Nhà sản xuất ’gel rửa tay khô sạch khuẩn 99,9%’ cho biết đã chủ động thay đổi nhãn mác phù hợp hơn với quy định của nhà nước, đồng thời tiến hành thông báo đến các khách hàng để thu hồi sản phẩm trên thị trường.
Ngày 24.3, Báo Thanh Niên có bài Nhập nhèm sản phẩm gel rửa tay khô sạch khuẩn 99,9%, phản ánh việc Công ty CP bột giặt Lix (thuộc Tập đoàn hóa chất Việt Nam) đưa ra thị trường sản phẩm gel rửa tay khô On1 có khả năng làm “sạch khuẩn 99,9%” nhưng chưa chứng minh được công dụng làm sạch khuẩn của sản phẩm. Sau khi báo phản ánh, đại diện lãnh đạo Tập đoàn hóa chất Việt Nam và Công ty CP bột giặt Lix (gọi tắt là Công ty Lix) đã có buổi làm việc với Báo Thanh Niên; đồng thời ngày 26.3 Công ty Lix có văn bản gửi Báo Thanh Niên “cung cấp thông tin phản hồi bài viết” trên báo.
Để rộng đường dư luận, Báo Thanh Niên đăng tải nội dung chính của văn bản, đồng thời có những thông tin làm rõ thêm về tính pháp lý liên quan sản phẩm gel rửa tay khô On1.
Thu hồi sản phẩm, thay nhãn mác mới
Văn bản của Công ty Lix phản hồi 3 nội dung: thành phần và công dụng; tính pháp lý; và nhãn mác sản phẩm.
Thanh tra đột xuất
Ngay sau khi Thanh Niên đăng bài Nhập nhèm sản phẩm gel rửa tay khô sạch khuẩn 99,9%, ngày 24.3, Sở Y tế Bình Dương đã quyết định thành lập đoàn thanh tra và mời Cục Quản lý thị trường Bình Dương tham gia, tiến hành thanh tra chi nhánh Công ty Lix tại Bình Dương. Thời gian thanh tra bắt đầu từ ngày 25.3.
Cụ thể, về thành phần và công dụng của sản phẩm, Công ty Lix viện dẫn căn cứ theo Phiếu
công bố sản phẩm số 17/20/CBMP/BD, Phiếu kiểm nghiệm số 024G/20/MP do Sở Y tế Bình Dương cấp và Phiếu
kết quả kiểm nghiệm do Viện Pasteur TP.HCM cấp số 110220-1754, thì sản phẩm có thành phần gồm: ethanol (cồn), nước, glycerin, cabomer và hương liệu; công dụng: làm sạch da tay (Phiếu công bố sản phẩm 17/20/CBMP/BD ngày 6.2.2020), có khả năng diệt đến 99,9% các vi khuẩn staphylococcus aureus, pseudomonas aeruginosa, salmonella ssp, escherichia coli (Phiếu kiểm nghiệm 024G/20/MP ngày 14.2; sản phẩm có hàm lượng ethanol ở 20°C là 70,92%) và có khả năng diệt 99,99% các vi khuẩn salmonella typhi, staphylococcus aureus, escherichia coli, pseudomonas aeruginosa (Phiếu kết quả kiểm nghiệm 110220-1754 ngày 21.3).
Công ty Lix cũng viện dẫn khuyến cáo của các chuyên gia, Bộ Y tế cho rằng nếu tiếp xúc với các nguồn có nguy cơ lây lan vi khuẩn thì nên sử dụng nước rửa tay chứa cồn nồng độ tối thiểu 60% để diệt khuẩn, nhằm khẳng định sản phẩm gel rửa tay khô On1 có đủ khả năng làm sạch da tay và diệt khuẩn, phù hợp với khuyến cáo.
Về tính pháp lý, Công ty Lix cho rằng để sản xuất gel rửa tay khô On1, công ty đã có những giấy phép theo quy định của nhà nước, bao gồm: Giấy chứng nhận đủ điều kiện
sản xuất mỹ phẩm số 020/SYT-QLD do Sở Y tế tỉnh Bình Dương cấp ngày 4.10.2018; Giấy chứng nhận MGP mỹ phẩm số FS-Việt NamM-20-01/GMPC do Intertek cấp ngày 24.12.2019; Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm số 017/20/CBMP-BD do Sở Y tế tỉnh Bình Dương cấp ngày 6.2.2020; Quyết định ban hành Tiêu chuẩn cơ sở sản phẩm số 017/QĐ-P.KTKCS ngày 5.2.2020 và cho rằng “đảm bảo tính pháp lý”.
Về nhãn mác sản phẩm, văn bản của Công ty Lix viết: “Vào những ngày đầu sản xuất do khá gấp rút để cung ứng sản phẩm ra thị trường cho người tiêu dùng với giá bình ổn nhất, đồng thời do chưa hiểu chính xác quy định và do công ty đã cho là có thể đưa những thông tin khác lên nhãn sản phẩm miễn đảm bảo trung thực (có kết quả kiểm nghiệm) nên nhãn mác của sản phẩm trong thời gian đầu có sự nhầm lẫn. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ Thông tư 06/2011/TT-BYT, chúng tôi nhận thấy có điểm chưa phù hợp trên nhãn mác nhưng không ảnh hưởng đến
chất lượng sản phẩm. Ngay sau đó, công ty đã liên lạc với Sở Y tế tỉnh Bình Dương để xin bổ sung tính năng kháng khuẩn, sạch khuẩn hoặc giúp loại bỏ vi khuẩn như là tính năng thứ hai của sản phẩm nhưng cơ quan này dừng việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký.
Do vậy, công ty đã chủ động thay đổi nhãn mác cho phù hợp hơn với quy định của nhà nước (thiết kế mới cho sản phẩm cũng đã được bày bán vào đầu tháng 3.2020) và tiến hành thông báo đến các khách hàng để thu hồi sản phẩm”. Phía Công ty Lix cũng “xin cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm về chất lượng gel rửa tay
khô On1 và các thông tin nêu trên”.
Về những văn bản viện dẫn của Công ty Lix, trong bài viết ngày 24.3, Báo Thanh Niên đã phân tích rất rõ tính pháp lý và xác thực của các văn bản nên chúng tôi sẽ không nhắc lại tại bài viết này
Riêng Phiếu kết quả kiểm nghiệm 110220-1754 ngày 21.3.2020 về khả năng sạch khuẩn, phần “Ghi chú” có ghi rất rõ: “Kết quả thử nghiệm này chỉ có giá trị trên mẫu thử... do khách hàng gửi tới” và “Kết quả này không phải là giấy chứng nhận sản phẩm nên không sử dụng cho mục đích quảng cáo”.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại nhiều
siêu thị,
cửa hàng trong 2 ngày qua đã không còn bày bán sản phẩm gel rửa tay khô On1 nhãn mác cũ, mà thay vào đó là loại gel rửa tay khô On1 nhãn mác mới. Trên nhãn mác loại gel On1 mới ghi rõ công dụng là sạch tay, an toàn, mềm mịn và đã không còn dòng chữ “sạch khuẩn 99,9%” như loại gel cũ. Báo Thanh Niên ghi nhận sự cầu thị, tiếp thu của nhà sản xuất trong việc thu hồi sản phẩm không phù hợp; đồng thời thay đổi nhãn mác thể hiện đúng chất lượng, công dụng sản phẩm, qua đó tránh gây hiểu nhầm dẫn đến chủ quan của người dùng trong phòng chống dịch, đặc biệt ở thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp như hiện nay
Gel rửa tay On1 “sạch khuẩn 99,9%” chưa đăng ký lưu hành
Tuy nhiên, qua những phản hồi của Công ty Lix, Báo Thanh Niên nhận thấy cần thông tin để làm rõ thêm về tính pháp lý liên quan sản phẩm gel rửa tay khô On1. Cụ thể, trong khi nhà sản xuất “đảm bảo tính pháp lý” thì trong văn bản gửi Báo Thanh Niên, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) khẳng định gel rửa tay khô On1 “sạch khuẩn 99,9%” chưa đăng ký lưu hành. Văn bản do TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, nêu rõ: Theo thông tin trong bài báo thì chế phẩm On1 gel rửa tay khô thuộc nhóm chế phẩm diệt khuẩn tay không dùng nước dùng trong gia dụng và được quản lý theo quy định tại Nghị định số 91/2016/NĐ-CP ngày 1.7.2016 của Chính phủ về quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế. Trước khi sản xuất, đơn vị sản xuất phải thực hiện việc công bố đủ điều kiện sản xuất tại sở y tế nơi đặt nhà máy sản xuất. Sau đó, nếu muốn lưu hành chế phẩm trên thị trường Việt Nam, thì đơn vị sản xuất phải thực hiện việc nộp hồ sơ đăng ký lưu hành mới chế phẩm. Trong quá trình đăng ký lưu hành mới, chế phẩm phải được kiểm nghiệm để xác định hàm lượng, thành phần hoạt chất trong chế phẩm; khảo nghiệm để đánh giá hiệu lực và an toàn của chế phẩm đối với người sử dụng. Sau khi có kết quả khảo nghiệm và kiểm nghiệm bổ sung vào hồ sơ, Cục Quản lý môi trường y tế sẽ thẩm định để cấp hoặc không cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành cho chế phẩm.
“Chế phẩm On1 gel rửa tay khô chưa thực hiện việc đăng ký lưu hành mới tại Cục Quản lý môi trường y tế theo quy định. Vì vậy, nhãn của chế phẩm On1 gel rửa tay khô chưa được Cục Quản lý môi trường y tế thẩm định và phê duyệt”, Cục Quản lý môi trường y tế khẳng định.
Tương tự, trong văn bản trả lời PV Thanh Niên, Sở Y tế Bình Dương khẳng định Sở không cấp cụm từ “Gel rửa tay sạch khuẩn 99,9%” cho On1. Khẳng định này cũng phù hợp với thông tin phản hồi từ Công ty Lix, rằng cụm từ “sạch khuẩn 99,9%” là phía công ty tự ý đưa lên nhãn sản phẩm.
Một sản phẩm chưa đăng ký lưu hành, nhãn mác có thể gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng trong phòng chống dịch thì việc thu hồi là cần thiết. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nhà sản xuất, mà cụ thể là Công ty Lix, bên cạnh việc thu hồi từ các siêu thị, cửa hàng... cần minh bạch phương án thu hồi, bao gồm thời gian, địa điểm thu nhận lại sản phẩm, phương thức trả lại tiền hoặc bồi thường thiệt hại cho người dùng đã mua sản phẩm không phù hợp thời gian qua... Đây cũng là ý kiến của rất nhiều bạn đọc, người tiêu dùng mà Thanh Niên nhận được trong quá trình thu thập chứng cứ và sau khi đăng bài Nhập nhèm sản phẩm gel rửa tay khô sạch khuẩn 99,9%, cần có câu trả lời từ nhà sản xuất.