0908.326.779 - 0906.362.707
 

Giữa ma trận thực phẩm bẩn…

12/12/2016    4.67/5 trong 6 lượt 
Giữa ma trận thực phẩm bẩn…
Tại TP Hồ Chí Minh hàng loạt quyết định xử phạt đã được đưa ra đối với các sai phạm của doanh nghiệp sử dụng lao động liên quan đến bữa ăn cho công nhân. Tuy vậy, “ước mong được ăn bữa đủ chất, an toàn” của người công nhân xem ra thật xa vời khi ma trận thực phẩm không bảo đảm vẫn giăng kín quanh các nhà máy, các khu chợ…

Nhức nhối vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm

Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều vụ ngộ độc thức ăn đã diễn ra ở TP Hồ Chí Minh cho thấy mức độ nghiêm trọng về thực trạng bữa ăn ca của công nhân không bảo đảm dinh dưỡng và độ an toàn. Hồi cuối tháng 10, hơn 100 công nhân Công ty Worldon ở huyện Củ Chi đã phải nhập viện vì nôn ói, đau bụng dữ dội. Ngay khi có mặt, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã đình chỉ bếp ăn công ty này để điều tra và yêu cầu phải có biện pháp đáp ứng bữa ăn tạm thời khác cho công nhân hoặc tìm một nguồn cung ứng bảo đảm an toàn khác. Trước đó hơn năm tháng, 96 công nhân của công ty này cũng từng nhập viện do ngộ độc. Được biết, đây là doanh nghiệp (DN) 100% vốn nước ngoài và trong một năm đã để xảy ra hai vụ ngộ độc thực phẩm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, có đến hơn 80% số các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các khu công nghiệp (KCN), trường học là do các suất ăn nấu sẵn đưa từ ngoài vào. Ông Đàm Trung Hiếu, Phó Phòng Quản lý Lao động (Ban Quản lý các KCN TP Hồ Chí Minh) cho biết, có tổng số 285 nghìn công nhân tại các KCN. Trong đó, doanh nghiệp tổ chức bếp ăn tập thể là 152 và có 61 doanh nghiệp mời thầu nấu ăn tại doanh nghiệp. Riêng con số nhận suất ăn sẵn từ bên ngoài đưa vào là 407 doanh nghiệp và vẫn còn 449 doanh nghiệp phát tiền cho công nhân ăn tự túc. Những con số này cho thấy, việc quan tâm đến chất lượng bữa ăn cho công nhân hết sức khó khăn, cũng như chưa được đầu tư đúng mức từ cả góc độ doanh nghiệp và cơ quan quản lý và ngay cả từ ý thức của người lao động.

Đi thực tế, quan sát nguồn cung về thực phẩm, tình hình còn đáng lo ngại hơn nữa. Quanh khu vực chợ cóc trên Tỉnh lộ 10 (phường Tân Tạo) hay tại Hương Lộ 2 (phường Bình Trị Đông), tại Nguyễn Thị Tú (phường Bình Hưng Hòa) của quận Bình Tân, nơi có nhiều nhà máy và KCN, không hiếm hình ảnh người của các cơ sở chế biến thức ăn dùng xe ba gác đi thu gom rau củ quả, thịt, đậu, trứng vào cuối phiên chợ. Những loại loại rau củ héo úa, những vỉ trứng vỡ, rồi thịt đã đổi mầu… đều được thu gom. Và điểm cuối của cung đường chính là “chạy” vào suất ăn của công nhân.

Có chủ cơ sở chế biến chia sẻ thật, nếu hạch toán đủ hết các loại chi phí, bao gồm cả chi hoa hồng “lót tay”… thì suất ăn thực tế khi đến được với công nhân chỉ còn chưa đầy 10 nghìn đồng/người.

Bao giờ có “một bữa no, không phải lo…”?

Trong vòng một tháng qua, Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh đã có động thái mạnh mẽ khi kiến nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt nhiều công ty vi phạm. Điển hình như Công ty CP TM Yến Ngọc đã không bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm nên bị phạt 6 triệu đồng; Công ty thực phẩm Đông Nam Á do sử dụng nơi bảo quản thực phẩm không vệ sinh bị phạt 28 triệu đồng; Công ty TM Tôi là V không bảo đảm ATVSTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm bị phạt 6 triệu đồng; Công ty TM DV Nam Hiệp Lợi do sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng lại không bảo quản riêng biệt từng loại thực phẩm, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến dẫn đến ô nhiễm chéo nên bị phạt 66 triệu đồng…

Tuy danh sách xử phạt nối dài ra có thể khiến cho các cơ sở nói trên có ý thức hơn trong việc bảo đảm nguồn cung. Tuy nhiên, chỉ xử phạt thôi là chưa đủ. Ông Đàm Trung Hiếu, Phó Phòng Quản lý Lao động (Ban Quản lý các KCN TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần có sự phối hợp giữa Sở Y tế và Ban Quản lý trong giám sát bệnh truyền nhiễm, ngộ độc thực phẩm như: theo dõi vận hành hệ thống tự kiểm tra các bếp ăn tập thể; phối hợp kiểm tra, đánh giá công tác kiểm tra các bếp ăn tập thể. Bên cạnh đó tuyên truyền khuyến khích các cơ sở chưa có bếp ăn tại chỗ mua suất ăn của các cơ sở cung cấp suất ăn ngay trong KCN hay dùng chung suất ăn với các cơ sở có hơn 1.000 công nhân và có bếp ăn tại chỗ.

Và không thể thiếu được sự nhập cuộc của tổ chức công đoàn. Tính đến nay, tại TP Hồ Chí Minh có 5.247 công đoàn cơ sở thực hiện việc nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca theo Nghị quyết 7c/NQ-BCH của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Bà Lê Thị Thùy Trang - Chủ tịch Công đoàn Công ty APT, một trong những đơn vị chăm lo tốt cho công nhân, cho biết: “Suất ăn giữa ca có giá 15 nghìn đồng, nhưng giá trị thực cao hơn do công ty tổ chức bếp ăn tập thể tại chỗ và hỗ trợ chi phí cho nhà bếp. Hằng ngày, công đoàn đều lấy mẫu, lưu thức ăn để kiểm tra chất lượng, vệ sinh nhằm kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn. Cách làm này không mới, khá tốn kém nhưng hiệu quả”. Hay Nhà máy Thuốc lá Khánh Hội - KCN Tân Tạo (quận Bình Tân), bếp ăn công nhân được ghi sẵn thực đơn với các món canh, mặn, xào, tráng miệng để công nhân “tiện theo dõi”. Giám đốc Nhà máy Lê Anh Tuấn cho biết, Ban Giám đốc và Công đoàn thống nhất tổ chức nấu suất ăn tại nhà máy. Nguyên liệu đầu vào được mua từ các siêu thị có uy tín. Suất ăn được chế biến theo quy trình, người chế biến được tập huấn thường xuyên về tay nghề cũng như cách bảo quản thực phẩm, chế biến phù hợp vệ sinh, khẩu vị công nhân. Sau các bữa ăn nếu có góp ý, công nhân được quyền viết thư gửi công đoàn để bữa cơm ngày càng chất lượng.

Là công nhân lâu năm, anh Đặng Hữu Vinh - Nhà máy Thuốc lá Khánh Hội nêu ý kiến: “Được ăn những suất ăn như hiện tại, chúng tôi rất vui, bởi cảm giác an toàn, từ đó có sức để làm việc. Chứ cứ ăn uống mà lo ngay ngáy, thì làm sao an tâm”. Chia sẻ của anh Vinh cho thấy một thực tế, khi bữa ăn của người công nhân được bảo đảm, thì hiệu suất lao động sẽ được tăng lên. Và đó là điều mà các doanh nghiệp không thể không tính đến trong những tính toán đầu ra - đầu vào của mình!

 

Công đoàn cơ sở thật sự quan tâm đến chất lượng bữa ăn công nhân không phải là hãn hữu, song cũng chưa nhiều. Chúng ta cần nhân rộng những điểm sáng để tạo được phong trào, xây dựng nên những chương trình hành động, giúp những suất ăn không chỉ an toàn mà còn đủ chất. 
MINH ANH