0908.326.779 - 0906.362.707
 

Tăng xử lý vi phạm an toàn thực phẩm trong năm 2016

19/01/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Tăng xử lý vi phạm an toàn thực phẩm trong năm 2016
Theo Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, năm 2016, Bộ Y tế đã phát hiện 133 vụ vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm với tổng số tiền truy thu là 12,54 tỷ đồng, tăng 172% so với năm 2015.

Chiều 17-1, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia của Bộ Y tế đã có buổi tổng kết về kết quả thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong ngành y tế, dược năm 2016. Trưởng ban chỉ đạo 389 - Thứ trưởng Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, trong năm 2016, ở lĩnh vực thực phẩm đã tăng cường thanh kiểm tra giám sát và xử lý vi phạm nhiều hơn với tổng số tiền truy thu là 12,54 tỷ đồng, tăng 172% so với năm 2015.

Đồng thời Bộ cũng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như thu hồi chín Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; tạm dừng lưu thông 31 lô sản phẩm vi phạm. Tiêu hủy một tấn thực phẩm chức năng, hàng không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn, trị giá hơn 109 triệu đồng tại tỉnh Hà Tĩnh; hơn 10 tấn lô sản phẩm thực phẩm không đạt chất lượng là Trà xanh hương chanh C2 trị giá hơn 113 triệu đồng của Công ty TNHH URC Hà Nội; thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng 1.140 hộp gồm 660 hộp trà sâm và 480 hộp sâm Hàn Quốc của Công ty TNHH SSBiO ViNa.

Theo báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, số cơ sở được kiểm tra thực phẩm trong năm qua là 461.218 cơ sở, phát hiện 81.346 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, chiếm 17,64%. Thanh tra Bộ đã xử lý 18.587 cơ sở (chiếm 22,85% số cơ sở vi phạm), trong đó phạt tiền 11.703 cơ sở với số tiền phạt là khoảng 31,6 tỷ đồng.

Ngoài các hình thức xử phạt chính, Thanh tra Bộ còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả là đình chỉ hoạt động 427 cơ sở; đình chỉ lưu hành 1.042 loại thực phẩm; 606 cơ sở có nhãn phải khắc phục; 4.641 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm với 5.658 loại thực phẩm bị tiêu hủy do không bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm (thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng...).

Theo PGS.TS. Lê Thị Hồng Hảo, Viện trường Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (ATVSTP), những ngày gần Tết Nguyên đán 2017, đã có 32 lượt mẫu do quản lý thị trường, Công an gửi đến Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia. Các mẫu chủ yếu là thực phẩm chức năng. Việc kiểm nghiệm đã phát hiện một số mẫu không đạt chất lượng và đã thông báo cho QLTT, Công an, Thanh tra để xử lý.

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực dược phẩm cũng hết sức phức tạp. Theo ông Trần Hùng, Phó Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, năm qua, Bộ Y tế đã thanh tra, kiểm tra 137 cơ sở tổng số vụ phát hiện vi phạm là 111 vụ, tăng 16% so với năm 2015; tổng số tiền truy thu là 9,21 tỷ đồng, tăng 57% so với năm 2015.

Đối với cơ sở có hoạt động kinh doanh nguyên liệu salbutamol, dù cơ bản các cơ sở đã chấp hành nghiêm các quy định trong hoạt động kinh doanh, nhưng vẫn còn một số cơ sở chưa thực hiện nghiêm túc. Công ty TNHH Hóa dược quốc tế Phương Đông nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol số lượng nhiều hơn 200kg so với số lượng nguyên liệu được duyệt là 2.000 kg do có sự nhầm lẫn khi làm thủ tục nhập khẩu tại Hải quan; bốn cơ sở bán nguyên liệu Salbutamol cho các cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc theo quy định, trong đó có ba cơ sở là đơn vị chỉ kinh doanh, nhập khẩu thuốc, không sản xuất thuốc.

Năm 2016, Bộ Y tế đã phối hợp rất tích cực và hiệu quả với Cục Cảnh sát môi trường (C49); Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) – Bộ Công an, Công an huyện Gia Lâm, Chi cục Quản lý thị trường huyện Gia Lâm kiểm tra xe ô tô đang chở dược liệu, kho hàng của hộ kinh doanh trong lĩnh vực dược liệu. Theo đó, đã phát hiện có 374 loại dược liệu, với tổng khối lượng là 45,9 tấn dược liệu chưa rõ nguồn gốc xuất xứ, chặn đứng việc đưa các sản phẩm này vào cơ sở y tế.

Tình trạng hàng giả, gian lận thương mại cũng xảy ra phức tạp trong lĩnh vực trang thiết bị y tế. Vì thế, năm qua Bộ Y tế đã phối hợp Đội Quản lý thị trường số 11 thuộc Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành xử lý vi phạm của Công ty TNHH thiết bị y tế hóa chất và hóa mỹ phẩm về việc sản xuất Gel siêu âm không bảo đảm chất lượng, không làm các thủ tục đăng ký chất lượng sản phẩm với các cơ quan chức năng. Bộ cũng phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh để điều tra, xác minh một số doanh nghiệp tại Quận 3 buôn bán hàng cấm liên quan đến lĩnh vực trang thiết bị y tế. Bộ Y tế đã xử lý kịp thời việc vi phạm trong quảng cáo que kiểm tra nhanh ung thư khiến người dân hoang mang.

Bộ Y tế còn phát hiệu kịp thời nhiều vụ vi phạm, hàng giả với số lượng lớn như Công ty TNHH Thương mại SLIM HMN, Công ty Cổ phần liên doanh Dược G &P – France, để chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an điều tra làm rõ; xử lý vi phạm Công ty Cổ phần Tân Tiến Phát; đang hoàn thiện để xử lý vi phạm của Công ty cổ phần Đại Y... Ngoài ra còn phát hiện và xử phạt hành chính nhiều công ty vi phạm với số tiền hàng tỷ đồng.

Đặc biệt, trong năm qua Bộ Y tế đã có những xử lý quyết liệt và nhanh chóng để thanh tra về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nước mắm, để có câu trả lời chính xác cho người tiêu dùng.

Thứ trưởng Y tế Phạm Lê Tuấn nhận định, trong năm 2017, tình hình vận chuyển buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; vận chuyển, kinh doanh gia súc gia cầm, thực phẩm chức năng, dược nhập lậu còn tiếp tục tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Vì thế, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết, trong thời gian cao điểm trước Tết nguyên đán 2017, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, đặc biệt là lực lượng Công an, để làm tốt việc chống hàng giả, gian lận thương mại, nhất là thanh kiểm tra trong lĩnh vực thực phẩm với các mặt hàng rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo... để bảo đảm nguồn cung ứng thực phẩm an toàn cho người dân.

Trưởng Ban chỉ đạo 389 khẳng định, để tiếp tục đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban chỉ đạo 389 sẽ thực hiện những công tác thanh kiểm tra giám sát mạnh mẽ và toàn diện hơn. Đặc biệt, đối với lĩnh vực thực phẩm, Bộ sẽ có những cuộc kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và Lễ hội Xuân năm 2017; Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017; Tết Trung thu năm 2017 theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bộ sẽ thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng phụ gia thực phẩm; quảng cáo thực phẩm chức năng; quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; kiểm tra vấn đề an toàn thực phẩm nông lâm sản và thủy sản, hoạt động sản xuất, kinh doanh nước mắm; Thanh tra, kiểm tra hậu kiểm các cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột, tinh bột và các thực phẩm khác thuộc phạm vi quản lý.

THIÊN LAM