0908.326.779 - 0906.362.707
 

Tiêu chuẩn nào để nông sản thông hành quốc tế?

24/12/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Tiêu chuẩn nào để nông sản thông hành quốc tế?
Để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như xuất khẩu chính ngạch vào thị trường quốc tế, doanh nghiệp phải đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật.

Ngày 21/2, tại hội thảo “Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chính ngạch vào các thị trường phát triển” do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp cùng các đơn vị khác tổ chức, các chuyên gia cho rằng, để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như xuất khẩu chính ngạch vào thị trường quốc tế, doanh nghiệp phải đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật.

Theo đó, công thức phổ biến có thể áp dụng là tiêu chuẩn cộng chuỗi giá trị, công nghệ và thương mại hóa nông sản hiệu quả.

Cụ thể, doanh nghiệp cần đạt tiêu chuẩn GlobalGAP - một trong những công cụ và tiêu chuẩn để hàng hóa có thể “thông hành” quốc tế.

Tuy nhiên, đạt được tiêu chuẩn không chưa đủ, doanh nghiệp cần cam kết và công khai minh bạch thông tin trên thị trường như doanh nghiệp đạt GlobalGAP không được dán logo mà chỉ được cấp mã số.

Đối với các sản phẩm đạt GlobalGAP, người tiêu dùng chỉ cần quét mã số này sẽ xác định được sản phẩm có đạt GlobalGAP hay chưa.

Đồng thời, việc không cho phép dán GlobalGAP còn giúp doanh nghiệp tránh tình trạng hàng giả, hàng nhái và sử dụng logo không kiểm soát trên thị trường.

Ông Phạm Việt Anh, đại diện GlobalGAP tại Việt Nam cho biết, hiện tại tiêu chuẩn GlobalGAP có hai cấp độ là cấp độ cơ bản và trung gian.

Theo đó, tiêu chí mỗi cấp độ có sự khác nhau, như ở cấp độ trung gian sẽ có thêm những tiêu chí về an toàn chất lượng sản phẩm.

Còn những sản phẩm đạt chất lượng cao hơn thì không thể quay về chất lượng thấp hơn. Bên cạnh đó, có 3 bước, gồm: liên hệ đơn vị tư vấn, được cấp số quản lý của GlobalGAP và cuối cùng là tuân thủ cam kết đạt GlobalGAP. Việc tuân thủ này sẽ được đánh giá và kiểm tra định kỳ hoặc giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hiện nay, ngành nông sản, rau củ, quả tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, Việt Nam nói chung, rất đa dạng và được thị trường thế giới ưa chuộng. Nhưng thực trạng hiện nay tồn tại nhiều bất cập như manh mún, tự phát, chưa theo sát thị trường…

Điều này dẫn đến sản xuất bấp bênh, giá thành bất ổn, nên chưa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, vẫn trong vòng lẩn quẩn “được mùa, mất giá”.

Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần rau quả thực phẩm An Giang (ANTESCO),ông Nguyễn Công Luận cho hay, khi đời sống người dân tăng cao, nhu cầu tiêu dùng tăng theo, nhất là vấn đề an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu tại nhiều quốc gia.

Người tiêu dùng đặc biệt quan tâm đến vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đòi hỏi các đơn vị sản xuất phải tuân thủ tiêu chuẩn ISO, GMP, ISO, HACCP, Global Gap, Organic… và thậm chí là các quy định về tuân thủ trách nhiệm xã hội theo thông lệ quốc tế.

Việc xuất khẩu nông sản Việt Nam vừa thuận lợi, vừa khó khăn, đòi hỏi người nông dân, người sản xuất phải thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, ứng dụng công nghệ vào việc trồng trọt và cải tạo môi trường. Từ đó, hướng đến phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả và nhân rộng một số mô hình từ các quốc gia tiên tiến.

Dẫn chứng cụ thể, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam là ngành nông nghiệp “giải cứu” và trong thực tế thời gian qua đã không ngừng giải cứu nhiều mặt hàng như dưa hấu, thanh long, ớt…

Điều này xuất phát từ vấn đề sản xuất và quy hoạch trồng trọt, đồng thời chưa có những chiến lược dài hạn tính đến gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, nên dẫn đến tình trạng lượng cung ứng lớn nhưng không thể xuất khẩu.

Sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến được giới thiệu tại Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2018 - Vietnam Foodexpo 2018. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN

Đặc biệt, trở ngại lớn nhất của doanh nghiệp và nông dân Việt Nam chính là tâm lý đối phó với các cơ quan chức năng chỉ đáp ứng những yêu cầu về chứng nhận tiêu chuẩn liên quan.

Theo đó, dễ nhận thấy nhất là tình trạng mua chứng nhận tràn lan, còn quá trình cung ứng sản phẩm thì chỉ đáp ứng thời gian đầu, sau đó chất lượng suy giảm…

Ngoài ra, hình thức và mẫu mã bao bì sản phẩm của hàng nông sản Việt Nam chưa được đầu tư đúng mức cũng như tuân thủ quy định xuất khẩu thị trường toàn cầu.

Theo các báo cáo nghiên cứu khảo sát, tiêu chuẩn về chất lượng nông sản mà các thị trường này đặt ra ngày một cao. Để tiếp cận được thị trường và đến tay người tiêu dùng nước ngoài, nông sản Việt phải đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia của nước sở tại về an toàn và chất lượng.

Nếu chỉ mang một sản phẩm tốt nhưng không có bất kỳ tiêu chuẩn nào được chứng nhận thì chắc chắn sẽ khó tiếp cận cả các hệ thống phân phối trong nước chứ đừng nói đến thị trường xuất khẩu.

Trong bối cảnh hội nhập, vai trò của các thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế rất quan trọng, nhất là các nước ngày càng có xu hướng gia tăng rào cản kỹ thuật, bảo hộ thương mại.

Không chỉ thị trường toàn cầu, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại của Công ty Kantar Worldpanel Việt Nam cho biết, với tiềm năng tiêu dùng của thị trường bán lẻ về nông sản, thực phẩm ở Việt Nam hiện nay, nhà sản xuất cần cung cấp, tuyên truyền các lợi ích sức khỏe từ sản phẩm cho người tiêu dùng.

Mặt khác, các nhà sản xuất phải không ngừng nỗ lực đa dạng những sản phẩm mà người tiêu dùng đang hướng đến nhiều hơn trong mua sắm và tiêu dùng.

Dự báo trong thời gian tới, thị trường bán lẻ nông sản, thực phẩm Việt Nam có nhiều tín hiệu lạc quan. Trong đó, có 3 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng liên quan đến an toàn thực phẩm, sức khỏe và các vấn đề về môi trường.

Ngoài ra, xu hướng sử dụng sản phẩm hữu cơ, hướng đến những sản phẩm sạch, an toàn tăng lên, nhất là người dân khu vực thành thị.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, năm nay tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản ước đạt khoảng 40 tỷ USD, tăng gần 4 tỷ USD so với năm 2017, dù chịu nhiều thách thức về biến đổi khí hậu.

Song song đó, trong năm 2018, nền kinh tế Việt Nam lẫn lĩnh vực nông nghiệp đã hội nhập rất sâu vào thị trường thế giới khi bên cạnh các Hiệp định Thương mại tự do từng bước đi vào giai đoạn có hiệu lực và tiếp tục đàm phán ký kết thêm một số Hiệp định mới.

Từ đó, có thể thấy làn sóng hội nhập đã chạm ngõ rất gần với các doanh nghiệp trong nước, nên các nhà sản xuất cần phải chủ động về thị trường để thích nghi với thị trường toàn cầu.

Để đồng hành cùng doanh nghiệp, các Bộ ngành đã và đang định hướng thị trường, gắn với quy hoạch vùng trồng, vùng sản xuất và các giải pháp nhằm bảo đảm sự ổn định ngành nông nghiệp Việt Nam, trong đó có mặt hàng nông sản thực phẩm.

Đặc biệt, vấn đề xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản thực phẩm Việt Nam đáp ứng các thị trường phát triển là những yếu tố cần thiết giúp các mặt hàng này có thể thâm nhập nhiều thị trường xuất khẩu cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thông qua đó, từng bước giảm tình trạng các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhà xuất khẩu chủ yếu là xuất khẩu nông sản thô, chưa qua chế biến, không theo chính ngạch./

Mỹ Phương/TTXVN