Hiện toàn tỉnh có hơn 70 làng nghề, trong đó có 31 làng nghề truyền thống; hơn 14.500 hộ làm nghề, chiếm gần 5% số hộ của tỉnh; gần 77.000 lao động làm nghề, chiếm gần 12% số lao động trong độ tuổi; giá trị sản xuất của làng nghề đạt hơn 8% GDP của tỉnh; thu nhập bình quân của lao động ở các làng nghề đạt 4-4,5 triệu đồng/tháng. Trong những năm qua, tỉnh đã triển khai xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho 8 làng nghề, sản phẩm nông nghiệp gắn với địa danh, bao gồm: Sản phẩm nông nghiệp của tỉnh: Gà Hồ - (Thuận Thành); Khoai tây, Gạo tẻ thơm (Quế Võ). Sản phẩm thủ công mỹ nghệ: Đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ; Đồng Đại Bái; Gốm Phù Lãng; Tre trúc Xuân Lai; Mây tre đan Xuân Hội.
Thực tế cho thấy những sản phẩm đặc sản của địa phương sau khi được bảo hộ đã có những thuận lợi nhất định trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm và thâm nhập thị trường. Giá bán của các sản phẩm có xu hướng tăng, đặc biệt là sản phẩm Gà Hồ, giá tăng 3-4 lần (giá gà con nuôi thương phẩm tăng từ 40.000đồng/con lên 160.000đồng/con, giá gà thịt tăng trung bình từ 400.000đồng/kg lên 600.000đồng/kg); các sản phẩm của Đồng Đại Bái, Gốm Phù Lãng, Gỗ Đồng Kỵ,... đều tăng trung bình từ 10-15%. Sản phẩm được bảo hộ thương hiệu cũng là một trong những điều kiện thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, như các sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể Đồng Đại Bái, Gốm Phù Lãng bên cạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống (Trung Quốc, Đài Loan,...) thì nay đã xuất khẩu sang được các thị trường khó tính như Nhật Bản, các nước Châu Âu và Đông Nam Á; các sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Khoai tây Quế Võ” bắt đầu được đưa vào hệ thống siêu thị và các công ty chế biến tại các khu công nghiệp; các công ty, cửa hàng, cơ sở sản xuất kinh doanh đồ gỗ Đồng Kỵ trên toàn quốc đa số đã được Hội gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ thẩm định và trao quyền sử dụng tên “Đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ” đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, tránh hiện tượng làm giả, làm nhái.
Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng quản lý chuyên ngành (Sở Khoa học và Công nghệ) chia sẻ: “Các sản phẩm của tỉnh sau khi được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đã có những thay đổi tích cực về thương hiệu và giá trị, nâng cao uy tín, danh tiếng sản phẩm. Khi lưu thông trên thị trường các sản phẩm mang nhãn hiệu được bảo hộ phải tuân thủ theo một quy trình gắn nhãn mác, bao bì chặt chẽ, bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc, đồng thời phải đáp ứng những tiêu chí nhất định trong quy trình sản xuất, từ đó luôn bảo đảm chất lượng và gia tăng số lượng hàng tiêu thụ, đem lại lợi nhuận cao hơn cho các làng nghề”.
Bắc Ninh có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng đang dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa. Mặc dù các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của tỉnh đã có uy tín, danh tiếng và tên gọi truyền thống từ lâu nhưng số lượng được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không nhiều; chưa có sản phẩm ẩm thực nào của tỉnh được đăng ký bảo hộ. Vì vậy việc bị làm giả, làm nhái hàng hóa của các làng nghề thường xuyên xảy ra song chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết, gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, danh tiếng của làng nghề. Mặt khác, công tác tuyên truyền, quảng bá cho các sản phẩm chưa được tập trung mạnh nên chưa vươn ra được các thị trường lớn, giá trị sản xuất đem lại chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Mới đây, UBND tỉnh ban hành Đề án xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp và làng nghề tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018 - 2020. Trong đó, tập trung xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đặc thù, sản phẩm ẩm thực mang đậm nét văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc, bao gồm: Cà rốt Gia Bình; gạo nếp Tam Sơn, bánh Phu Thê Đình Bảng (thị xã Từ Sơn); Nếp cái hoa vàng và bánh đa Yên Phụ, bánh tẻ Chờ (Yên Phong); Đậu phụ Trà Lâm, Nem Bùi, Tương Đình Tổ (Thuận Thành); xây dựng chỉ dẫn thương hiệu đối với tỏi An Thịnh (Lương Tài) và nhãn hiệu tập thể cho đồ gỗ mỹ nghệ Bình Cầu xã Hoài Thượng (Thuận Thành). Đây sẽ là cơ hội không nhỏ để những sản phẩm nông nghiệp, ẩm thực khẳng định được chất lượng và vị thế đặng trưng của vùng. Đồng thời, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày cao của người tiêu dùng. Từ đó nâng cao giá trị sản xuất và phát huy lợi thế canh tranh cho các làng nghề, sản phẩm nông nghiệp của các địa phương trong tỉnh