Để quy định về tiêu chuẩn nước mắm phù hợp thực tế, cần lấy ý kiến các nhà sản xuất nước mắm truyền thống
Tại buổi giao ban báo chí sáng 12-3, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Phạm Công Tạc cho biết bộ này đã yêu cầu Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tạm dừng thủ tục công bố TCVN 12607:2019 về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm.
Dừng công bố vì chưa đạt yêu cầu
Theo ông Tạc, dự thảo tiêu chuẩn về nước mắm sau khi đưa ra lấy ý kiến đã nhận được nhiều góp ý trái chiều. Với sự tiếp thu sâu sắc, Bộ KH-CN đã chỉ đạo tạm dừng dự thảo này để tiếp tục xin ý kiến của các tổ chức, hiệp hội.
Dự thảo tiêu chuẩn về nước mắm do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) soạn thảo và chuyển sang Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định. Việc xây dựng bộ tiêu chuẩn phải bảo đảm 3 yếu tố: Phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam; bảo đảm sự đồng bộ tiêu chuẩn với thế giới; bảo đảm sự hài hòa lợi ích của các bên liên quan (người tiêu dùng, nhà sản xuất, các hiệp hội). "Khi không bảo đảm các tiêu chuẩn đó thì phải dừng để xin ý kiến, đối thoại với các bên để làm rõ hơn cũng như để nhận sự đồng thuận" - ông Tạc nói.
Cần lấy ý kiến những nhà sản xuất nước mắm truyền thống khi ban hành tiêu chuẩn về nước mắm Ảnh: HOÀNG TUẤN
Cũng tại buổi giao ban báo chí này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết sẽ cùng Bộ KH-CN tiếp thu những ý kiến của các cá nhân, tổ chức và tổ chức đối thoại với các bên liên quan để hoàn thiện bộ tiêu chuẩn về nước mắm. "Với tinh thần cầu thị, chúng tôi cùng Bộ KH-CN sẽ tiếp thu tất cả ý kiến đóng góp để làm sao hoàn thiện và khi công bố sẽ thúc đẩy được sản xuất trong nước chứ không phải hạn chế và bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên liên quan" - ông Tiến khẳng định.
Tiêu chuẩn vì người tiêu dùng
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Trần Thị Dung, nguyên cán bộ Vụ KH-CN (Bộ Thủy sản, nay là Bộ NN-PTNT), cho biết "rất mừng vì Bộ KH-CN và Bộ NN-PTNT đã biết lắng nghe và hành động kịp thời". Theo bà Dung, nếu cơ quan soạn thảo tổ chức hội thảo để lấy ý kiến thì nên mời đầy đủ các thành phần có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; trong đó đặc biệt phải mời các chuyên gia, nhà sản xuất thực sự am hiểu về nước mắm.
PGS-TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - cho rằng đang có sự hiểu nhầm TCVN 12607:2019 quy phạm thực hành sản xuất nước mắm nếu được ban hành sẽ là bắt buộc và các cơ sở sản xuất thủ công như hiện nay có nguy cơ đóng cửa. Tuy nhiên, theo ông Đáng, ở Việt Nam, theo Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn thì tiêu chuẩn là tự nguyện. Do đó, nếu tiêu chuẩn về nước mắm ban hành thì mọi người được khuyến khích tự nguyện làm theo. Dù là tự nguyện nhưng ông Đáng cho rằng cần sớm ban hành vì đó là định hướng để tất cả cơ sở sản xuất hướng tới, điều chỉnh, nâng cấp quy trình sản xuất để dần dần tạo được sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
"Mới chỉ đang xây dựng dự thảo mà để dân chúng phản ứng dữ dội như thế thì rõ ràng cần xem lại nội dung dự thảo liệu đã thực sự công tâm, khách quan chưa".
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh
Từng có khái niệm "nước mắm truyền thống"
Ngoài dự thảo TCVN 12606:2019 về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm gây bão dư luận thời gian qua, hiện còn có dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) sản phẩm thủy sản - nước mắm do Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad - Bộ NN-PTNT) biên soạn. Sau khi ban hành, văn bản là quy định bắt buộc đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh trong ngành nước mắm. Đáng chú ý, dự thảo có sử dụng khái niệm "nước mắm truyền thống" với yêu cầu không được pha loãng dịch kéo rút lên men từ hỗn hợp cá và muối và có thể bổ sung chất điều vị, chất tạo ngọt, chất điều chỉnh độ axít theo quy định của Bộ Y tế. Đối với "nước mắm", dự thảo cho phép pha loãng nước mắm từ cá và muối và có thể bổ sung chất điều vị, chất tạo ngọt, chất điều chỉnh độ axít, chất ổn định, chất tạo màu, chất bảo quản theo quy định của Bộ Y tế. Về chỉ tiêu chất lượng, cả 2 loại "nước mắm truyền thống" và "nước mắm" phải có độ đạm không nhỏ hơn 10 g/lít. Dự thảo nêu rõ chỉ sản phẩm nước mắm truyền thống đáp ứng quy chuẩn mới được ghi cụm từ "nước mắm truyền thống" trên nhãn.
Dự thảo này trong tình trạng "hết hạn lấy ý kiến góp ý" từ lâu nhưng vẫn chưa được ban hành. Trao đổi với phóng viên vào chiều 12-3, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Nafiqad, cho biết Bộ NN-PTNT đã giao Viện Nuôi trồng thủy sản 3 thực hiện đề tài nghiên cứu cơ sở khoa học cho QCVN về nước mắm. Nafiqad đang chờ kết quả của đề tài để hoàn thiện dự thảo và tổ chức lấy ý kiến các bên liên quan, bao gồm các cơ quan truyền thông