Lợi dụng sự khan hiếm các loại dung dịch sát khuẩn do nhu cầu của người dân tăng cao trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số tổ chức, cá nhân đã làm giả, làm nhái, làm “chui” dung dịch sát khuẩn rồi bán ra thị trường. Nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo người dân cần thận trọng khi mua những sản phẩm này, tránh hậu quả vừa mất tiền vừa mất an toàn khi sử dụng.
Chị Nguyễn Thu Hà ở khu tập thể Quỳnh Mai, phường Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) kể: Lo lắng trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, được Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa, trong đó rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn hoặc xà-phòng với nước sạch, nên chị cũng tìm mua các sản phẩm này. Thấy tại khu chợ cóc phường Quỳnh Mai có bày bán một số dung dịch rửa tay sát khuẩn, chị cũng chọn mua một lọ với giá 50 nghìn đồng. Tên sản phẩm là Virus clean, thành phần gồm cồn thực phẩm 70 độ, tinh chất trà xanh, tinh chất nghệ, do cơ sở sản xuất Chiến Thắng, địa chỉ thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm, Hà Nội) sản xuất. Tuy nhiên, khi mang ra sử dụng, chị Hà phát hiện sản phẩm này không có giấy phép sản xuất, không được chứng nhận tiêu chuẩn y tế. Lo ngại sản phẩm không bảo đảm chất lượng, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả gia đình, nên chị Hà đành vứt bỏ không sử dụng. Chị Hà vào mạng in-tơ-nét tìm mua tại các địa chỉ bán hàng online thì thấy tràn ngập các loại dung dịch rửa tay sát khuẩn, giá bán từ 50 nghìn đồng cho tới vài trăm nghìn đồng. Sản phẩm nào cũng được người bán hàng quảng cáo là chất lượng tốt, có nguồn gốc thiên nhiên như: chiết xuất từ trà xanh, lô hội, tinh chất nghệ, lá trầu không…, giúp làm sạch tay, diệt vi khuẩn, vi-rút. Một số trang Facebook còn giới thiệu dung dịch rửa tay sát khuẩn là sản phẩm của các cơ quan nhà nước, đơn vị sản xuất có uy tín.
Trao đổi với chúng tôi về việc có nhiều trang Facebook bán hàng giới thiệu dung dịch sát khuẩn là sản phẩm của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, TS Hà Quý Quỳnh, Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) khẳng định, tất cả các dung dịch sát khuẩn đang được quảng cáo trên các trang Facebook hoàn toàn không phải là sản phẩm của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Trước sự xuất hiện của rất nhiều loại sản phẩm dung dịch sát khuẩn, trong đó có những loại không ghi rõ địa chỉ, nguồn gốc, xuất xứ, chị Nguyễn Thu Hà cũng như nhiều người tiêu dùng băn khoăn không biết rõ chất lượng thật của những sản phẩm này thế nào. Nhất là, vừa qua cơ quan chức năng phát hiện không ít doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh làm giả, làm nhái, làm “chui” dung dịch rửa tay sát khuẩn. Điển hình là, ngày 9-2, Công an tỉnh Thái Bình phát hiện, thu giữ hàng nghìn chai nước rửa tay khô, tinh dầu mang nhãn hiệu Rencide, Hand sanitizer của Công ty Thiên Y Việt do sản xuất không đúng quy định. Các sản phẩm này dán nhãn mác mang tên nước ngoài song chưa đăng ký, chưa được kiểm tra chất lượng. Nước rửa tay khô được pha chế từ cồn công nghiệp, không có tác dụng kháng khuẩn. Ngày 16-2, Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, phát hiện Công ty TNHH sản xuất thương mại Thu Minh, địa chỉ thôn Chản, xã Lam Cốt, huyện Tân Yên (Bắc Giang) sản xuất hơn 1.300 chai nước rửa tay khô, nhãn hiệu Gel Thuần Việt không có công bố tiêu chuẩn chất lượng. Doanh nghiệp này cũng không được cấp phép đủ điều kiện sản xuất sản phẩm nước rửa tay khô để bán ra thị trường. Trước đó, tại Hà Nội, lực lượng quản lý thị trường và công an cũng bắt quả tang chủ cơ sở nước sát khuẩn, rửa tay khô tại địa chỉ P.1816 - CT2, Khu nhà ở cán bộ Viện Quân y 103, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (Hà Nội) đang sản xuất “chui” dung dịch sát khuẩn bằng cồn 90 độ, dung dịch glycerin, nước tinh khiết, để bán ra thị trường.
Gần đây, tại Bệnh viện Da liễu Trung ương đã khám, tiếp nhận một số trường hợp người bệnh có triệu chứng đỏ mẩn, bong tróc, ngứa hai bàn tay. Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Quang Hào, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của bệnh viện cho biết, qua khai thác bệnh sử, một số người bệnh có sử dụng dung dịch sát khuẩn mua ngoài thị trường hoặc tự pha chế để phòng bệnh. Theo bác sĩ Bùi Quang Hào, khi người dân sử dụng dung dịch sát khuẩn, nước rửa tay không đạt chuẩn thì không có tác dụng sát khuẩn, diệt khuẩn (do thành phần hoạt chất, nồng độ không bảo đảm tiêu chuẩn quy định) như vậy làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Người dùng còn dễ bị viêm da kích ứng hoặc dị ứng, bị nhiễm độc khi dung dịch bay vào mắt, mũi, miệng hoặc thức ăn. Với những dung dịch sát khuẩn sử dụng cồn công nghiệp có thể gây mù mắt.
Bác sĩ Bùi Quang Hào cũng khuyến cáo, người dân nên chọn mua, sử dụng những sản phẩm được sản xuất bởi những đơn vị có uy tín, có địa chỉ, nguồn gốc, tem, nhãn mác rõ ràng, được kiểm định và cấp phép của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế). Có dung dịch sát khuẩn bảo đảm tiêu chuẩn rồi nhưng nếu dùng không đúng thời điểm, không đúng cách thì cũng không hiệu quả. Với nhân viên y tế (bao gồm cả học sinh, sinh viên) đang công tác/học tập tại các cơ sở y tế thực hiện nghiêm túc 5 thời điểm và 6 bước rửa tay thường quy theo hướng dẫn của WHO, Bộ Y tế Việt Nam. Rửa tay nhanh bằng dung dịch chứa cồn thì thời gian ít nhất cho một lần rửa là 20 giây còn thời gian rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn/xà-phòng với nước ít nhất là 30 giây. Lượng dung dịch 3 đến 5ml/một lần rửa. Những người có làn da nhạy cảm hoặc bị khô da cần dùng thêm chất làm mềm, dưỡng ẩm cho da, bôi một vài lần/ngày