Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam luôn coi trọng việc bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác chống hàng giả, thực thi quyền SHTT vẫn gặp nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp, nhất là ở các địa bàn trọng điểm như TP Hồ Chí Minh
Để trấn áp hàng hóa giả mạo, Bộ trưởng Công thương đã ban hành Quyết định số 334/QĐ-BCT ngày 24-1-2018 về đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm đến hết năm 2020. Thực hiện chủ trương này, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh đã đồng loạt ra quân kiểm tra hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên địa bàn thành phố. Mới đây, tại chợ Bến Thành (quận 1), Chi cục QLTT thành phố chia thành năm đội đồng loạt kiểm tra 20 điểm kinh doanh có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu các loại. Qua đó, phát hiện, tạm giữ 3.284 sản phẩm như: đồng hồ, phụ kiện điện thoại, mắt kính, bóp ví... có dấu hiệu hàng giả, hàng lậu. Trong đó, có 1.380 sản phẩm, hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam như: Omega, Montblanc, Longines, Chanel, Rolex… và 1.904 sản phẩm hàng lậu. Tại thời điểm kiểm tra, các điểm kinh doanh này không xuất trình được các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Chi cục QLTT thành phố đã tiến hành lập biên bản, niêm phong các loại hàng hóa vi phạm để phối hợp các cơ quan chức năng tiến hành điều tra.
Có mặt cùng với đoàn kiểm tra, ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công thương) cho biết: “Hàng giả bày bán ở chợ Bến Thành trong nhiều năm qua ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng. Do đó, cần tăng cường kiểm tra, đưa ra các biện pháp, chế tài mạnh để xử lý, tránh tình trạng cơ quan chức năng kiểm tra xong, việc bày bán hàng giả, hàng lậu lại tái diễn”. Chỉ tính từ ngày 18-4 đến 10-5, lực lượng QLTT thành phố đã kiểm tra trên địa bàn 34 vụ có dấu hiệu vi phạm là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, phát hiện và tạm giữ 5.542 sản phẩm hàng giả, hàng lậu... Tuy nhiên, đây chỉ là số lượng nhỏ so với thực trạng hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng... được bày bán tràn lan và dường như công khai tại TP Hồ Chí Minh.
Chi cục phó Chi cục QLTT thành phố Nguyễn Văn Bách thừa nhận: “Hàng gian, hàng giả không chỉ bày bán ở chợ Bến Thành mà còn bán ở nhiều chợ và trung tâm thương mại khác trên địa bàn. Số lượng bắt giữ, phát hiện hàng hóa vi phạm ngày càng nhiều. Điều này cho thấy hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm SHTT diễn biến hết sức phức tạp theo chiều hướng gia tăng. Tuy đã đạt nhiều kết quả khả quan nhưng chúng tôi nhận thấy chưa đáp ứng được yêu cầu của Nhà nước và vẫn còn gây bức xúc đối với người dân”.
Ông Bách cũng cho biết thêm: Chi cục QLTT thành phố thường xuyên kiểm tra và hầu như tuần nào cũng phát hiện các hành vi kinh doanh, chứa trữ hàng giả. Tuy nhiên, mức xử phạt đối với hành vi kinh doanh giả mạo nhãn hiệu hàng hóa hiện nay vẫn thấp, chưa đủ sức răn đe cho nên vì lợi nhuận, họ vẫn bất chấp để trở lại kinh doanh hàng giả, hàng lậu. Trong thời gian tới, mặc dù chúng tôi sẽ làm quyết liệt hơn, nhưng cũng cần sự phối hợp vào cuộc của các ban, ngành và cả của người tiêu dùng để việc ngăn chặn vấn nạn hàng giả, hàng lậu đạt hiệu quả cao. Chi cục QLTT thành phố đã chỉ đạo các lực lượng QLTT các quận, huyện đẩy mạnh công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, có kế hoạch chống hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn từ nay cho đến năm 2020. Trong đó, tập trung triển khai, thực hiện chuyên đề dài hạn chống hàng giả trên địa bàn thành phố để tổng kiểm tra trên diện rộng, huy động toàn lực lượng vào cuộc với quyết tâm làm triệt để. Kế hoạch kiểm tra sẽ được triển khai thường xuyên và đồng loạt tại các cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại.
Tại hội thảo “Nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ” do Cục QLTT (Bộ Công thương) phối hợp Cơ quan Xúc tiến thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, ông Yoon Jooyoung, Tổng Giám đốc KOTRA, Trưởng thương vụ trực thuộc Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh nhận định: “Số liệu đăng ký bảo hộ quyền SHTT tại Việt Nam cho thấy, sự nỗ lực và quan tâm bảo vệ quyền SHTT của các cá nhân và doanh nghiệp ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn hàng giả lưu thông trên thị trường và nhiều vụ việc xâm phạm quyền SHTT đã và đang xảy ra”. Từ thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng kém chất lượng... đang diễn ra khá phức tạp không chỉ riêng ở TP Hồ Chí Minh mà còn trên khắp cả nước, các chuyên gia đưa ra khuyến nghị về cơ chế chính sách nhằm nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT tại Việt Nam là cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, khảo sát thực trạng và xu hướng của hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT để hiểu rõ hơn về các hành vi của thị trường; nâng cao vai trò và trách nhiệm của lực lượng QLTT và các lực lượng chức năng; tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan thực thi quyền SHTT tại Việt Nam; quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng thực thi chống hàng giả; hợp tác chặt chẽ các công ty nước ngoài tại Việt Nam để nâng cao khả năng nhận diện hàng giả; xây dựng kế hoạch chiến lược trung hạn và dài hạn để đào tạo các lực lượng chức năng...