10/12/2018
4.6/5 trong 5 lượt Từ đầu năm 2018 đến nay, tại các quận nội thành của Hà Nội đã xây dựng và đưa vào hoạt động nhiều mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” đáp ứng 10 tiêu chí an toàn thực phẩm. Nhờ đó, ý thức của người kinh doanh được nâng lên rõ rệt, tư duy “mạnh ai, nấy làm” dần được thay đổi.
Những tuyến phố ăn uống kiểu mẫu
Đến nay, quận Long Biên đã triển khai xây dựng “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” tại 24 tuyến phố ở 13 phường, trong đó đã có 4 tuyến phố đạt và được công nhận “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”. Bà Đinh Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên cho biết, quận triển khai mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” theo khung tiêu chí bắt buộc mà Sở Y tế Hà Nội ban hành.
Theo đó, tiêu chí là một tuyến phố có ít nhất 20 cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố phải bảo đảm về cơ sở vật chất, đáp ứng các điều kiện về an toàn thực phẩm. Tuyến phố nào đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này, được cơ quan chức năng của quận, phường thẩm định mới được công nhận và được gắn biển.
Theo bà Đinh Thị Thu Hương, những cửa hàng đã được gắn biển là cơ sở an toàn thực phẩm có kiểm soát cũng phải công khai giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm, bản cam kết, các nguyên tắc vàng khi chế biến thực phẩm… để người tiêu dùng dễ nhận biết.
Đặc biệt, tất cả các cơ sở ăn uống tại tuyến phố điểm này sẽ được lực lượng chức năng của quận và phường sở tại tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ. Bước đầu, khi những “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” đi vào hoạt động, ý thức của người kinh doanh, người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm đã được nâng lên.
Tuy nhiên, để có thể triển khai thành công mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”, đưa các hộ kinh doanh vào nền nếp cũng không phải việc dễ dàng. Mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” cũng đã được thực hiện tại phố Thượng Đình (phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân) vào đầu năm 2018 với 27 cơ sở dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố, thường xuyên tiếp đón lượng khách hàng lớn mỗi ngày.
Bà Phạm Hồng Diệp, Trưởng phòng Y tế quận Thanh Xuân cho biết, trước đây, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống tại tuyến phố này chủ yếu hoạt động tự phát, “mạnh ai, nấy làm”, không chú trọng nhiều đến nguồn gốc thực phẩm. Bởi vậy, thời gian đầu, để chuyển sang một mô hình mới là việc không hề đơn giản.
Chính quyền địa phương xác định, phải tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, bài bản, đưa các hộ kinh doanh vào nền nếp. Quận đã tổ chức kiểm tra sức khỏe, tập huấn 10 tiêu chí an toàn thực phẩm, 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm và hướng dẫn các quán hàng khắc phục điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, cung cấp thông tin địa chỉ các đơn vị kinh doanh thực phẩm sạch để họ lựa chọn…
Tái thẩm định, xử lý nghiêm vi phạm
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên cơ sở triển khai bước đầu thí điểm 8 tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố bảo đảm an toàn thực phẩm có kiểm soát ở 8 quận, huyện, thành phố sẽ quy hoạch thêm các tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có kiểm soát, kiên quyết dẹp bỏ các cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Thời gian tới, các đoàn thanh tra, kiểm tra từ thành phố, đến các quận, huyện và xã, phường, thị trấn tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất tại nơi kinh doanh dịch vụ ăn uống, truy tận gốc, nếu phát hiện nguồn gốc thực phẩm không bảo đảm an toàn...
Bà Đinh Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên cho rằng, cùng với quyết tâm của thành phố nói không với thực phẩm “bẩn” và cơ sở kinh doanh không bảo đảm an toàn, mỗi năm, quận cố gắng triển khai thực hiện từ 3 đến 5 tuyến phố đạt chuẩn “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”. Để mô hình này hoạt động hiệu quả, sau khi được công nhận, quận sẽ kiểm tra và thẩm định lại, nếu phát hiện vi phạm sẽ không công nhận tuyến phố đó nữa.
Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội khẳng định, để phát huy hiệu quả những mô hình tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm, cần ý thức, trách nhiệm của cả ba bên: Cơ quan quản lý, hộ kinh doanh, người tiêu dùng.
Ngoài sự vào cuộc quyết liệt, tăng cường thanh, kiểm tra, xử nghiêm vi phạm của cơ quan quản lý, ý thức trách nhiệm của người kinh doanh, rất cần ý thức của người tiêu dùng nói “không” với thực phẩm không an toàn; kịp thời cung cấp thông tin khi phát hiện nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm cho cơ quan chức năng, khai báo ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm… Xuân Lộc