường do đội ngũ này vẫn chủ yếu là kiêm nhiệm...

Tuy nhiên, nhờ sự động viên, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của UBND thành phố Hà Nội, UBND quận, các sở, đoàn giám sát của TP Hà Nội, của Bộ Y tế, cho nên mọi vướng mắc, khó khăn đã từng bước được tháo gỡ kịp thời. Phòng Y tế quận đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của thành phố tổ chức các khóa đào tạo nghiệp vụ thanh tra; tập huấn kỹ năng chuyên môn, chuyên ngành ATTP. Thông qua các khóa đào tạo, tất cả thành viên tham gia đoàn thanh tra đều được cấp chứng chỉ TTCN ATTP; được cấp trang phục riêng và UBND các cấp đã ra quyết định thành lập 12 đoàn TTCN ATTP, với sự tham gia đầy đủ của các đơn vị chức năng theo quy định.

Sau một năm thực hiện kết quả cho thấy: Các đoàn TTCN ATTP đã tiến hành thanh tra được 195 cơ sở, phát hiện 107 cơ sở vi phạm về ATTP, trong đó số cơ sở vi phạm bị xử lý là 66, với tổng số tiền gần 190 triệu đồng. Ngoài việc xử phạt các đơn vị, hộ kinh doanh thực phẩm vi phạm, thông qua việc triển khai thí điểm TTCN ATTP, các đoàn thanh tra đã kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các kiến thức, quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP. Kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quận và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm. Tại các quận và các địa phương triển khai đã có những chuyển biến rõ nét, đó là nhận thức, kiến thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và người dân trên địa bàn quận được nâng lên một cách rõ nét. Việc hình thành và hoạt động của lực lượng TTCN ATTP ở tuyến quận, huyện, xã, phường đã góp phần tăng hiệu lực quản lý nhà nước về ATTP, huy động nguồn lực cho công tác quản lý ATTP, nhất là nhận được sự nhiệt tình, ủng hộ của người dân trên địa bàn…

Chị Nguyễn Thị Vịnh ( kinh doanh rau, củ, quả tại chợ Láng Hạ A, quận Đống Đa) cho biết: "Cũng như nhiều hộ kinh doanh trong chợ, trước đây gia đình tôi vẫn chủ yếu nhập rau, củ, quả từ các bạn hàng quen biết đến từ các huyện ngoại thành như Thanh Trì, Ứng Hòa. Do là bạn hàng lâu năm, cho nên khi nhập hàng về bán, chúng tôi chỉ cần quan tâm các sản phẩm tươi, ngon, bắt mắt, chứ không đòi hỏi giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Tuy nhiên, khi được chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, ban quản lý chợ vận động, tuyên truyền, nhất là sau khi quận, phường thí điểm triển khai TTCN ATTP, việc kinh doanh của không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ kinh doanh khác trong chợ đã có những chuyển biến khá rõ rệt. Cụ thể, chúng tôi yêu cầu người cung cấp rau, củ, quả cho biết rõ nguồn gốc xuất xứ; thường xuyên tổ chức vệ sinh khu vực bán hàng, khu vực chung quanh nơi bán hàng; chấp hành việc cung cấp mẫu thực phẩm kịp thời cho các cơ quan chức năng khi có yêu cầu... Đáng mừng, hiện nay người tiêu dùng đến mua hàng đông hơn, tin tưởng hơn khi mua các loại thực phẩm trong chợ".

Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thí điểm TTCN ATTP tại năm quận, huyện và 10 xã, phường, thị trấn gồm: quận 3, quận 5, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn và mỗi quận, huyện đều chọn ra hai xã, phường, thị trấn triển khai thí điểm. Sau một năm thực hiện, các địa phương đã thành lập được 15 đoàn TTCN ATTP các cấp, các đoàn đã tiến hành thanh tra được 1.377 cơ sở, trong đó phát hiện và xử phạt 638 cơ sở, với tổng số tiền phạt hơn 2,2 tỷ đồng. Đánh giá về hiệu quả của công tác TTCN ATTP, Phó Chi cục trưởng Vệ sinh ATTP TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Huỳnh Mai khẳng định: Việc Chính phủ cho phép quận, huyện, phường, xã thực hiện thí điểm TTCN ATTP là một sự đột phá, bởi vốn dĩ công tác này không được quy định trong pháp luật trước đây. Tức là, việc thanh tra chuyên ngành trước đây chỉ được thực hiện ở cấp tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thấy chính quyền cấp xã, phường có thẩm quyền mạnh trong quản lý ATTP, sẽ thực hiện nghiêm túc hơn các quy định của Nhà nước về ATTP. Người dân nhận thấy sự quan tâm của chính quyền đối với vấn đề mình đang lo lắng về ATTP, do vậy tích cực phản ánh kịp thời các cơ sở có dấu hiệu vi phạm đến các cơ quan chức năng... Với những ưu điểm mà TTCN ATTP mang lại, TP Hồ Chí Minh sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thí điểm tại các địa phương đã triển khai và nhân rộng ở các địa phương còn lại trên toàn thành phố.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn và nhân rộng mô hình thanh tra ở cơ sở

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết: Sau một năm thực hiện Quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã tiến hành triển khai thí điểm TTCN ATTP tại 10 quận, huyện và 20 xã, phường trên địa bàn. Kết quả cho thấy, các địa phương đã thành lập được 94 đoàn thanh tra, kiểm tra và đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 7.504 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, trong đó có 2.158 cơ sở được thanh tra (so với cùng kỳ năm 2015 không có thanh tra). Các đoàn thanh tra, kiểm tra đã xử lý vi phạm 2.949 cơ sở, trong đó phạt tiền 1.294 cơ sở, với tổng số tiền hơn 5,2 tỷ đồng. Đáng chú ý, số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm sản và thủy sản nâng hạng xếp loại (từ xếp loại C lên A, B) tăng lên rõ rệt. Trước khi thí điểm TTCN ATTP tại Hà Nội, có 37 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm sản và thủy sản xếp loại C, sau thí điểm đã có 34 cơ sở được nâng lên xếp loại A, B; tại TP Hồ Chí Minh, không còn cơ sở xếp loại C sau thí điểm...

Tuy nhiên, theo chân các đoàn TTCN ATTP chúng tôi nhận thấy, trong quá trình thực hiện còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc như: nhân sự đoàn TTCN ATTP tuyến quận, huyện, phường, xã, thị trấn còn hạn chế, kiêm nhiệm nhiều công tác khác tại cơ quan, cho nên thời gian dành cho công tác thanh tra không nhiều, khó tập trung đủ thành viên khi thanh tra thực tế tại cơ sở, nhất là lực lượng công chức, viên chức cơ cấu vào đoàn thanh tra. Vì theo quy định, khi phân công công chức, viên chức không thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp quận, phường thực hiện nhiệm vụ TTCN ATTP, phải có sự thống nhất của thủ trưởng đơn vị quản lý công chức, viên chức khi ra quyết định... Bên cạnh đó, về trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP theo quy định tại Điều 61 Luật ATTP đã quy định rõ: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ATTP; Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về ATTP; các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp Bộ Y tế thực hiện quản lý nhà nước về ATTP; UBND các cấp thực hiện quản lý Nhà nước về ATTP trong phạm vi địa phương. Tuy nhiên, khi thực hiện sở y tế không chỉ đạo được các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương. Ở cấp quận, huyện, phòng y tế không chỉ đạo được phòng kinh tế, phòng nông nghiệp, đội quản lý thị trường. Do vậy, ở địa phương nào lãnh đạo UBND trực tiếp phụ trách lực lượng thanh tra, thì kết quả thực hiện rõ nét hơn so với địa phương giao cho y tế phụ trách... Ngoài ra, do số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, phường chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, còn tồn tại nhiều chợ tạm, chợ cóc dẫn đến việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc các loại thực phẩm tại khu vực này còn gặp nhiều khó khăn…

Để khắc phục những khó khăn, cũng như tiếp tục nhân rộng mô hình TTCN ATTP, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh kiến nghị: Trong thời gian tới các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn và cấp chứng chỉ nghiệp vụ chuyên ngành, chứng nhận tập huấn chuyên môn, kỹ thuật kiểm soát ATTP cho các đối tượng mới được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Cho phép giữ lại 100% số tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP, để đầu tư lại cho công tác thanh tra, kiểm tra ATTP; kéo dài thêm thời hạn thanh tra tại tuyến xã, phường, thị trấn so với quy định hiện nay, nhằm bảo đảm chất lượng của các cuộc thanh tra. Đồng thời, kiến nghị mức bồi dưỡng cho công chức, viên chức là thành viên đoàn TTCN ATTP phải bằng nhau là 80 nghìn đồng/ngày, thay vì theo quy định hiện hành: công chức 80 nghìn đồng/ngày, còn viên chức chỉ hưởng 50 nghìn đồng/ngày...

Từ thực tiễn triển khai Quyết định 38, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết: Bộ Y tế sẽ đề nghị Quốc hội đưa vào Nghị quyết của Quốc hội cho phép thí điểm triển khai TTCN ATTP tại tất cả các quận, huyện, xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và sáu tỉnh, thành phố, gồm: Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Gia Lai. Bộ Y tế cũng đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc đánh giá Luật ATTP, xem xét, điều chỉnh, bổ sung trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành, UBND các cấp về ATTP. Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Y tế trong công tác đào tạo, cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, tập huấn, chỉ đạo hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện; Bộ Tài chính cần có hướng dẫn cụ thể trong việc thu chi tài chính từ nguồn thu xử phạt để phục vụ công tác TTCN ATTP tại địa phương... Có như vậy, công tác TTCN ATTP ở các địa phương mới phát huy tác dụng

TRUNG TUYẾN - VÂN VÂN