0908.326.779 - 0906.362.707
 

Chuẩn mực quốc tế chắp cánh hàng Việt

22/02/2019    4.6/5 trong 5 lượt 
Chuẩn mực quốc tế chắp cánh hàng Việt
Chính các nhà sản xuất, kinh doanh phải tự ý thức được thị trường mục tiêu cho sản phẩm của mình để có định hướng “theo đuổi” bộ tiêu chuẩn phù hợp
“Đua” theo tiêu chuẩn, liệu cơm gắp mắm!

Niềm vui lớn vì trái xoài Việt Nam vừa được cấp “visa” đi Mỹ sau nỗ lực theo đuổi rất nhiều chuẩn mực về canh tác, thu hoạch, chế biến trong ngót chục năm qua của cộng đồng các nhà sản xuất, thu hái, chuyên gia kỹ thuật một lần nữa đã thắp lên hy vọng sẽ có thêm nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm bản địa Việt vươn ra thế giới.

Tuy nhiên, 10 năm để một loại nông sản đến được với thị trường hàng đầu thế giới cũng là khoảng thời gian không hề ngắn. Theo nhiều doanh nghiệp (DN) và giới chuyên gia tại hội thảo ngay trước thềm Lễ Vinh danh các DN Hàng Việt Nam Chất lượng cao 2019 vào tối ngày 20/2 vừa qua tại TPHCM, bài học về trái xoài có thể là ví dụ điển hình nhất cho thấy chỉ có nhanh chóng tuân thủ các chuẩn mực chất lượng được đông đảo cộng đồng người tiêu dùng và giới kinh doanh thừa nhận thì mới có thể rút ngắn con đường bay xa, bay cao của hàng Việt.

Vậy giữa cả triệu tiêu chuẩn được công bố và áp dụng rộng rãi trên toàn cầu - trong đó có đến 11.500 tiêu chuẩn của Việt Nam - đâu là những “chuẩn” mà các nhà sản xuất trong nước, nhất là những nông hộ nhỏ lẻ cần hướng tới?

Theo giới chuyên gia và DN, câu trả lời chung nhất là cứ phải “liệu cơm gắp mắm”!

Theo ông Nguyễn Công Luận - Phó Tổng Giám đốc Công ty Rau quả Thực phẩm An Giang (Antesco) - chuẩn VietGap tuy đòi hỏi “thực hành nông nghiệp tốt” nhưng “tiếng tăm” chủ yếu vẫn còn ở thị trường trong nước, nếu muốn đưa sản phẩm ra nước ngoài thì phải có chứng nhận quốc tế. Tất nhiên, trong bối cảnh hiện tại của lực lượng các nhà sản xuất trong nước với rất nhiều nông hộ nhỏ và những hợp tác xã nông nghiệp còn “chập chững” thì những bộ tiêu chuẩn “bước đệm” như Local Gap do Hội DN Hàng Việt Nam Chất lượng cao khởi xướng có thể là một lựa chọn để các nhà sản xuất nội địa bắt đầu làm quen với thế giới.

Tất nhiên, chính các nhà sản xuất, kinh doanh phải tự ý thức được thị trường mục tiêu cho sản phẩm của mình để có định hướng “theo đuổi” bộ tiêu chuẩn phù hợp. Bởi nếu chỉ là sản phẩm tiêu dùng nội địa mà lại “đua” theo các tiêu chuẩn thế giới thì lại là sự lãng phí lớn. “Các DN, nông hộ, hợp tác xã nếu cần trợ giúp chọn lựa tiêu chuẩn phù hợp có thể liên hệ Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để được chuyên gia tư vấn”, TS Nguyễn Hoàng Linh-  Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nói thêm.

“Xây” chuẩn chất lượng, chuyện không chỉ của nhà nước!

Từ phía những người xây dựng và tuyên truyền cho Chuẩn mực Local Gap, bà Nguyễn Kim Thanh- chuyên gia chuỗi An toàn Thực phẩm từ Hội DN Hàng Việt Nam Chất lượng cao- tin rằng không một hiệp hội hay tổ chức đơn lẻ nào có thể đủ sức người, sức của để vận động được từng người chăn nuôi và sản xuất nhỏ thực hành các tiêu chuẩn khoa học. “Chúng tôi chỉ có thể đóng vai trò là người cung cấp chuẩn mực, thông tin và kỹ thuật. Đây phải là dạng chiến dịch dài hơi có tính hợp tác công - tư cao thì mới mong thành công”.

Nhà nghiên cứu này cũng đề cập tới một kinh nghiệm “dân vận” rất hiệu quả của một số vùng nuôi tôm rừng tại Cà Mau- nơi mà những năm trước đây “đến nhà vệ sinh cũng chẳng có”- thì nay đã tạo nên sự ngạc nhiên lớn cho những người quan sát. Trong khi các mô hình nuôi tôm tương tự ở nhiều nơi còn nặng tính tự phát và chủ yếu làm theo “kinh nghiệm” hoặc tập quán lâu đời thì chính quyền cấp cơ sở nhiều nơi ở Cà Mau đã khá thành công khi phát động hình thức “tự quản” chất lượng. Ở đó - tại những cuộc “trà dư tửu hậu” giữa các nông hộ, những “nhà sản xuất” có hành vi xấu, gây ô nhiễm môi trường… sẽ bị đem ra “mổ xẻ”. Dần dà, ý thức về sản xuất an toàn, bảo vệ môi trường của cư dân địa phương từ đó đã có bước chuyển biến dài.

Tâm đắc với kinh nghiệm trên, TS. Nguyễn Thị Hồng Minh- Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch- cũng đồng tình cho rằng “cần phải vận động hình thành các tổ chức cộng đồng giữa các nhà sản xuất nhỏ, như nông dân chẳng hạn, để tự kiểm soát nội bộ, tự giúp nhau chuyển đổi nhận thức”.

Dẫu vậy, cũng tại Hội thảo, vẫn có ý kiến “lăn tăn” rằng người tiêu dùng sẽ không đủ niềm tin nếu chỉ nhìn vào thể hiện của các nhà sản xuất như trên hoặc biết rằng sản phẩm đi theo chuẩn do các hội nghề nghiệp tự “xây” mà không có sự “chủ trì” của nhà nước. Đáp lại mối quan ngại ấy, người đại diện của Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho rằng cộng đồng cần thay đổi suy nghĩ “Nhà nước phải nắm vai trò chủ đạo trong thiết lập, vận hành và vận động thực hiện các tiêu chuẩn. Bởi ở nhiều nơi trên thế giới, vai trò của Nhà nước chủ yếu mang tính định hướng, còn lại là sự góp sức của toàn xã hội”.

Thực tế cho thấy nhiều bộ tiêu chuẩn nổi tiếng và được chấp nhận rộng rãi trên toàn cầu ngày nay đều có xuất phát điểm từ… bên ngoài nhà nước. Có thể kể đến như tiêu chuẩn ASTM được khởi xướng bởi Hiệp hội Thí nghiệm và vật liệu Hoa Kỳ; bộ tiêu chuẩn JIS của Nhật Bản cũng được “khai sinh” bởi Hiệp hội Tiêu chuẩn Nhật Bản; Tiêu chuẩn BRC thì đến từ Hiệp hội các nhà bán lẻ Anh; hay Tổ chức Tiêu chuẩn DIN (của Đức) cho phép tất cả các bên liên quan đều có thể tham gia vào việc xây dựng tiêu chuẩn. Đó có thể là các nhà sản xuất, người tiêu dùng, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, các cá nhân, tổ chức…

Phương Hiền