Việc xây dựng cơ sở dữ liệu để người tiêu dùng có thể nhận biết được cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn là điều hết sức cần thiết.
An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề thành phố Hà Nội rất quan tâm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết tại hội nghị thông tin về Chương trình phối hợp số 90 giữa Chính phủ và Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về vận động, giám sát bảo đảm ATTP giai đoạn 2016-2020, do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa phối hợp tổ chức.
Hà Nội chủ động phòng chống vi phạm ATTP
Chương trình phối hợp số 90 được ban hành nhằm tổ chức vận động nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, từng hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, tạo chuyển biến căn bản trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Qua đó, góp phần hình thành nếp sống văn hóa: Nông dân Việt Nam là người sản xuất thực phẩm an toàn, người Việt Nam tiêu dùng thực phẩm phải an toàn.
Theo ông Nguyễn Văn Sửu, ngay sau khi Chương trình phối hợp 90 được ban hành, thành phố Hà Nội đã chủ động ban hành chương trình trình hành động, trong đó tập trung đẩy mạnh việc tuyên truyền và xử lý vi phạm về ATTP. Với khoảng 10 triệu người dân sinh sống, Hà Nội chịu áp lực khá lớn về kiểm soát ATTP khi nguồn cung chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu rau củ, thực phẩm, còn lại phải nhập từ các tỉnh về. Vì nhiều lý do, việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm không đơn giản, nhất là khi người dân vẫn giữ thói quen mua bán tại các chợ truyền thống và không có thói quen truy xuất nguồn gốc.
Thời gian qua, TP Hà Nội đã tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát về ATTP với 9,5 vạn lượt thanh tra kiểm tra, xử phạt với số tiền gần 25 tỷ đồng, chuyển Cơ quan điều tra xử lý hình sự 3 vụ việc. Mới đây, TP Hà Nội đã đưa vào sử dụng 3 xe kiểm nghiệm thực phẩm lưu động, kịp thời kiểm nghiệm và xử lý ngay vi phạm trong buổi kiểm tra. Đồng thời, TP Hà Nội cũng chỉ đạo kiên quyết, yêu cầu lãnh đạo quận huyện, xã phường thường xuyên kiểm tra các cơ sở, để đảm bảo thực phẩm cung cấp đến người dân được an toàn.
Với nhiệm vụ phối hợp thực hiện Chương trình phối hợp 90, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, trong năm 2016, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, đặc biệt là lực lượng Hải quan xây dựng kế hoạch đấu tranh chuyên đề liên quan đến ATTP, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm soát chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Qua đó, đã phát hiện, chuyển Cơ quan điều tra xử lý hình sự 4 vụ việc liên quan nhập lậu thực phẩm (phần lớn là thực phẩm chức năng không có giấy phép theo quy định, không công bố tiêu chuẩn sản phẩm) và xử lý hành chính 15 vụ việc liên quan đến ATTP với giá trị hàng hóa vi phạm 10 tỷ đồng.
Thực hiện Chương trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) đã phối hợp với Bộ Y tế thực hiện năm cao điểm hành động về ATTP với 3 trọng tâm: Tăng cường thông tin truyền thông, thanh tra kiểm tra vi phạm với chất cấm, vật tư đầu vào nông nghiệp và xây dựng chuỗi sản xuất chứng nhận, cung ứng sản phẩm an toàn. Trong đó, Bộ NN-PTNT đã tổ chức ký cam kết giữa 63 tỉnh với 500 nghìn hộ chăn nuôi sản xuất thực phẩm an toàn, tổ chức xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, kiểm tra xác nhận chuỗi thực phẩm an toàn để giới thiệu cho người tiêu dùng. Bộ NN-PTNT cũng đã phối hợp với Bộ Công an thanh kiểm tra 1.183 cơ sở sản xuất kinh doanh, phát hiện và xử phạt 561 cơ sở vi phạm.
Sẽ có dữ liệu các cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn
Nhấn mạnh vai trò của truyền thông, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho biết trong thời gian tới sẽ yêu cầu các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo đảm ATTP, nhằm góp phần thay đổi hành vi của người dân trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn. Để tránh những sự cố thông tin như vụ “asen trong nước mắm” vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức tập huấn cho phóng viên, biên tập viên của các cơ quan thông tấn báo chí về kỹ năng tuyên truyền về an toàn thực phẩm. Đồng thời, tổ chức cuộc thi ảnh báo chí và báo chí viết về đảm bảo ATTP.
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân hoan nghênh công tác truyền thông của các cơ quan thông tấn, báo chí về ATTP trong thời gian qua, đồng thời đề nghị trong thời gian tới các cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trong bảo đảm ATTP.
Từ nay đến cuối tháng 12-2016, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết, UBMTTQ Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ NN-PTNT, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu, lập danh sách những cơ sở bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Trên cơ sở dữ liệu này, người dân chỉ chỉ cần click chuột là có thể biết được các cửa hàng thực phẩm sạch.
Để thực hiện hiệu quả hơn nữa Chương trình phối hợp 90, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các bộ, ngành tiếp tục triển khai các phần việc được giao. Trong đó, từ nay đến hết quý I/2017, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về ATTP và biên soạn các tài liệu hướng dẫn quy trình quy định sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn theo kế hoạch đã đề ra.
Riêng Bộ NN-PTNT phấn đấu hoàn thiện bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn thực phẩm an toàn trong tháng 12-2016; Bộ Y tế hướng dẫn quy trình, quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm với việc kinh doanh thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể; phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính hướng dẫn quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu…