Người sản xuất kinh doanh chấp nhận theo đuổi sản phẩm hữu cơ, nông sản sạch là đã nghĩ đến cộng đồng
Trong năm 2018, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh tổ chức chương trình giới thiệu, quảng bá thực phẩm an toàn và đặc sản vùng miền tại các kênh bán lẻ hiện đại, thực hiện mục tiêu kết nối nguồn hàng thực phẩm bảo đảm an toàn vào hệ thống phân phối tại địa phương.
Đây là một trong những hoạt động thiết thực thuộc khuôn khổ Dự án An toàn thực phẩm thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số của cả nước và nhận được sự hưởng ứng tích cực của các sở ngành, doanh nghiệp địa phương.
*Mở đường cho nông sản vào siêu thị
Tính đến nay, Bộ Công Thương đã phối hợp với sở, ngành, doanh nghiệp địa phương, tăng cường khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn; hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa đặc sản tại các hệ thống siêu thị ở các tỉnh, thành phố lớn. Cụ thể, hoạt động giới thiệu, quảng bá thực phẩm an toàn và đặc sản vùng miền tại các kênh bán lẻ hiện đại đã được triển khai ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trở thành một địa chỉ tin cậy và là cầu nối giúp hàng Việt nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng, giá thành.
Người dân Tp. Hồ Chí Minh có cơ hội dùng thử sản phẩm đặc sản nhiều vùng, miền núi phía Bắc. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN
Ghi nhận tại Tp. Hồ Chí Minh, vào thời điểm cuối năm 2018 diễn ra nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá hàng Việt và nông sản, đặc sản địa phương; trong đó, “Tuần lễ đặc sản Tây Bắc và các tỉnh miền núi phía Bắc” được Tập đoàn Central Group tổ chức tại siêu thị Big C An Lạc và 15 siêu thị ở các tỉnh, thành khác đã tạo cơ hội cho các đơn vị sản xuất, phân phối đưa thực phẩm an toàn vào hệ thống siêu thị này. Đặc biệt, giúp các nhà cung cấp, hộ sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ở các địa phương mở rộng mạng lưới phân phối vào kênh bán lẻ hiện đại.
Bà Lê Thị Mai Linh, Phó Chủ tịch Quan hệ Đối ngoại Tập đoàn Central Group Việt Nam cho rằng, việc Tuần lễ đặc sản Tây Bắc và các tỉnh miền núi phía Bắc lần đầu tiên được thực hiện ở khu vực phía Nam không nằm ngoài mục tiêu hỗ trợ quảng bá hàng Việt, kích cầu tiêu dùng, tạo giá trị gia tăng và xây dựng thương hiệu cho nông sản. Đồng thời, chủ động tạo điều kiện cho hàng Việt đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Tương tự, đại diện Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, song song với hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, ITPC còn chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường trong nước, nhất là các kênh phân phối hiện đại. Thời gian qua, ITPC đã hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị như Aeon, LotteMart, BigC, Co.opMart và SatraMart.
Đặc biệt, ITPC đã phối hợp với Aeon tổ chức chương trình Tuần lễ sản phẩm doanh nghiệp Việt Nam tại Aeon Tân Phú, giúp doanh nghiệp mang các sản phẩm đạt tiêu chuẩn giới thiệu trực tiếp cho người tiêu dùng và kết nối trực tiếp doanh nghiệp với bộ phận thu mua của Aeon.
Đơn cử, “Tuần lễ sản phẩm doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh tại Việt Market” và Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp với Trung tâm thương mại Việt Market, quận 6, do ITPC phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức đã thu hút cộng đồng doanh nghiệp trưng bày 76 gian hàng. Theo đó, các doanh nghiệp chủ yếu giới thiệu sản phẩm thuộc các ngành hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản, lương thực, thực phẩm…
Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, hiện nay một số hệ thống phân phối hiện đại như Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), Big C, Fivimart, LOTTE Mart… đã phối hợp chắt chẽ với vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương và Sở Công Thương một số tỉnh, thành phố tổ chức sự kiện trưng bày, giới thiệu đặc sản an toàn vào hệ thống siêu thị.
Trong đó, có thể kể đến Hội chợ hải sản Phú Quốc, Chợ quê đặc sản cuối tuần; Tự hào hàng Việt… Các sản phẩm này được Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia kiểm nghiệm và công bố, từ đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Bà Lê Việt Nga cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố chung tay, góp sức phối hợp hơn nữa để triển khai chương trình giới thiệu, quảng bá thực phẩm an toàn và đặc sản vùng miền tại các kênh bán lẻ hiện đại, nhằm thúc đẩy thay đổi hành vi, ý thức người tiêu dùng trong vấn đề lựa chọn thực phẩm an toàn nói chung và nông sản, đặc sản an toàn nói riêng.
Đây là hoạt động quan trọng, góp phần quyết định tạo nên thói quen tiêu dùng sản phẩm an toàn, tạo ra xu hướng nâng cao ý thức tiêu dùng của người dân hiện nay.
*Hỗ trợ nâng cao chất lượng hàng hóa
Trải qua khoảng 150 buổi họp chợ, Phiên chợ Xanh - Tử tế mở cửa hoạt động đều đặn vào mỗi cuối tuần (thứ 7 và chủ nhật) ở 134A Pasteur, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh. Điểm nổi bật của Phiên chợ này, là người bán - người mua đến với nhau trước hết bằng cái "tâm" của người làm nông và sự uy tín trên cơ sở đáp ứng đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm. Đồng thời, người tiêu dùng thành phố ưa chuộng những sản phẩm nông sản địa phương độc đáo, tươi ngon và sạch thì Phiên chợ Xanh - Tử tế là một điểm đến đáng tin cậy.
Phiên chợ Xanh - Tử tế thực hiện mục tiêu đưa nông sản chế biến, thực phẩm sạch trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Ảnh minh họa: TTXVN
Song song đó, trong bối cảnh tài nguyên bản địa của Việt Nam phong phú và đa dạng, nhưng nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động hiệu quả, có sản phẩm đạt chất lượng vẫn gặp rào cản kết nối với thị trường, nhất là mạng lưới phân phối và kênh bán lẻ tại các thành phố lớn. Phiên chợ Xanh - Tử tế vượt qua những thách thức về tổ chức, quản lý... để thực hiện mục tiêu đưa nông sản chế biến, thực phẩm sạch trực tiếp đến tay người tiêu dùng.
Hiện nay, với sự tham gia của Câu lạc bộ Thanh niên sáng tạo khởi nghiệp - SKC các tỉnh, thành; câu lạc bộ đặc sản làng nghề các địa phương; các công ty, cơ sở, nhà sản xuất nông đặc sản... thông qua việc bán hàng tại phiên chợ, người sản xuất có cơ hội trải nghiệm, nâng cao kỹ năng tiếp thị, bàn hàng. Đồng thời, tiếp cận và hiểu biết thêm nhu cầu của người tiêu dùng để có phương án trồng trọt, chế biến sản phẩm phù hợp, chất lượng.
Bà Vũ Kim Anh, Trưởng Ban tổ chức Phiên chợ Xanh - Tử tế, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho hay, người tiêu dùng đến Phiên chợ Xanh - Tử tế xuất phát từ niềm tin, nhưng không thể "lạm dụng" vì khó bền vững. Do đó, từ việc ghi nhận những phản ánh của người tiêu dùng, các đơn vị sản xuất kinh doanh đã từng bước cải tiến sản phẩm để tăng giá trị gia tăng sản phẩm cũng như lợi thế cạnh tranh hàng hoá.
Mặt khác, Phiên chợ Xanh - Tử tế đã xác định cho mình hướng đi riêng so với những mô hình chợ phiên trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, vì ở đây không chỉ bán hàng hóa mà còn thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động như giao lưu, chia sẻ kinh nghiệp sản xuất, cách thức chọn mua hay bảo quản rau, củ, quả; hội thảo với các chuyên đề về kỹ năng bán hàng, buôn bán, trồng rau an toàn, đạt chuẩn các giấy phép về an toàn thực phẩm...
Đặc biệt, các doanh nghiệp không chỉ bán hàng, mà còn giới thiệu quy trình sản xuất, nguồn gốc sản phẩm, cách bảo quản... đến người tiêu dùng. Chính vì vậy, người bán phải hiểu rõ nguồn gốc sản phẩm mình bán, tư vấn cho khách hàng và nhất là giải đáp thắc mắc.
Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Viên, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Hương Đất, trên thị trường có rất nhiều Triển lãm, Hội chợ, Phiên chợ... nhưng Phiên chợ Xanh - Tử tế là tạo được uy tín không chỉ đối với người tiêu dùng mà kể cả các đơn vị sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, trong bối cảnh người tiêu dùng nơm nớp lo ngại vấn đề thực phẩm không an toàn, cần những hoạt động thiết thực khuyến khích các đơn vị sản xuất kinh doanh luôn cố gắng tìm tòi, khám phá ra những cách thức trồng sạch và áp dụng công nghệ trong chế biến, bảo quản để mang đến những sản phẩm vừa tiện lợi vừa an toàn cho người dùng.
Đồng quan điểm, một số chuyên gia cho rằng, người sản xuất kinh doanh chấp nhận theo đuổi sản phẩm hữu cơ, nông sản sạch là đã nghĩ đến cộng đồng, nhưng vấn đề đặt ra là làm sao nâng cao nhận thức của người dân về việc chọn lựa sản phẩm an toàn và có lợi cho sức khỏe.
Chính vì vậy, các đơn vị sản xuất kinh doanh cần những điểm bán, không chỉ dừng lại ở phân phối hàng hóa, mà còn có điều kiện tiếp xúc người tiêu dùng, thông tin về quy trình trồng trọt, chăn nuôi; đồng thời cung cấp kiến thức phân biệt rau củ, quả được trồng thông thường, sử dụng phân hóa học, phương pháp hữu cơ.../.