0908.326.779 - 0906.362.707
 

Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trôi nổi: Quản lý thị trường cần sự vào cuộc của Bộ Y tế

09/07/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trôi nổi: Quản lý thị trường cần sự vào cuộc của Bộ Y tế
Mặc dù công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian qua đã được các cơ quan chức năng phối hợp đẩy mạnh xử lý nhưng trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn tình trạng các cơ sở sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Thông tin được lãnh đạo Chi cục quản lý thị trường Hà Nội (QLTT HN) cho biết tại cuộc họp triển khai Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức sáng ngày 6/7/2018.

Trước đó, ngày 5/7/2018, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Trần Hùng đã ký công văn gửi Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Cục Quản lý thị trường yêu cầu các Chi cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai một số nội dung, trong đó có việc xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và thuốc y học cổ truyền phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; đảm bảo việc trển khai có hiệu quả, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật.

Hàng nghìn vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý

Tại cuộc họp sáng nay (6/7), cho biết về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền trong 6 tháng đầu năm 2018, theo Lãnh đạo Chi cục quản lý thị trường Hà Nội, tình trạng vi phạm thời gian qua xảy ra ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, sử dụng sản phẩm hết hạn, sản phẩm không có tem, nhãn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, tình trạng mua bán, sử dụng các chất bảo quản, chất hỗ trợ chế biến, không rõ nguồn gốc vẫn còn xảy ra, tiềm ẩn nguy cơ khó lường, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Trước tình hình trên, Chi cục QLTT Hà Nội đã triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tập trung chỉ đạo các đội QLTT tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Trong 6 tháng đầu năm 2018,Chi cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra: 5.653 vụ, xử lý:5.557 vụ (đạt 80,62% so với chỉ tiêu nghiệp vụ đầu năm 2018 và tăng 13,6% so với năm 2017). Tổng số tiền xử lý đạt 124,27% so với chỉ tiêu nghiệp vụ đầu năm 2018.

Đối với mặt hàng mỹ phẩm, đã kiểm tra 33 vụ; xử lý 311 vụ; không xử lý 08 vụ; đang xử lý 13 vụ; chuyển Công an: 01 vụ; phạt hành chính: 3,2 tỷ đồng. Trong đó, trị giá hàng hóa vi phạm là 45,8 tỷ đồng, đồng thời lực lượng thị trường cũng đã tịch thu tiêu hủy nhiều loại mỹ phẩm.

Riêng về kiểm tra, xử lý đối với mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, từ 20/12/2017 đến 04/7/2018, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra phát hiện nhiều vụ vi phạm.

Cụ thể: Đối với mặt hàng mỹ phẩm, đã kiểm tra 33 vụ; xử lý 311 vụ; không xử lý 08 vụ; đang xử lý 13 vụ; chuyển Công an: 01 vụ; phạt hành chính: 3,2 tỷ đồng. Trong đó, trị giá hàng hóa vi phạm là 45,8 tỷ đồng, đồng thời lực lượng thị trường cũng đã tịch thu tiêu hủy nhiều loại mỹ phẩm.

Về mặt hàng thực phẩm chức năng, QLTT HN đã kiểm tra 128 vụ; xử lý 109 vụ; không xử lý:06 vụ; đang xử lý 13 vụ. Phạt hành chính 1,1 tỷ đồng. QLTT cũng tịch thu tiêu hủy nhiều loại thực phẩm chức năng.

Đối với mặt hàng dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, đây là những mặt hàng được QLTT đánh giá là rất khó quản lý, bởi phải có sự phối hợp liên ngành (Cơ quan Bộ Y tế) mới có thể thực hiện và cho kết quả tốt.

Tính từ 20/12/2017 đến ngày 4/7/2018, QLTT HN đã kiểm tra 06 vụ; xử lý 03 vụ; đang xử lý 02 vụ và chuyển hồ sơ cho Công an 01 vụ. Lực lượng QLTT HN đã xử phạt hành chính, tạm giữ 1.964 sản phẩm đông dược, hơn 3.000 sản phẩm và hơn 300 kg nguyên liệu, 2321 hộp loại 150 ml trị xương khớp, 504 hộp loại 15ml trị xoang, 270 hộp 180ml thảo dược nhi; 6700 lọ thỏa dược trị xương khớp; 21 kg thực phẩm các loại (cao sâm khô, tinh bột nghệ...)…

 Tại cuộc họp triển khai Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức sáng ngày 6/7/2018.Ảnh:KN


Theo đánh giá của Quản lý thị trường HN, các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa đã quá hạn sử dụng; kinh doanh hàng hóa nhập lậu; không thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm trong sản xuất; vi phạm về nhãn, niêm yết giá bán; không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định; kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền; vi phạm về thương mại điện tử.

Cần sự phối hợp để quản lý thị trường phức tạp này

Nói về một số tồn tại, hạn chế và khó khăn trong công tác quản lý thị trường, lãnh đạo Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, những kết quả đạt được cũng chưa đáp ứng được yêu câu đối với tình hình thực tế hiện nay. Công tác kiểm tra mới dừng ở việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh, chưa phát hiện được nhiều vụ việc mang tính chất phức tạp, có quy mô lớn.

Ngoài ra, hệ thống văn bản, chính sách pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, an toàn thực phẩm còn chồng chéo dẫn đến cách hiểu và cách áp dụng khác nhau, trong khi việc sửa đổi, bổ sung chậm, chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế, gây khó khăn cho các lực lượng thực thi nhiệm vụ trong việc xử lý các hành vi vi phạm.

Một trong những hạn chế mà lãnh đạo Chi cục QLTT HN cũng phải thừa nhận đó là việc thực hiện nhiệm vụ của một số công chức chưa thực sự quyết liệt, còn tình trạng né việc, không nắm bắt thông tin để đề xuất kiểm tra có hiệu quả…

Liên quan tới công tác quản lý thị trường đối với các mặt hàng nêu trên, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Trưởng Phòng Pháp chế Cục QLTT, Tổ phó tổ chuyên trách 334 Bộ Công Thương (Công tác chuyên trách của Ban chỉ đạo 389 Bộ Công Thương) cho biết, trong kiểm tra quản lý các mặt hàng mỹ phẩm nói riêng và các mặt hàng khác nói chung chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm định. Muốn xác định được chất lượng thì phải qua khâu kiểm định. Trong khâu kiểm định sẽ liên quan tới khâu vật liệu, kinh phí, nhất là mặt hàng mỹ phẩm, dược phẩm đòi hòi chi phí lớn. 

"Hiện nay công tác phối hợp giữa Bộ Công Thương, Bộ Y tế và một số cơ quan chức năng khác vẫn còn một số vấn đề chưa được thuận lợi. Khi chúng tôi có văn bản trao đổi có tính chuyên môn quản lý nhà nước thì thường phải chờ đợi tương đối lâu để có câu trả lời...", ông Lê nói.

Đánh giá về những khó khăn trong hoạt động kiểm tra, quản lý mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và thuốc y học cổ truyền, Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương) Trần Hùng cho biết: Khó nhất là vướng những quy định của Bộ Y tế, ví dụ như thuốc, mỹ phẩm thì thuộc Cục Quản lý dược, trong khi thực phẩm chức năng lại thuộc Cục An toàn thực phẩm, thì những vụ cụ thể như Vinaca phía Cục QLTT vẫn chờ đợi câu trả lời liên quan tới các quy định …vv.

"Tới đây chúng tôi sẽ  tháo gỡ những vấn đề còn vướng trong các quy định", ông Trần Hùng nói.

Lực lượng QLTT HN đi kiểm tra các mặt hàng mỹ phẩm tại một số điểm kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn TP.HN trưa ngày 6/7. ảnh:KN


Thực tế cho thấy, triển khai thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg của thủ tướng Chính phủ còn quá nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhiều vụ việc vượt quá thẩm quyền, chức năng , nhiệm vụ của QLTT. Ông Hùng nêu một số vụ đã bị lực lượng QLTT phát hiện, chuyển hồ sơ cho cơ quan công an để xử lý như vụ mỹ phẩm ung thư Vinaca, mỹ phẩm đông y Ngọc Tú… Tuy nhiên, sau một thời gian cơ quan điều tra cho biết vẫn cần nghiên cứu, điều tra, như vậy lại hết thời hạn theo quy định, cơ quan QLTT không làm gì được…

Về quản lý nhà nước đối với thuốc, dược phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường, ông Trần Hùng cho rằng Bộ Y tế phải có trách nhiệm vào cuộc.

Mỹ phẩm của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ngọc Tú, địa chỉ tại Thanh Liệt, huyện Thanh Trì chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp công bố lưu hành, chưa có đầy đủ giấy tờ chứng minh tính hợp pháp bị lực lượng liên ngành xử lý ngày 22/6/2018 vừa qua.


“Về góc độ thuốc, mỹ phẩm, dược phẩm thì Cục quản lý dược phải chịu trách nhiệm; Thực phẩm chức năng thì phải là Cục An toàn thực phẩm, còn đông, nam dược các loại do Cục Y dược cổ truyền dân tộc quản lý. Thực tế nhiều vụ việc chúng tôi đưa ra hỏi thì nhận được câu trả lời “đây không phải là thực phẩm chức năng, không phải thuốc!...” và như vậy rõ ràng đây là lỗ hỏng để thị trường này nhập nhèm, không ai quản lý…”, ông Trần Hùng nói.

Đinh Bách