Công tác chuẩn bị hàng hóa Tết Nguyên đán Đinh Dậu - 2017 tại TPHCM đang diễn ra như thế nào? TP đã và đang làm gì để kiểm soát cung - cầu, ổn định giá cả thị trường? Làm gì với nạn kinh doanh hàng gian, hàng giả, thực phẩm kém chất lượng?
Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Công thương TPHCM Phạm Thành Kiên (ảnh) xung quanh vấn đề này.
Đảm bảo đủ lượng hàng thiết yếu, giá ổn định
- Phóng viên: Thưa ông, còn 3 tuần nữa là kết thúc mùa cao điểm kinh doanh và đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu - 2017, hiện công tác chuẩn bị, dự trữ hàng hóa được TPHCM triển khai như thế nào?
* Ông Phạm Thành Kiên: Năm nay, Tết Nguyên đán chỉ cách Tết Dương lịch chưa đến 1 tháng, thời gian nghỉ dài ngày nên dự báo nhu cầu mua sắm tết sẽ tăng mạnh sau Tết Dương lịch. Ngay từ tháng 6-2016, Sở Công thương phối hợp sở, ngành liên quan làm việc cùng các doanh nghiệp (DN) trong Chương trình Bình ổn thị trường (BOTT) để xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu cung ứng tết. Theo tính toán, tổng trị giá hàng hóa chuẩn bị cho mùa tết năm nay lên đến 17.068,8 tỷ đồng, tăng 860 tỷ so với Tết Bính Thân - 2016, trong đó, giá trị hàng hóa BOTT là 6.851,6 tỷ đồng. Lượng hàng này tăng so kế hoạch TP giao từ 15% - 20% với nhiều nhóm hàng có số lượng lớn, chi phối từ 35% - 52% nhu cầu thị trường, như:
thịt gia cầm (chiếm 59,6%), đường (43,4%),
trứng gia cầm (48%), thực phẩm
chế biến (38,3%), thịt gia súc (35,5%), dầu ăn (34,5%), gạo (33,3%)...
Ngoài hàng hóa BOTT, các mặt hàng phục vụ tết khác như hoa kiểng,
bánh,
mứt,
kẹo,
bia… cũng đã được các DN chuẩn bị đủ lượng và khẳng định không tăng giá để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày tết của nhân dân TP.
Công tác chuẩn bị được thực hiện từ rất sớm, trong điều kiện giá cả nguyên, nhiên liệu năm nay tương đối ổn định, đã tạo nhiều thuận lợi cho DN. Tuy nhiên, do tình hình thời tiết cuối năm diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất một số loại rau ôn đới bị ảnh hưởng nên chúng tôi đang có sự tập trung kiểm tra, tính toán phương án tăng cường nguồn cung sản phẩm này đối với các hệ thống phân phối lớn như chợ đầu mối, hệ thống
siêu thị Co.opmart, Co.op Food, Satrafood… nhằm tạo sự dẫn dắt chung về giá bán trên thị trường.
- Cùng việc chuẩn bị hàng hóa, Sở Công thương TP sẽ triển khai mạng lưới phân phối hàng tết ra sao?
* Hiện nay, bên cạnh hệ thống phân phối truyền thống, số lượng các siêu thị,
cửa hàng tiện lợi và điểm bán hàng BOTT đang tăng lên nhanh chóng, phủ rộng khắp địa bàn TP. Việc cung ứng hàng hóa tết phục vụ nhân dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, công nhân lao động cũng được lãnh đạo TP hết sức quan tâm.
Nếu chỉ tính riêng số lượng điểm bán BOTT tại các quận ven, huyện ngoại thành đến nay đã tăng lên 926 điểm bán; 16 điểm phục vụ công nhân, gồm 11 điểm tại 9 KCX-KCN, 3 cửa hàng tiện lợi tại xí nghiệp có nhiều công nhân, 2 cửa hàng liên kết thanh niên phục vụ khu lưu trú công nhân. Hội Liên hiệp Phụ nữ TP cũng đã tổ chức, phát triển 1.573 điểm bán gồm: 98 cửa hàng liên kết phụ nữ, 325 điểm bán trong 50 chợ truyền thống và 1.150 điểm bán trong khu dân cư. Dự kiến, đến Tết Đinh Dậu, các DN BOTT phát triển thêm 248 điểm bán, trong đó có 15 cửa hàng liên kết thanh niên, phụ nữ. Ngoài ra, các DN sẽ thực hiện bình quân 120 chuyến bán hàng lưu động/tháng; riêng 2 tháng cao điểm trước tết tăng lên 307 chuyến/tháng, trong đó có 70 chuyến phục vụ công nhân không có điều kiện về quê ăn tết. Thành đoàn TP cũng đã triển khai đến các quận huyện đoàn cơ sở, tích cực tham gia quản lý 24 điểm bán hàng BOTT; sẽ thực hiện tăng tần suất các chuyến bán hàng lưu động, tổ chức các Phiên chợ hàng Việt, Phiên chợ Thanh niên, Phiên chợ Thanh niên Công nhân...
Sở Công thương cũng đã thống nhất phương án cho các DN BOTT sẵn sàng tổ chức bán hàng lưu động trong trường hợp khan hiếm hàng hóa, tăng giá cục bộ để kịp thời can thiệp, xử lý.
Người dân cần xem xét kỹ trước khi mua hàng
- Tết năm nay, lãnh đạo UBND TPHCM đặc biệt chú trọng đến vấn đề ATVSTP, tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, hạn chế nạn kinh doanh hàng gian, hàng giả và kém chất lượng trên thị trường, đảm bảo sức khỏe và quyền lợi thiết thực cho người dân. Sở Công thương đã và đang làm gì để thực hiện tốt nhiệm vụ này, thưa ông?
* Tết là “thời điểm vàng” trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN do nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao. Nhưng mặt trái của thị trường tết chính là các đầu nậu, các đối tượng làm ăn bất chính đã lợi dụng sức mua tăng cao có thể tung hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng ra bán để trục lợi. Do đó, để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho DN làm ăn chân chính và người tiêu dùng, các sở - ngành sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát chuyên đề về giá,
an toàn thực phẩm, hàng gian, hàng giả, hàng nhập lậu…; các cơ quan chuyên môn trực thuộc các sở như quản lý thị trường, thanh tra giá, Chi cục ATVSTP, Chi cục Thú y… đều đã xây dựng kế hoạch chi tiết tăng cường tần suất, mức độ kiểm tra, tập trung trọng điểm các khu vực điểm nóng, đầu mối giao thông, cửa ngõ ra vào TP và sẽ xử lý kiên quyết các vi phạm. Ngoài ra, các đoàn kiểm tra liên ngành quận, huyện cũng có kế hoạch đẩy mạnh thực hiện kiểm tra trên địa bàn, đảm bảo công tác kiểm tra, kiểm soát được thực hiện đầy đủ, xuyên suốt, sâu rộng.
- Cụ thể hơn, những mặt hàng, lĩnh vực nào được đưa vào “tầm ngắm” của các lực lượng chức năng?
* Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, các sở, ngành chức năng sẽ tập trung kiểm tra mặt hàng thuốc lá điếu nhập lậu trên các tuyến đường, tỉnh lộ, quốc lộ, tuyến đường thủy nối từ Long An, Tây Ninh vào TPHCM; kiểm tra hoạt động bán lẻ thuốc lá tại các cửa hàng, điểm bán trên đường phố, khu dân cư, chợ; phối hợp với các ngành, quận, phường tăng cường kiểm tra khu vực bán thuốc lá nhập trên các đường Học Lạc (quận 5), Trần Quốc Toản (quận 3) và Trường Chinh (quận Tân Phú).
Bên cạnh thuốc lá, các mặt hàng trọng tâm khác sẽ kiểm tra gồm: bia, rượu,
sữa, đường, các loại thực phẩm khô, thực phẩm công nghiệp đóng gói sẵn,
thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hóa chất, điện thoại di động, hàng điện tử, điện gia dụng, đồ chơi trẻ em, pháo nổ, gas, phân bón và các loại hàng hóa tiêu dùng. Kiểm tra hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, các hành vi xâm phạm quyền
sở hữu trí tuệ. Chú ý hàng hóa kém chất lượng, hàng hóa quá hạn sử dụng, hàng không bảo đảm ATVSTP.
Kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Phối hợp với các ngành kiểm tra việc chấp hành quy định về giá bán sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Kiểm tra các DN, hộ kinh doanh trong việc thực hiện quy định về nhãn hàng hóa, công bố tiêu chuẩn sản phẩm,
công bố hợp quy. Tăng cường phối hợp với các đoàn liên ngành kiểm tra ATVSTP TP và quận, huyện kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các loại thực phẩm; xử lý các cơ sở vi phạm các quy định về điều kiện
vệ sinh an toàn thực phẩm, buôn bán thực phẩm quá hạn sử dụng, thực phẩm chứa phụ gia bị cấm hoặc hạn chế sử dụng…
- Ông có lời khuyên gì cho người dân trong mua sắm hàng tết?
* Theo tôi, người dân nên đến mua sắm ở những địa điểm có uy tín và có chế độ hậu mãi tốt. Hạn chế mua hàng hóa ở những điểm bán không cố định. Trong quá trình mua sắm, cần lưu ý đọc kỹ các thông số in trên sản phẩm như nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng…
Đối với hàng thực phẩm tươi sống, TPHCM đã tiến hành công bố hơn 400 điểm bán thực phẩm an toàn, đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobGAP. Riêng ở mặt hàng thịt heo, ngày 16-12 vừa qua, Sở Công thương đã chính thức triển khai Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, đồng thời công bố 349 điểm bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm.
Tôi cho rằng, để TPHCM tiến tới văn minh, hiện đại thì người tiêu dùng đóng vai trò hết sức quan trọng, thể hiện qua việc chọn mua các sản phẩm có chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng. Điều này sẽ góp phần từng bước loại bỏ hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng và các loại thực phẩm không đảm bảo ATVSTP