Sáng sớm 8-12 vừa qua, lực lượng liên ngành gồm Cảnh sát Môi trường, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công an xã Tân Lập, huyện Ðồng Phú, tỉnh Bình Phước đã kiểm tra, bắt quả tang xe ô-tô tải chở 900 kg mỡ động vật và 500 kg da trâu bò không rõ nguồn gốc, xuất xứ và đã bốc mùi hôi thối, đang vận chuyển về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ...
Nếu không được ngăn chặn kịp thời, số thực phẩm bẩn này có thể sẽ là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra những vụ ngộ độc mới, kéo dài thêm danh
sách nạn nhân ngộ độc thực phẩm trên cả nước, mà theo Tổng cục Thống kê trong 11 tháng qua đã lên tới 2.847 người, trong đó có hàng chục trường hợp tử vong.
Theo Cục
an toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, 10 tháng qua, Cục đã kiểm tra và thu hồi hàng trăm giấy phép, xử phạt gần sáu tỷ đồng đối với 99 doanh nghiệp vi phạm các quy định về
ATTP. Cục cũng đã yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý, kiểm soát các loại thực phẩm phổ biến trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 sắp tới, nhất là
thịt,
bánh,
mứt,
kẹo, rượu,
bia,
nước giải khát, bảo đảm sự tuân thủ các quy định nhãn mác rõ ràng,
kiểm nghiệm sản phẩm, sử dụng
phụ gia thực phẩm, kiên quyết không để các sản phẩm không bảo đảm trà trộn trên thị trường...
Thực tế đã và đang cho thấy, thời gian gần đây, hàng thực phẩm được gắn đuôi "an toàn", "hữu cơ" hoặc "định hướng hữu cơ" được bày bán khá phong phú, song người tiêu dùng vẫn lúng túng và khó kiểm chứng chất lượng trước "ma trận" thực phẩm sạch - bẩn, thật - giả lẫn lộn...
Ngày 26-11-2018, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 47/2018/QÐ-TTg (có hiệu lực từ ngày 10-1-2019) về thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố của chín tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Ðà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Ðồng Nai, Gia Lai. Theo Quyết định này, thanh tra chuyên ngành được thực hiện ở tất cả các đơn vị hành chính cấp huyện, xã của TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và cao nhất 25% số đơn vị hành chính cấp huyện, xã tại bảy tỉnh, thành phố còn lại; với thời gian kéo dài là một năm, bắt đầu từ ngày 10-6-2019.
Nội dung thanh tra là việc thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật, quy định về ATTP đối với sản xuất, kinh doanh,
nhập khẩu thực phẩm và sản phẩm thực phẩm do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành, cũng như do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố; các hoạt động quảng cáo, ghi nhãn đối với thực phẩm thuộc phạm vi quản lý; các hoạt động chứng nhận hợp quy, kiểm nghiệm ATTP và thực hiện các quy định khác của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Từ thực tiễn triển khai Quyết định số 38/2015/QÐ-TTg về thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trước nay cho thấy, để đạt kết quả cao, thanh tra chuyên ngành ATTP các cấp cần phối hợp chặt chẽ với nhau và với các đơn vị chức năng khác, hình thành lực lượng và kịch bản phản ứng nhanh về ATTP; tăng cường quản lý theo chuỗi thực phẩm, từ nguồn gốc, quá trình
chế biến đến lưu thông, tiêu thụ. Ðồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền và phát triển các cách thức và dịch vụ kiểm nghiệm nhanh thực phẩm tại chỗ. Các cán bộ tham gia thanh tra cần được đào tạo nghiệp vụ tốt và được bảo vệ an toàn; vừa khắc phục tâm lý ngại va chạm, nể nang họ hàng, làng xóm, vừa phòng tránh trường hợp lạm dụng quyền hạn, "bảo kê" các hành vi sai trái tại địa phương.
Thực hiện tốt thanh tra chuyên ngành ATTP đồng bộ ở các cấp là đòi hỏi cấp thiết và công cụ quan trọng thực hiện quyền lực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và huy động nguồn lực xã hội cho bảo đảm ATTP, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của đơn vị sản xuất, hộ kinh doanh, kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP, đẩy lùi thực phẩm "bẩn" ra khỏi thị trường, bảo vệ môi trường và chất lượng sống của cộng đồng