Dư luận đang băn khoăn trước quy định của Thông tư 02/2019 không liệt kê nhiều loại thức ăn chăn nuôi như cà rốt, khoai tây, lá khoai, sắn, rau muống, bèo tây, thân cây chuối... mà nhiều đời người dân vẫn sử dụng
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừa ban hành Thông tư 02/2019 "Danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam". Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh, sử dụng thức ăn chăn nuôi trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, ngay sau khi ban hành, thông tư này khiến dư luận "dậy sóng" bởi những quy định rất khó khả thi.
Chỉ nên ban hành danh mục bị cấm sử dụng
Theo đó, danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán được phép lưu hành tại Việt Nam gồm 18 loại: ngô (bắp), thóc (lúa), lúa mì, gluten, đậu tương, khô dầu, sắn, hạt các loại, thức ăn thô (cỏ khô, cỏ tươi các loại, rơm, vỏ trấu các loại), phụ phẩm của ngành sản xuất cồn ethylic từ hạt cốc, mía, củ các loại (khoai tây, khoai lang, khoai môn, khoai sọ), các loại bã, thức ăn có nguồn gốc từ thủy sản, thức ăn có nguồn gốc từ động vật trên cạn, sữa và sản phẩm từ sữa, dầu cá, dầu - mỡ.
Chăn nuôi nông hộ thường sử dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn Ảnh: NGỌC ÁNH
Anh K’Brooke - người sáng lập dự án khởi nghiệp mô hình chăn nuôi heo bản địa sạch của tổ hợp tác K’ho (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) - cho biết từ hôm đọc danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi do Bộ NN-PTNT ban hành, anh rất hoang mang vì nó không phù hợp thực tế. "Dự án của chúng tôi nuôi heo đen bản địa kết hợp sinh thái nuôi sạch, chăn thả tự nhiên dưới tán rừng rộng, tận dụng thức ăn tự nhiên có sẵn tại địa phương. Heo ăn chuối, các loại cây dược liệu… không có trong danh mục, nếu bị cấm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của dự án, gây tác động dây chuyền khiến sản phẩm không thể vươn xa. Tôi có đọc trên báo thấy lãnh đạo ngành trả lời chăn nuôi heo kiểu bản địa chủ yếu là tự cung tự cấp, không bị ảnh hưởng quy định. Điều này là không đúng, các mặt hàng đặc hữu, bản địa là lợi thế cạnh tranh trên thị trường ngày nay, không chỉ trong nước mà còn có thể xuất khẩu. Tôi đề nghị cơ quan chức năng cần sớm chỉnh sửa những nội dung vô lý để người dân yên tâm sản xuất" - anh K’Brooke nói.
Cũng theo anh K’Brooke, chăn nuôi truyền thống khác với chăn nuôi công nghiệp, tương tự như vụ nước mắm, không thể gộp chung vào mà quản lý.
Chủ một trại heo rừng tại quận 9, TP HCM cho biết heo tại trại được cho ăn các phụ phẩm nông nghiệp như: bèo, chuối và các mặt hàng rau củ quả bị dội chợ đầu mối như: bầu, bí, khoai các loại… Ông rất ngạc nhiên khi nghe quy định trên nhưng không lo lắng vì không ai thực thi những quy định vô lý như vậy.
Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng cho rằng Thông tư 02/2019 của Bộ NN-PTNT rất bất hợp lý bởi đang áp dụng phương pháp quản lý "chọn cho", tức là người dân chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.
Trong khi đó, theo lý giải của ông Đức, thức ăn chăn nuôi theo tập quán là thứ người dân vẫn sử dụng từ trước đến nay, không cần bất kỳ cơ quan nhà nước nào cho phép. Nếu việc sử dụng thức ăn chăn nuôi theo tập quán của người dân có vấn đề gì ảnh hưởng đến xã hội thì nhà nước chỉ nên hạn chế hoặc cấm đúng loại thức ăn đó. "Rất khó hiểu vì sao Bộ NN-PTNT lại ban hành danh mục những thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành. Vậy chẳng lẽ toàn bộ trí tuệ xã hội bị đóng khung trong hiểu biết của nhà làm luật?" - ông Đức nói.
Ông Đức cho rằng thay vì đưa ra danh mục các sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán được phép lưu hành, ban soạn thảo chỉ cần đưa ra danh mục bị cấm là xong. "Như vậy, với danh mục cấm này, người dân sẽ chỉ phải tránh những thức ăn bị cấm, còn lại họ sẽ được thoải mái sử dụng" - vị chuyên gia của VCCI bày tỏ.
Thay vỏ Thông tư 26?
Trước những băn khoăn của dư luận và người chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) - đơn vị soạn thảo Thông tư 02, cho biết Thông tư 02 được ban hành, thực chất là gia hạn Thông tư 26 ban hành các sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo truyền thống, tập quán được phép lưu hành. Thông tư 02 giữ nguyên toàn bộ nội dung của Thông tư 26 đã ban hành từ năm 2012. "Thông tư 26 đã có danh mục các sản phẩm được lưu hành nhưng hết hạn vào ngày 11-2-2019. Vì vậy, Bộ NN-PTNT khẩn trương ban hành Thông tư 02. Toàn bộ sản phẩm nguyên liệu thức ăn truyền thống có trong Thông tư 26 tiếp tục được lưu hành bình thường" - ông Dương nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, thức ăn chăn nuôi lưu hành trên 3 nhóm: Nhóm thức ăn đậm đặc, tổng hợp do người sản xuất tự công bố trên cổng thông tin của Bộ NN-PTNT. Nhóm này chiếm hơn 90% khối lượng sản phẩm thức ăn chăn nuôi lưu hành. Nhà sản xuất tự công bố chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng, cơ quan quản lý căn cứ vào đó để giám sát lưu hành. Nếu công bố không đúng sẽ bị xử lý.
Nhóm thứ 2 là thức ăn bổ sung như vitamin, khoáng chất… Nhóm này có nguy cơ rất cao, ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm nên việc công bố phải thông qua thẩm định của Cục Chăn nuôi. "Nếu đủ điều kiện thì chúng tôi sẽ đẩy lên Cổng Thông tin điện tử của Bộ NN-PTNT để cho doanh nghiệp (DN) lưu hành" - ông Dương nhấn mạnh.
Nhóm thứ 3 là nhóm thức ăn truyền thống, tập quán gồm lúa, ngô, khoai sắn, bã ngô…, cái này không ai đăng ký vì lúa, ngô… không của riêng ai nên bộ sẽ công bố sản phẩm lưu hành để DN sản xuất, kinh doanh có cơ sở thực hiện.
Về ý kiến cho rằng trong danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi truyền thống, Thông tư 02 không đề cập các loại thức ăn như rau bèo, rau chuối, cà rốt, su hào, bắp cải…, điều đó có đồng nghĩa với việc những sản phẩm này không được sử dụng? Quyền Cục trưởng Nguyễn Xuân Dương khẳng định đây vẫn là thức ăn nguyên liệu được người chăn nuôi sử dụng từ xưa đến nay và những nguyên liệu này vẫn được sử dụng bình thường. "Vì Thông tư 02 kế thừa toàn bộ nội dung của Thông tư 26 nên chưa có các danh mục sản phẩm như rau bèo, rau chuối, cà rốt, su hào, bắp cải… Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật, hoàn thiện và đưa ra quy định, kỹ thuật tối thiểu để người chăn nuôi sử dụng đáp ứng đúng yêu cầu đưa ra" - ông Dương khẳng định.
Theo ông Dương, nếu không ban hành kịp thời thông tư này, đối tượng bị ảnh hưởng sẽ là các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi. Bởi nếu không có thông tư này, các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi không thể sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có những nguyên liệu tập quán này.
Xem xét lại tính hợp pháp của Thông tư 02
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp Đồng Ngọc Ba cho biết qua kiểm tra và bước đầu thấy rằng Thông tư 02 được Bộ NN-PTNT ban hành ngày 11-2-2019 cần phải xem xét thêm về tính hợp pháp của một số nội dung. Dự kiến ngày 19-3, cục sẽ làm việc với Bộ NN-PTNT và các bên liên quan về Thông tư 02.