Sáng 20/12, UBND Tp. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Phát triển thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh".
Theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng, cần định vị phát triển thương hiệu sản phẩm tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt, quản trị chiến lược thương hiệu theo đúng chuẩn quốc tế sẽ góp phần xây dựng thương hiệu địa phương bằng sản phẩm đặc trưng với cách tiếp cận toàn diện, cũng như khả thi hơn.
Cần định vị phát triển thương hiệu sản phẩm tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển. Ảnh: TTXVN
*Nhu cầu cấp thiết
Hiện nay, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, doanh nghiệp của Tp. Hồ Chí Minh đang trở thành một nhu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết. Vì đây không chỉ là mối quan tâm của chính quyền thành phố mà còn của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nếu xem thương hiệu như là một yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp, thì đối với chính quyền thành phố thương hiệu của sản phẩm, doanh nghiệp được xem là động lực cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững của trung tâm kinh tế hàng đầu cả nước.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Tp. Hồ Chí Minh đã và đang quan tâm đến việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp trên địa bàn. Trong đó, việc thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài vào thành phố sẽ là điều kiện thuận lợi và cũng đặt ra yêu cầu đối với doanh nghiệp trong nước, đó là phải xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm và doanh nghiệp. Đồng thời, đây chính còn là lợi thế cạnh tranh bền vững của doanh nghiệp để khẳng định vị trí tại thị trường trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, Lãnh đạo thành phố cam kết sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ quảng bá, phát triển thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp; tập trung hoàn thành đề án xây dựng thành phố trở thành khu đô thị thông minh gắn với đô thị sáng tạo. Ngoài ra, thành phố cũng đang ưu tiên đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, tập trung hoàn thành hệ thống logistics, tạo kết nối thông minh, giảm chi phí giao dịch…
Nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho doanh nghiệp, thành phố triển khai xây dựng khu công nghiệp mới có quy mô 380 ha cho nhà đầu tư. Tp. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi theo chuẩn mực quốc tế và đề cao sự công khai, minh bạch.
Còn báo cáo tại hội thảo, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho hay, thương hiệu có vai trò duy trì và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Khi xây dựng được thương hiệu, doanh nghiệp không chỉ tạo ra nhiều lợi thế về thị trường, mà còn tạo ra lợi thế về phân phối sản phẩm, phát triển kinh doanh, giá trị khối tài sản vô hình…
Chính vì vậy, cần thiết phải xây dựng và phát triển được các thương hiệu đại diện của Tp. Hồ Chí Minh, nhất là tập trung vào những tiêu chí bình chọn cụ thể.
Tiếp theo, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp của thành phố đến thị trường quốc tế. Cuối cùng, là sự hỗ trợ doanh nghiệp từ phía Nhà nước về những vấn đề chính sách, kinh doanh, xây dựng và phát triển thương hiệu, đặc biệt là vấn đề đăng ký bảo hộ thương hiệu.
Liên quan đến định hướng xây dựng thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, phải gắn với chương trình thương hiệu quốc gia và các chương trình quốc gia khác. Bên cạnh chiến lược cải cách, chính sách thực thi… xây dựng thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh cần gắn với định vị của thành phố như thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu đã được chứng nhận.
Cùng với đó, Tp. Hồ Chí Minh nên hình thành những lĩnh vực, nhóm sản phẩm chủ lực mang thương hiệu thành phố như du lịch, giải trí, ẩm thực; đổi mới, sáng tạo (startups); trung tâm tài chính (tài chính xanh, fintech)…
*Quản trị chiến lược thương hiệu chuẩn quốc tế
Ngày nay, khi đề cập về thương hiệu, người ta không chỉ nói đến thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp mà còn tiếp cận và về thương hiệu cá nhân, thương hiệu tổ chức, thương hiệu địa phương và thương hiệu quốc gia.
Thương hiệu dựa trên khách hàng sẽ xem xét và tiếp cận dựa trên hai nhóm cấu phần quan trọng, gồm: tập hợp những nỗ lực của chủ sở hữu (doanh nghiệp) và những cảm nhận từ khách hàng.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho rằng, để đứng vững trước sự cạnh tranh khốc liệt hiện tại của thị trường bán lẻ, đòi hỏi Saigon Co.op phải có chiến lược xây dựng lộ trình chuyển đổi phù và khẳng định vị thế là mô hình Hợp tác xã thành công điển hình của cả nước.
Song song với hệ thống siêu thị Co.opmart, Saigon Co.op cũng đã phát triển thành công hàng loạt mô hình bán lẻ hiện đại mới tại Việt Nam phủ kín hầu hết các phân khúc bán lẻ và tiếp tục hướng đến mục tiêu trở thành tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam vào năm 2025.
Thống kê những nỗ lực từ doanh nghiệp như hoàn thiện sản phẩm, phát triển bộ nhận diện thương hiệu, các giao tiếp nội bộ và phát triển giao tiếp ra bên ngoài cần được đo lường và đánh giá thông qua sự cảm nhận từ phía khách hàng và công chúng.
Theo đó, có thể kể đến những yếu tố, gồm: mức độ nhận thức thương hiệu, liên tưởng và cảm nhận thương hiệu, lòng trung thành thương hiệu của khách hàng.
Với mỗi thương hiệu bất kỳ, ông Nguyễn Quốc Thịnh, Chuyên gia thương hiệu cho hay, yếu tố cốt lõi luôn là sản phẩm với khả năng thỏa mãn nhu cầu của tập khách hàng mục tiêu. Mặt khác, không có sản phẩm đáp ứng nhu cầu thì doanh nghiệp đừng bàn đến thương hiệu.
Một trong nhưng vấn đề khi đề cập đến vấn đề xây dựng thương hiệu nữa, là chất lượng cảm nhận (perceived quality) của sản phẩm, nghĩa là mức độ đáp ứng kỳ vọng của khách hàng qua sự cảm nhận của chính họ.
Tuy nhiên, có sản phẩm tốt thôi là chưa đủ để tạo dựng một thương hiệu. Để tạo dựng lòng tin và uy tín rất cần sự linh hoạt, hợp lý và trung thực trong cách thức cung ứng sản phẩm ra thị trường…
“Hoạt động xây dựng thương hiệu cần được thấm nhuần và truyền cảm hứng đến từng người lao động trong doanh nghiệp. Xây dựng thương hiệu không chỉ là thiết kế bộ nhận diện thương hiệu và công bố, truyền thông đến với công chúng mà quan trọng hơn nhiều là theo đuổi giá trị cốt lõi và tối đa hóa lợi ích cho khách hàng thông qua sản phẩm và quá trình cung ứng, giao tiếp”, ông Nguyễn Quốc Thịnh cho biết thêm.
Tại hội thảo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, kỳ vọng của thành phố trong việc xây dựng, phát triển được những thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp mạnh, không chỉ khẳng định vị trí tại thị trường trong nước mà còn vươn tầm quốc tế. Đồng thời, những sản phẩm, doanh nghiệp này sẽ là hình ảnh của Tp. Hồ Chí Minh trong quảng bá, xúc tiến thương mại đến các nước.
Để triển khai các mục tiêu trên, ông Trần Vĩnh Tuyến đề nghị Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh ghi nhận và tiếp thu ý kiến của các bên liên quan, đồng thời phối hợp sở ngành thành phố trong xây dựng Đề án “Chiến lược phát triển thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh”. Thành phố cũng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đạt chuẩn có cơ hội mang sản phẩm thương hiệu thành phố, thương hiệu Việt ra quảng bá khắp các nước bạn trong nhiều lĩnh vực.