Vinanet -Hành trình đưa gạo Việt ra thị trường thế giới không thể không kể đến nỗ lực của những doanh nghiệp trong ngành lúa gạo
Có những doanh nghiệp chuyên cung ứng các hợp đồng tập trung hàng trăm ngàn tấn gạo/năm; cũng có những doanh nghiệp sẵn sàng bán vài container gạo sang những thị trường khó tính dù biết rằng phải chịu lỗ. Đằng sau những đơn hàng ấy là nỗi niềm trăn trở và quyết tâm đưa hạt ngọc Việt vươn xa.
Đưa gạo Việt vươn khơi
Trong năm 2018, bên cạnh gạo trắng, các loại gạo có giá trị cao của Việt Nam đang dần khẳng định vị trí trên thị trường thế giới. Gạo thơm của Việt Nam vẫn duy trì tốt tại thị trường Iraq với lượng gạo xuất khẩu đạt 300.000 tấn, tăng gấp đôi so với năm 2017. Gạo hạt ngắn Japonica có tín hiệu tích cực tại thị trường Hàn Quốc, Ai Cập với giá trúng thầu khá cao đem lại lợi nhuận cho cả doanh nghiệp và nông dân. Song song đó, cơ hội cũng mở ra cho thị trường Bờ Biển Ngà và EU khi nguồn gạo từ Campuchia và Myanmar không còn lợi thế về thuế
nhập khẩu. Thành quả có được phải kể đến công sức đóng góp của đội ngũ thương nhân xuất khẩu gạo nước ta ngay từ những ngày đầu chập chững bước vào thị trường toàn cầu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng trưng bày gạo mang thương hiệu Cỏ May tại Hội chợ ThaiFex tổ chức tại Thái Lan. Ảnh: CTV
Thành lập công ty từ năm 1996 và đến năm 2004 xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang thị trường Thụy Sĩ, đến nay, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, TP Cần Thơ đã đưa sản phẩm đến nhiều thị trường như Singapore, Mỹ, Nhật, Malaysia, Philippines, Trung Quốc, Trung Đông… Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, chia sẻ: Yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng gạo tại các thị trường ngày càng khắt khe hơn tạo động lực cho công ty phải không ngừng nâng cao chất lượng để thích ứng và tạo dựng lòng tin đối với khách hàng. Sau đơn hàng một loại giống thành công vào năm 2012, công ty tiếp tục hợp tác cùng nông dân xây dựng vùng nguyên liệu là các “Cánh đồng lớn” một loại giống để quản lý khép kín từ khâu đầu vào đến đầu ra. Trung An cũng nâng chất một số “Cánh đồng lớn” của mình qua việc sản xuất theo quy trình GAP để đáp ứng yêu cầu từ khách hàng khó tính.
Kể về câu chuyện đưa hạt gạo mang thương hiệu Cỏ May vào thị trường Singapore, ông Phạm Minh Thiện, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May, tỉnh Đồng Tháp chỉ gói gọn trong câu nói: “Dù biết là lỗ nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì!”. Từ năm 2013, Cỏ May tự mở công ty con tại Singapore và từ công ty mẹ ở Việt Nam tự xuất gạo sang công ty con này. Sau đó đóng túi 1kg, 2kg để bán vào hệ thống
siêu thị tại Singapore với thương hiệu Cỏ May. Cuối năm 2018, công ty quảng bá gạo Việt bằng cách đưa gạo Cỏ May đóng túi đi tham gia Hội chợ ThaiFex tại Thái Lan, nấu cơm mời khách tham quan. “Với cách làm này, chúng tôi muốn khẳng định rằng gạo Việt Nam không thua gì gạo thơm của các nước khác. Hiện nay, mỗi tháng Cỏ May chỉ xuất khẩu vài container gạo sang Singapore nên chẳng đủ bù đắp chi phí. Nhưng chúng tôi tin rằng một ngày không xa, với sự góp mặt vào hệ thống siêu thị tại thị trường này, Cỏ May sẽ trở thành thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng Singapore”- ông Phạm Minh Thiện kỳ vọng.
Bà Bùi Thị Bích Huyền (bìa phải), Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát giới thiệu sản phẩm gạo đến các đối tác nước ngoài. Ảnh: MINH HUYỀN
Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát, TP Cần Thơ cũng bắt đầu tham gia thị trường bằng những container gạo đầu tiên như thế. Bồi hồi nhớ lại những ngày đầu tham gia vào thị trường thế giới, bà Bùi Thị Bích Huyền, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát, kể: “Công ty Ngọc Quang Phát thành lập từ năm 2010 nhưng phải đến năm 2016 mới tham gia xuất khẩu. Thời điểm ấy, công ty quyết định
thành lập công ty con ở Canada và Cộng hòa Séc để xuất theo hình thức công ty mẹ bán cho công ty con và kết nối để giới thiệu gạo Việt đến một số khách hàng đối tác. Nhiều khách hàng được dùng thử gạo cao cấp của Việt Nam cho biết trước giờ họ chỉ ăn gạo Thái Lan hoặc Campuchia nay ăn thử gạo Việt thấy chất lượng không thua kém gì mà giá bán lại phải chăng. Thế là từ những đơn hàng vài container như thế, đến nay, gạo của Ngọc Quang Phát đã xuất đi nhiều nước trên thế giới với sản lượng vài trăm ngàn tấn/năm”.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều doanh nghiệp trải lòng: Gạo của ta hiện nay xuất khẩu ra thị trường nước ngoài chủ yếu mang thương hiệu nước ngoài. Tuy vậy, khi có điều kiện, doanh nghiệp vẫn cố gắng chứng minh cho người tiêu dùng biết gạo này có xuất xứ từ Việt Nam thông qua các dòng chữ in trên bao bì: Made in Vietnam (tạo ra tại Việt Nam), Products of Vietnam (sản phẩm của Việt Nam), Origin Vietnam (xuất xứ Việt Nam)… Như vậy, gạo Việt đã dần bước vào thị trường toàn cầu và đang trong giai đoạn khẳng định tên tuổi nơi xứ người.
Cú hích từ thương hiệu VIETNAM RICE
Cuối năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công bố
logo thương hiệu “Gạo Việt Nam”- “VIETNAM RICE”. Đây là cột mốc quan trọng trong hành trình gần 30 năm xuất ngoại của hạt gạo Việt. Ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường
nông sản, Bộ NN&PTNT, cho biết: Logo thương hiệu gạo Việt Nam được chọn từ 500 tác phẩm dự thi của các tác giả trong và ngoài nước. Trọng tâm của logo là hình ảnh bông lúa cách điệu mang biểu tượng chim Lạc Việt. Tên thương hiệu nhấn mạnh chữ Gạo Việt Nam/VIETNAM RICE dùng kiểu chữ dễ đọc, hiện đại, hài hòa với phần hình. Nền logo màu xanh lá, mang thông điệp về Việt Nam là một quốc gia có nền sản xuất nông nghiệp phát triển với sản phẩm sạch, an toàn và thân thiện với môi trường. Bố cục Logo hình elíp vừa tượng trưng cho hình hạt gạo vừa liên tưởng đến hình trái đất mang thông điệp gạo Việt Nam đạt chất lượng và uy tín trên phạm vi toàn thế giới.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, chia sẻ: Không nên chạy theo hoặc cạnh tranh với các quốc gia có giống lúa đặc thù riêng như Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia... mà cần duy trì các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm. Bởi đây là nền tảng để
xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Các giống lúa chất lượng cao được chọn xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam là các giống cho hạt dài từ 6,5mm trở lên, không bạc bụng, hàm lượng amylose thấp, mềm dẻo... Việc hình thành được cơ cấu giống chất lượng cao sẽ góp phần định hình việc tiêu thụ gạo cho thị trường trong nước vừa phục vụ xuất khẩu, tìm kiếm thị trường, chào hàng... Từ đó có thể thấy trong vài năm nữa, tùy thuộc vào khả năng xúc tiến thương mại, khả năng sản xuất của người nông dân và khả năng cung cấp nguồn hàng ổn định, chất lượng của các doanh nghiệp
chế biến, xuất khẩu, chúng ta có thể tiếp cận được các thị trường khó tính với giá xuất khẩu cao.
Logo thương hiệu gạo Việt Nam không chỉ biểu trưng bằng hình ảnh mà phải được khẳng định bằng chất lượng. Theo Quyết định 1499/QĐ-BNN-CBTTNS 2018 của Bộ NN&PTNT ban hành Quy chế sử dụng
nhãn hiệu chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam/VIETNAM RICE, cá nhân được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận khi đáp ứng các điều kiện: được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư có nội dung đăng ký hoạt động sản xuất, chế biến,
kinh doanh sản phẩm gạo. Đồng thời, được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện
an toàn thực phẩm về chế biến, bảo quản, kinh doanh gạo hoặc cơ sở đã được cấp một trong các giấy chứng nhận về GMP,
HACCP,
ISO 22000, IFS, BRC… Về
chất lượng sản phẩm, gạo mang nhãn hiệu gạo Việt Nam phải đảm các yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia. Theo đó, đối với gạo trắng phải đáp ứng tiêu chuẩn: TCVN 11888:2017; gạo thơm trắng là TCVN 11889:2017 và gạo nếp trắng là TCVN 8368:2010.
Theo Bộ NN&PTNT, cả nước có 19 đơn vị đã và đang xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam với 46 tên thương hiệu gạo của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thương hiệu gạo quốc gia đã có song để
thương hiệu quốc gia vươn ra thế giới đòi hỏi phải có sự tham gia của các bên liên quan. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, nói: Bộ NN&PTNT công bố đó là logo nhận diện gạo Việt Nam. Còn thương hiệu gạo Việt Nam có xây dựng thành công không là do chính doanh nghiệp và người nông dân xây dựng nên. Muốn xây dựng thương hiệu gạo thành công phải làm từ đồng ruộng. Nghĩa là trước tiên phải có nguồn lúa gạo chất lượng tốt. Đây là nền tảng quan trọng để người tiêu dùng tín nhiệm gạo Việt. Logo Thương hiệu gạo quốc gia và thương hiệu gạo của doanh nghiệp có tác dụng hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Trong đó, thương hiệu gạo của doanh nghiệp vẫn là chính. Khi xây dựng thương hiệu gạo của doanh nghiệp thành công và gắn logo thương hiệu gạo quốc gia vào nữa thì độ nhận diện, uy tín của gạo Việt Nam càng cao