Theo ông Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), tính trung bình 20 năm, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam đã vào diện cao nhất thế giới. Tuy nhiên, nếu so sánh với sự phát triển thương hiệu thì chưa tương xứng với xuất khẩu.
Thông tin trên được chia sẻ tại Diễn đàn
thương hiệu Việt Nam: “Thương hiệu với Hội nhập và Phát triển xuất khẩu bền vững”, được Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức sáng nay (20/4).
Thương hiệu luôn song hành với sự phát triển của doanh nghiệp
Ông Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, mặc dù chương trình
thương hiệu quốc gia có khoảng 10 năm nay, nhưng Việt Nam lại có phần chậm trong việc nhìn nhận vấn đề thương hiệu. Mặc dù vậy, đến thời điểm hiện tại, thương hiệu đã bắt đầu gây dựng được niềm tin cho người tiêu dùng, đối tác trong nước và quốc tế.
“Tính trung bình 20 năm, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam đã vào diện cao nhất thế giới. Tuy nhiên, nếu so sánh với sự phát triển thương hiệu thì chưa tương xứng với xuất khẩu. Nhìn rộng ra tôi muốn nhìn nhận thương hiệu quốc gia là người Việt, sản phẩm Việt”, ông Thành chia sẻ.
Theo Nguyễn Quốc Thịnh, Trường Đại học Thương mại - Cố vấn chương trình Thương hiệu Quốc gia, Việt Nam đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), mở ra cho kinh tế Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức. Việc nâng cao
chất lượng sản phẩm và hạ giá thành là câu trả lời chính của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, làm thế nào để khách hàng và người tiêu dùng cảm thấy sản phẩm của mình là tốt để tiêu dùng? ông Thịnh cho rằng, lòng tin quan trọng. Hiện nay, nhiều sản phẩm được bán trên thị trường hoàn toàn không mang thương hiệu của doanh nghiệp sản xuất. Rõ ràng, đó là một thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam và đặt ra bài toán cần suy nghĩ.
|
“100 doanh nghiệp làm ăn tử tế, nhưng chỉ 1 doanh nghiệp phá là phá cả ngành hàng. Vì vậy, chương trình thương hiệu phải làm sao gắn kết được các doanh nghiệp lại với nhau, nhất là trong cùng ngành hàng, tạo hình ảnh cho ngành hàng. Đây là bài toán buộc phải
xây dựng thương hiệu”, ông Thịnh bày tỏ quan điểm.
Theo ông Thịnh, khách hàng có nhiều lý do để chọn sản phẩm nhưng về nguyên tắc bao giờ họ cũng lựa chọn sản phẩm có nhiều thông tin với mức độ tin cậy nhất. Trên thực tế, khách hàng cần sản phẩm, chú trọng chất lượng sản phẩm nhưng hầu hết lại thông qua thương hiệu để lựa chọn sản phẩm mình mong muốn, bởi họ không có khả năng đánh giá chính xác về chất lượng sản phẩm mà hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm, sự trải nghiệm của người đi trước để lựa chọn. Đó chính là thương hiệu, uy tín của sản phẩm đối với doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp cần coi trọng thương hiệu sản phẩm.
Theo kết quả khảo sát của các doanh nghiệp, hiện tỷ lệ doanh nghiệp quan tâm, ý thức về thương hiệu đã tăng lên, từ mức 46% năm 2015 lên 64,5% trong năm 2018, đồng thời tỷ lệ doanh nghiệp
đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cũng lần lượt là 19,5% và 29%.
Chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu đang phát triển rất mạnh mẽ
Hiện nay, chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu đang diễn ra rất mạnh mẽ và sâu rộng, không chỉ dừng lại ở cấp độ doanh nghiệp mà đã phát triển lên mức độ địa phương, ngành hàng và thậm chí ở cấp quốc gia. Trên thế giới, đã có hơn 80 quốc gia đang triển khai chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia để phát triển thương hiệu sản phẩm sang thị trường nước ngoài. Vì vậy, việc Việt Nam triển khai chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia gắn với vấn đề hội nhập và phát triển xuất khẩu là phù hợp với xu hướng chung.
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng, Vụ Chính
sách thương mại Đa biên - Bộ Công Thương cho biết, sự tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tư do thời gian qua của Việt Nam, mới đây nhất nhất Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã khiến việc xây dựng thương hiệu quốc gia cần phải đẩy mạnh hơn nữa. Bởi lẽ việc mở cửa thị trường cùng nhiều dòng thuế nhập khẩu về 0% sẽ khiến sản phẩm nước ngoài vốn đã có uy tín và chất lượng toàn cầu sẽ được người tiêu dùng lựa chọn. Vì vậy doanh nghiệp nội nếu không có thương hiệu sẽ thua ngay trên sân nhà.
Theo Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Tổng Thư ký Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu Quốc gia, chương trình Thương hiệu Quốc gia là chương trình xúc tiến thương mại dài hạn, duy nhất của Chính phủ Việt Nam tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp.
Cũng theo ông Phú, mục đích của Chương trình thương hiệu Quốc gia là xây dựng hình ảnh về Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hoá và dịch vụ đa dạng, phong phú với chất lượng cao, nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế trong quá trình hội nhập. Cùng với đó, tăng cường sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.
Việc xét chọn các sản phẩm được mang Biểu trưng Thương hiệu Quốc gia (Vietnam Value) tiến hành hai năm một lần. Đến nay Chương trình đã tiến hành 4 đợt lựa chọn các Doanh nghiệp và sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam đạt đủ các tiêu chí được mang biểu trưng Thương hiệu Quốc gia. Cụ thể: Năm 2018 là 30 doanh nghiệp; năm 2010 có 43 doanh nghiệp; năm 2012 có 54 doanh nghiệp; năm 2014 có 63 doanh nghiệp; năm 2016 có 88 doanh nghiệp