Lo sợ thực phẩm bẩn bủa vây, người tiêu dùng hiện nay có xu hướng tìm đến sản phẩm sạch ở vườn, dưới quê và đặc biệt là thực phẩm nhà làm. Nắm bắt được nhu cầu tâm lý của khách hàng, các hình thức kinh doanh thực phẩm handmade đang nổi lên một cách rầm rộ trên mạng xã hội, đặc biệt là vào dịp Tết. Tuy nhiên, chất lượng của mặt hàng này thì khó ai có thể khẳng định.
Đa dạng các mặt hàng
Ngày nay, khi mức sống của người dân ngày một cao, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm càng được coi trọng. Đây cũng là thời điểm các mặt hàng handmade (tự làm thủ công), buôn bán qua mạng ngày càng được ưa chuộng. Chỉ cần tạo được lòng tin của khách hàng thì những sản phẩm mứt, bánh tự làm sẽ vô cùng đắt khách.
|
Thực phẩm “nhà làm” hút khách trên mạng xã hội |
Những ngày này, dạo một vòng quanh các "chợ" thực phẩm trên các diễn đàn webtretho, lamchame, vatgia hay các trang facebook… không khó để tìm thấy những quảng cáo về thực phẩm nhà làm, đặc sản nhà quê. Các mặt hàng ở đây đa dạng không kém gì ngoài chợ, thậm chí còn nhiều hơn. Chị em chỉ cần ngồi một chỗ, lướt chuột là có thể mua được hầu hết những sản phẩm phục vụ cho mùa Tết.
Hiện nay các mặt hàng được rao bán nhiều nhất thường là mứt, thịt trâu gác bếp, thịt bò khô, măng khô, mộc nhĩ… Nhằm đánh vào lòng tin của khách hàng tất cả đều được người bán chào mời là thực phẩm nhà làm, đảm bảo vệ sinh, không sử dụng chất bảo quản, phụ gia, phụ phẩm nào.
Năm nay, mứt dừa trên thị trường còn có một số màu tự nhiên như: Màu cam của gấc; màu tím của lá cẩm; màu xanh của lá dứa; màu nâu của cà phê… Giá bán dao động từ 150.000 - 300.000 đồng/kg. Giò me, giò bò nghệ an có giá từ 250.000 – 350.000 đồng/kg; thịt bò khô có giá 800.000 – 900.000 đồng/kg; thịt trâu gác bếp có giá khoảng 900.00 đồng/kg. Còn giá xúc xích, lạp sườn thì vô kể, có nơi bán 200.000đ/kg, có nơi giá chỉ còn 170.000đ/kg. Phần lớn giá các sản phẩm được bán cao hơn giá bán ở chợ khoảng 50%.
Đa số những người kinh doanh đồ ăn handmade ở quy mô nhỏ, vì loại thực phẩm này thường bán qua kênh bạn bè, gia đình, người quen… và được “chứng nhận” bằng mắt thấy, tai nghe về nguồn gốc thực phẩm cũng như cách thức chế biến. Tuy nhiên, không ít các "bếp" kinh doanh đồ ăn homemade chuyên nghiệp đã nhận được hàng chục nghìn like trên mạng xã hội.
Chị Lê Thị An (Giải Phóng, Đống Đa) là một nhân viên văn phòng cho biết ở Nghệ An quê chị có làng làm giò me, giò bò khá nổi tiếng. Những năm gần đây nhận thấy nhu cầu của người dân về nhóm thực phẩm này tăng cao nên chị quyết định nhập về kinh doanh thử. Năm đầu tiên, chỉ trong vòng 1 tuần giáp Tết chị đã bán được hơn 50kg giò. Có những khách hàng ăn thử thấy ngon muốn đặt thêm nhưng không đủ hàng. Rút kinh nghiệm từ năm ngoái, năm ngay chị quyết định đặt hẳn 100 kg.
“Gần một tháng nữa mới đến Tết nhưng hơn một nửa số giò đã được người ta đặt cọc. Người mua chủ yếu là người nhà, các bạn bè thân thiết nên tôi bán hàng với giá cả khá hợp lý, chỉ giao động khoảng 270.000 – 300.000 đồng/kg. Mặc dù là hàng do người nhà làm nhưng tôi vẫn rất cẩn thận xuống tận nơi kiểm tra để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Mình làm ăn phải có uy tín thì người ta mới mua lâu dài” – chị Anh chia sẻ.
Cùng bán hàng online như chị An, chị Lê Thị Hiền (Lý Tự Trọng, Hà Đông) lại bán những mặt hàng do chính tay mình làm với sản phẩm chủ yếu là các loại mứt. Chị này cho biết: “Ngày trước lúc có thời gian rảnh rỗi tôi thường hay làm các loại mứt rồi mời bạn bè ăn thử. Mọi người thấy ngon nên động viên tôi làm nhiều để bán. Chứ thực ra lúc đầu tôi cũng không có ý định kinh doanh mặt hàng này. Vì làm thủ công tại nhà tốn rất nhiều thời gian, công sức, chi phí lại cao. Lúc bán ra thị trường giá sẽ nhỉnh hơn so với bên ngoài khá nhiều. Tuy nhiên, mọi người có vẻ không quan tâm tới vấn đề này lắm. Họ chỉ cần ngon, sạch sẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh là chính”.
Được biết thực phẩm nhà làm đang rất được các chị em nội trợ ưa chuộng dù giá cả cao hơn ngoài chợ. Tính toán ra, khi đã trừ đi các chi phí nguyên vật liệu thì ít nhất người kinh doanh cũng lời được khoảng từ 50.000 – 150.000 đồng/kg. Một khoản lợi nhuận không hề nhỏ.
Cẩn trọng với chất lượng
Những năm gần đây, nhiều bà nội trợ đã tìm đến người thân, bạn bè để mua các sản phẩm handmade với hy vọng sẽ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đánh trúng tâm lý này, nhiều trang mạng rao bán “thực phẩm handmade không phụ gia, không hóa chất bảo quản”, “thực phẩm quê an toàn”, “thực phẩm nhà làm uy tín, chất lượng”… và đăng những hình ảnh bắt mắt, giá cao hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại ở cửa hàng, siêu thị, chợ.
Hàng hóa đa dạng, thực phẩm phong phú nhưng theo quan sát của phóng viên, hầu hết những sản phẩm bán trên chợ mạng được quảng cáo “nhà làm” đều không có nhãn mác hay bất kỳ một thông tin gì về sản phẩm. Nếu có, họa chăng chỉ là do người bán tự giới thiệu mà thôi.
Một số người từng mua thực phẩm "nhà làm" trên chợ online cho biết họ mua vì niềm tin vào người bán. Vì người bán là bạn bè, người thân quen, do bạn bè giới thiệu, nên họ tin tưởng. Còn về quy trình sản xuất hay giấy tờ chứng nhận hầu như khi hỏi người bán đều không xuất trình được. Cho nên, đã từng xảy ra nhiều trường hợp, “treo đầu dê, bán thịt chó” ảnh quảng cáo một đường, lúc giao hàng lại một nẻo, chất lượng cũng rất phập phù.
Theo một số chuyên gia, hiện nay việc buôn bán thực phẩm gọi là “nhà làm” trên các mạng xã hội là khá phổ biến.
Tuy nhiên, không phải nơi nào rao bán những sản phẩm nhà làm cũng là hàng đảm bảo chất lượng, có một số nơi chỉ xem đây là chiêu trò quảng cáo để thu hút khách hàng nhằm bán các sản phẩm không đảm bảo với giá cao. Chính vì thế khi mua hàng người tiêu dùng phải biết thật chính xác nguồn gốc của thực phẩm đó chứ không chỉ nghe qua quảng cáo, vì trường hợp chỉ nghe qua quảng cáo nhưng lại gặp phải hàng kém chất lượng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.
Trên phương diện pháp luật, Luật sư Phan Tiến Duy (Giám đốc văn phòng luật sư DLS) cho biết, hiện nay chưa có quy định nào quy định cụ thể, chi tiết đối với việc bán hàng thực phẩm trên mạng xã hội, cũng như chưa có đơn vị, cơ quan nào chuyên trách kiểm tra, kiểm soát chất lượng thực phẩm này. Tuy nhiên, theo Luật An toàn thực phẩm đã là thực phẩm thì phải bảo đảm an toàn vệ sinh cho người sử dụng bất kể bán ở đâu, bằng hình thức nào.
Cụ thể, Theo Luật An toàn thực phẩm, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật chất lượng sản phẩm hàng hoá thì thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn; phụ gia thực phẩm; chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; Dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
Thực phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường cho đến khi quy chuẩn kỹ thuật tương ứng được ban hành và có hiệu lực.
“Mua sắm thực phẩm “nhà làm” là nhu cầu chính đáng của người dân nhất là vào những dịp lễ tết. Tuy nhiên, thực phẩm, một khi đã được thương mại hóa, được marketing qua Facebook thì buộc phải tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm. Người chế biến và người bán phải chịu trách nhiệm về sản phẩm kinh doanh của mình. Vấn đề là quy định như thế nào để người chế biến tại gia có thể tuân thủ, nhằm hạn chế rủi ro về an toàn cho người tiêu dùng” – luật sư Phan Tiến Duy nhấn mạnh.