Càng gần Tết Trung thu, thị trường bánh trung thu càng sôi động. Bên cạnh những thương hiệu lớn, có uy tín lâu năm trên thị trường, năm nay, bánh trung thu handmade (tự làm) tiếp tục được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên, bánh handmade liệu có bảo đảm an toàn thực phẩm, khi việc quản lý mặt hàng này vẫn còn thả nổi?
Khó quản lý
Thời điểm này, việc kinh doanh bánh trung thu handmade đang nở rộ trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo... Ngoài các loại bánh truyền thống, người làm bánh trung thu handmade còn sáng tạo thêm các loại hình độc đáo, mô phỏng 12 con giáp, hoa nổi 3D… Nhân bánh và vỏ bánh cũng phong phú, mới lạ, được làm từ tinh than tre, trà xanh, hạt thông, quả mâm xôi, hạt chia hay được tạo màu từ nước cốt các loại củ, quả... Giá bánh dao động từ 200.000 đồng đến 250.000 đồng/hộp (4 chiếc), bánh con giống từ 150.000 đồng đến 400.000 đồng/hộp (từ 4 đến 12 chiếc)…
Chủ Facebook bánh trung thu handmade Quế Chi giới thiệu, nhân bánh tự làm từ nguyên liệu chọn lọc, không chất bảo quản, không chất tạo hương liệu, không phẩm màu… Tương tự, chủ Facebook bánh trung thu handmade Xuka Cake cam kết, nguyên liệu làm bánh hoàn toàn tự nhiên, an toàn… Mặc dù người bán nào cũng quảng cáo sản phẩm ngon, bảo đảm vệ sinh, nhưng cũng rất khó kiểm chứng thông tin.
Với thực tế trên, ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, các hộ kinh doanh bánh trung thu handmade trên các kênh thương mại điện tử, hay bất kỳ hình thức nào đều phải chấp hành quy định về chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm và nội dung quảng cáo phải được cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt. Song, hiện nay các cơ quan chức năng hầu như chưa quản lý được những cơ sở quảng cáo bán hàng qua kênh: Zalo, Facebook…
Còn theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội, các loại bánh handmade thường được làm với quy mô nhỏ, không đăng ký tiêu chuẩn chất lượng với cơ quan chức năng và chủ yếu bán qua mạng, nên rất khó kiểm soát, khó truy xuất được nguồn gốc. Thậm chí, có nơi quảng cáo bánh tự làm, song họ lại nhập bánh từ Trung Quốc, không rõ xuất xứ về bán. Mới đây, lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội đã phát hiện và thu giữ khoảng 4.400 bánh trung thu trứng chảy tại một cơ sở ở phường Yên Sở (quận Hoàng Mai) có nhãn mác chữ Trung Quốc, nhưng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, không rõ chất lượng sản phẩm...
Cũng liên quan đến dòng sản phẩm này, bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng, khó khăn nhất trong kiểm soát an toàn thực phẩm bánh trung thu tự làm, là kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu. Theo quy định, ngoài hồ sơ hợp đồng về nguồn gốc và hóa đơn mua bán, cơ sở kinh doanh phải có thêm giấy đăng ký kinh doanh của cơ sở sản xuất nhân bánh và giấy kiểm nghiệm định kỳ nhân bánh đạt yêu cầu. Tuy nhiên, những loại bánh gắn mác handmade do các tiệm bánh nhỏ hoặc gia đình làm ra với mục đích để ăn, tặng và bán, không thể đáp ứng được yêu cầu này.
Phải đáp ứng điều kiện an toàn, vệ sinh thực phẩm
Trước, trong và sau Tết Trung thu năm nay, Tổng cục Quản lý thị trường đã yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra các loại bánh trung thu được sản xuất theo phương thức cổ truyền, bánh trung thu handmade không công bố chất lượng, không rõ nguồn gốc.
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành viên Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm của thành phố cho biết, thành phố đã thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm Tết Trung thu do lãnh đạo Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm trưởng đoàn. Ngoài ra, các cấp huyện, xã cũng thành lập đoàn kiểm tra trong dịp này. Hiện công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng bánh trung thu, trong đó có bánh handmade đang được thành phố tăng cường. “ Bánh trung thu nói chung và bánh handmade nói riêng, khi bán ra thị trường phải đáp ứng các quy định về điều kiện an toàn, vệ sinh thực phẩm, phải công bố tiêu chuẩn chất lượng và có nhãn hàng hóa theo quy định. Khi kiểm tra, nếu phát hiện cơ sở nào vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm”, ông Trần Văn Chung nhấn mạnh.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm của thành phố, trong tháng 7 và tháng 8-2019, các đoàn kiểm tra của quận Hai Bà Trưng đã xử phạt 27 cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu và dịch vụ ăn uống với số tiền phạt gần 65 triệu đồng; đồng thời tiêu hủy 1.700 chiếc bánh nướng, 10 hộp bánh trung thu không nguồn gốc, xuất xứ. Các đoàn kiểm tra của huyện Đông Anh đã xử lý 12 cơ sở vi phạm về tem nhãn hàng hóa. Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Công an thành phố cũng thu giữ hơn 20.000 bánh trung thu nhập lậu…
Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội khuyến cáo, bên cạnh việc kiểm tra của cơ quan chức năng, khi mua bánh trung thu handmade bán online, người tiêu dùng cần chọn người bán uy tín, có địa chỉ cụ thể, rõ nguồn nguyên liệu, bánh được chế biến và bảo quản đúng quy trình. Khi mua, nên chọn sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. Khi mua phải những sản phẩm kém chất lượng hoặc biết các cơ sở sản xuất mất an toàn, người tiêu dùng cần chủ động thông tin tới cơ quan quản lý để kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Điều 20, Nghị định 115/2018/NĐ-CP ban hành ngày 4-9-2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm ghi rõ, phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với sản phẩm không có bản tự công bố sản phẩm. Ngoài ra, theo Nghị định 119/2017/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 1-11-2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, việc bán hàng hóa không có nhãn mác, tiêu chuẩn chất lượng ra thị trường là hành vi vi phạm pháp luật.