0908.326.779 - 0906.362.707
 

Truy nguồn gốc thực phẩm: Không phải đũa thần

02/12/2016    4.6/5 trong 5 lượt 
Truy nguồn gốc thực phẩm: Không phải đũa thần
Việc truy nguồn gốc thực phẩm đã được TPHCM ứng dụng khá nhiều trên rau củ, trái cây, hải sản… Tuy nhiên, “soi” nguồn gốc chủ yếu để thỏa tò mò; còn sạch, an toàn tới đâu vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Thích thú vì lạ

Tranh thủ ngày cuối tuần, chị Mai Phương (ngụ Q.3) đưa con đi siêu thị mua sắm. Tại siêu thị Metro An Phú, quận 2, chị rất ngạc nhiên khi thấy nhiều khách hàng dùng điện thoại “soi” từng khay rau trái, thịt cá… Được nhân viên hướng dẫn cài ứng dụng lên điện thoại để nhận diện mã QR code (thông số kỹ thuật, chất lượng), chị Phương nhanh chóng thực hành. “Hay thật, chỉ cần cho smartphone quét lên mã đối với sản phẩm thịt, tôi đã có thông tin về trang trại nuôi trồng, nơi thu hoạch, ngày giết mổ, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm…” –  chị Phương hào hứng.
Theo khảo sát, thực phẩm có mã QR xuất hiện không chỉ ở siêu thị, mà còn có ở các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, organic (hữu cơ).
Cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch Thiên Nhiên (Q.10) thời gian gần đây cũng rất thu hút khách hàng đến “soi” thực phẩm. Anh Hải - quản lý cửa hàng hào hứng: “Chỉ cần vài giây là người tiêu dùng  có thể biết tất tần tật về sản phẩm mà mình cầm trên tay. Từ ngày chúng tôi áp dụng công nghệ QR này, lượng khách tăng lên hẳn vì nhiều người muốn thử cái mới”.

Chưa thể đảm bảo chất lượng sản phẩm

Trong nhiều ngày liền, PV Tiền Phong đã cài sẵn ứng dụng có phần mềm nhận diện mã vạch lên smartphone để “soi” thực phẩm. Tuy nhiên, sau khi soi rất nhiều mặt hàng thực phẩm, chúng tôi chỉ nhận được những thông tin chung chung về nuôi trồng, vận chuyển, giết mổ; cái quan tâm nhất là rau đó được bón những loại phân nào, hải sản có nhiễm kháng sinh không, thịt cho ăn thức ăn gì... thì lại “mù tịt”. Ngay cả những sản phẩm nhập khẩu như cừu, bò, heo, gà… của Mỹ, Úc hay New Zealand bày bán ở các siêu thị lớn cũng chỉ có tên quốc gia, xuất xứ, ngày sản xuất, nhà sản xuất, còn những thông tin sâu hơn về nguồn gốc như vùng nuôi, giống vật nuôi, quá trình nuôi, giết mổ, nơi giết mổ, đóng gói, quá trình vận chuyển… hoàn toàn không có.
Về phía người tiêu dùng, đa số đều cho rằng họ “soi” thực phẩm vì tò mò, muốn thử cho biết, còn sản phẩm sạch hay không thì không ai đảm bảo. Ông Nguyên - giám đốc một công ty sản xuất thực phẩm ở Củ Chi cho rằng, việc truy xuất nguồn gốc chỉ là phần ngọn của vấn đề. Tức là các đơn vị sản xuất thực phẩm gửi thông tin, số liệu cho các công ty mã hóa các sản phẩm để đưa lên mạng. Nhưng việc các công ty sản xuất thực phẩm  như thế nào, quy trình ra sao thì lại không có ai kiểm tra. Do vậy, truy xuất nguồn gốc không phải là phép màu để người tiêu dùng tin chắc chắn rằng mình đang cầm trên tay là thực phẩm an toàn. 
Bác sĩ Trần Văn Ký - phụ trách chuyên môn Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam nói, việc triển khai dán tem và khuyến khích người dân dùng smartphone có gắn công nghệ kiểm tra thực phẩm là cần thiết, tuy nhiên cần phải hết sức lưu ý ở khâu phân phối. “Thực ra, ở nhiều nước như Nhật, Mỹ… đã sử dụng mã sản phẩm để truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Mục đích nhằm duy trì chất lượng và hình ảnh của thương hiệu, đồng thời nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng người sản xuất có thể trà trộn nguồn hàng không đảm bảo. Bởi mã QR code chỉ là phương tiện để đảm bảo yên tâm cho người mua về nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ uy tín, thương hiệu của nhà sản xuất chân chính, chứ không phải là phép màu hay cây đũa thần giúp bảo đảm tuyệt đối chất lượng sản phẩm” - ông Ký nói.
Ngày 10/12, TPHCM triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo được triển khai rộng ở nhiều chợ bằng điện thoại thông minh. Theo ông Đào Hà Trung - Chủ tịch Hội Công nghệ cao TPHCM, nếu tiểu thương trà trộn thịt bẩn với thịt sạch, ứng dụng cũng sẽ đưa ra một “danh sách đen” các quầy sạp, từ đó người tiêu dùng sẽ nhận biết tẩy chay và tìm đến những quầy sạp khác bảo đảm an toàn. Ngoài ra, ở các chợ sẽ được gắn camera kiểm soát toàn bộ quá trình kinh doanh nhằm phát hiện vi phạm, gian lận nếu có.
Trả lời câu hỏi của Tiền Phong thịt heo có “chứng minh thư” liệu đã an toàn, Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết: “Muốn biết thịt có thực sự sạch, an toàn hay không thì phải chờ đến giai đoạn 2. Còn bây giờ, người tiêu dùng chỉ mới biết nguồn gốc thịt từ đâu, còn heo được cho ăn gì thì bây giờ chưa truy xuất”. Tuy nhiên, theo ông Hòa, đến thời điểm này chưa có cơ sở chăn nuôi, hộ cá thể nào đăng ký tham gia đề án. Việc vận động thương lái tham gia cũng rất khó khăn do họ không có giấy phép đăng ký kinh doanh, không có tổ chức pháp nhân nên rất khó để tiếp cận tuyên truyền. 
Uyên Phương