0908.326.779 - 0906.362.707
 

Chọn khẩu trang kháng khuẩn “đúng chuẩn” phòng tránh Covid-19

11/03/2020    4.91/5 trong 24 lượt 
Chọn khẩu trang kháng khuẩn “đúng chuẩn” phòng tránh Covid-19
Gần đây, để phòng dịch Covid–19, nhiều đơn vị tung ra sản phẩm khẩu trang kháng khuẩn. Như thế nào được coi là khẩu trang kháng khuẩn?
Loạn khẩu trang kháng khuẩn
 
Ngày 25/2, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho hay, qua điều tra, xác minh và kết quả kiểm định chất lượng, cơ quan chức năng phát hiện Công ty TNHH Việt Hàn có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là mặt hàng khẩu trang kháng khuẩn (loại 4 lớp).
 
Nhiều cơ sở sản xuất khẩu trang chất lượng kém ở TPHCM, Hải Phòng thổi phồng sự thật về chất lượng khẩu trang để lừa người tiêu dùng cũng bị bóc mẽ trong những ngày qua.
 
Theo Tổng cục QLTT, trước đó, ngày 13/2, Đội QLTT số 1 phối hợp với Đội 4 và Đội An ninh (Công an quận Đống Đa, Hà Nội) kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh khẩu trang thuộc Công ty TNHH Việt Hàn tại thôn Khôn Thôn (xã Minh Cường, huyện Thường Tín, Hà Nội).
 
Qua kiểm tra, có dấu hiệu là hàng giả, hàng kém chất lượng, đoàn kiểm tra đã tạm giữ để xác minh, làm rõ số hàng gồm 8.000 chiếc khẩu trang các loại đã đóng hộp loại 50 cái/hộp, trên vỏ hộp có chữ: Khẩu trang kháng khuẩn Tulips, Product/xs tại Viet Han Company (Công ty TNHH Việt Hàn).
 
Qua quá trình xác minh và kiểm định chất lượng, cơ quan kiểm tra phát hiện Công ty TNHH Việt Hàn có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là mặt hàng khẩu trang kháng khuẩn (loại 4 lớp) có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với công bố.
 
Cụ thể, Công ty TNHH Việt Hàn sản xuất khẩu trang kháng khuẩn nhãn hiệu Tulips theo công bố tiêu chuẩn của công ty có sử dụng lớp vải lọc kháng khuẩn. Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm cho thấy khẩu trang của Công ty Việt Hàn là khẩu trang y tế thông thường không có lớp kháng khuẩn.
 
Chưa có tiêu chuẩn cho khẩu trang kháng khuẩn
 
Dù được sản xuất và bán nhiều ra thị trường thời gian gần đây, nhưng khẩu trang kháng khuẩn lại chưa có tiêu chuẩn riêng. Do đó, doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm và người dùng mua dựa trên quảng cáo của doanh nghiệp chứ chưa có công cụ để soi chiếu.
 
Hiện mới chỉ có tiêu chuẩn cho khẩu trang y tế. Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành bộ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8389:2010 về khẩu trang y tế (gồm 3 phần: Khẩu trang y tế thông thường; Khẩu trang y tế phòng nhiễm khuẩn; Khẩu trang y tế phòng độc hóa chất).
 
Trong đó, khẩu trang y tế phòng nhiễm khuẩn có tác dụng ngăn cản và diệt 99,9% vi khuẩn ngay trên bề mặt khẩu trang; Khẩu trang y tế phòng độc hóa chất có tác dụng lọc khí độc và hơi độc, tạo luồng khí sạch sau khi đi qua lớp lọc than hoạt tính;
 
Khẩu trang y tế thông thường áp dụng cho khẩu trang y tế đã tiệt khuẩn và không tiệt khuẩn và tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7312: 2003 về phương tiện cá nhân bảo vệ cơ quan hô hấp - khẩu trang có tấm lọc bụi (khẩu trang vải). Tuy nhiên quy chuẩn đối với khẩu trang vải kháng khuẩn hiện còn thiếu.
 
Tại một cuộc họp hỗ trợ thúc đẩy sản xuất khẩu trang, trang phục phòng chống dịch bệnh do chủng mới của virus Corona gần đây,
 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, cần có tiêu chuẩn, quy chuẩn cho loại khẩu trang sản xuất từ vải kháng khuẩn để phòng chống dịch bệnh. Qua đó, nếu phát hiện doanh nghiệp cung ứng ra thị trường sản phẩm không bảo đảm các tiêu chuẩn đề ra, mới có cơ sở để xử lý nghiêm, tránh trường hợp đăng ký một đằng, sản xuất một nẻo.
 
Theo ông Nguyễn Văn Thông, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu dệt may, chủng loại các chất kháng khuẩn sử dụng để sản xuất vải kháng khuẩn tại Việt Nam rất phong phú, bao gồm các chất kháng khuẩn tổng hợp và tự nhiên.
 
Hầu hết các chất kháng khuẩn tổng hợp sử dụng trên hàng dệt may đều là chất diệt khuẩn, có hoạt tính diệt khuẩn mạnh, có thể ứng dụng theo các phương pháp khác nhau, hiệu quả trên các loại xơ, sợi.
 
Tuy vậy, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp sản xuất khẩu trang kháng khuẩn mà không công bố công nghệ, hoạt chất, nên người dùng dễ hiểu lầm.
 
Thế nào là khẩu trang kháng khuẩn?
 
Theo TS vật lý Nguyễn Văn Khải, Trung tâm Dung dịch hoạt hóa, điện hóa và đèn tiết kiệm năng lượng, không phải sản phẩm nào cũng có thể ứng dụng được công nghệ kháng khuẩn, người tiêu dùng sẽ rất khó nhận biết những chiếc khẩu trang thường với những khẩu trang được cho là có khả năng kháng khuẩn nếu chỉ nhìn bằng mắt thường.
 
Công nghệ kháng khuẩn đòi hỏi quy trình sản xuất và vật liệu rất phức tạp, có giá thành cao. Trong sản xuất và thương mại dệt may, vải kháng khuẩn được sử dụng rộng rãi để sản xuất mặt hàng mặc lót, hàng thể thao, hàng gia dụng và quần áo bảo vệ ở những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao như bệnh viện, khách sạn, trường học, quần áo sử dụng cho bác sĩ, nhân viên y tế và cho bệnh nhân, các trang bị như băng vết thương.
 
Phương pháp chung nhất để có được sản phẩm dệt kháng khuẩn là đưa các chất kháng khuẩn và giữ chúng bền lên (hoặc vào trong) vật liệu dệt trong suốt quá trình sử dụng. Các chất kháng khuẩn được đưa lên vải thường là những chất diệt khuẩn hoặc ức chế vi khuẩn phát triển.
 
Hiện tại, các chất sử dụng trong sản xuất vải kháng khuẩn chủ yếu là chất diệt khuẩn.
 
TS Nguyễn Văn Thông cho rằng, nếu sản xuất đúng quy trình, tất cả các chất kháng khuẩn sử dụng trong dệt may đều thân thiện và không có hại với sức khỏe. Tuy nhiên cần có tiêu chuẩn chung để các cơ quản quản lý kiểm soát chất lượng.
 
Với người dùng, cần lưu ý khi sử dụng khẩu trang kháng khuẩn là tính năng kháng khuẩn sẽ giảm dần sau mỗi lần giặt. Sau khoảng 10 lần giặt trở lên thì khẩu trang kháng khuẩn không còn tính năng kháng khuẩn nữa mà chỉ như khẩu trang vải thông thường.
 
Nhiều người mặc nhiên cho rằng khẩu trang kháng khuẩn thì yên tâm dùng mãi, không lo bị nhiễm virus là sai lầm.
 
Theo các chuyên gia, khi mua khẩu trang vải kháng khuẩn, không nên mua qua mạng, từ các kênh bán hàng không rõ địa chỉ mà chỉ nên mua của các đơn vị dệt may có uy tín, có tem mác, hướng dẫn sử dụng cụ thể…
Nhật Phong