Hàng giả, hàng nhái (HGHN) không chỉ ảnh hưởng sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng (NTD) mà còn làm suy giảm niềm tin của NTD đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, giảm uy tín của các doanh nghiệp (DN) sản xuất chân chính. Để ngăn chặn vấn nạn này, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả NTD và các DN.
Nhiều hệ lụy
Trên thị trường, hầu hết các mặt hàng, dù bình dân hay cao cấp, giá trị nhỏ hay lớn, thương hiệu nước ngoài hay trong nước, cứ hễ được NTD ưa chuộng, lập tức sản phẩm giả, nhái xuất hiện tràn lan, khiến NTD nhầm lẫn và gây thiệt hại cho các DN chân chính. Gần đây, số vụ HGHN bị phát hiện đang tăng mạnh ở lĩnh vực an toàn sức khỏe con người như thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng,… Mặc dù công tác đấu tranh phòng, chống HGHN được thực hiện quyết liệt, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập từ trong chính ý thức của mỗi NTD và từng DN sản xuất.
Có một thực tế, dù nhiều NTD vẫn luôn kêu ca về vấn nạn HGHN nhưng chính tâm lý chủ quan và thói quen mua hàng tùy tiện không rõ nguồn gốc, giá rẻ của NTD đã khiến HGHN có cơ hội lộng hành. Cũng có nhiều trường hợp, NTD biết có HGHN nhưng đứng ngoài cuộc không khai báo, tố giác mà coi việc đấu tranh, xử lý là trách nhiệm của ngành chức năng. Sản phẩm giả, nhái có hình thức, mẫu mã không khác mấy so với hàng chính hãng, nhưng giá bán lại rẻ hơn rất nhiều, nên một số NTD vẫn chấp nhận mua, vô tình tiếp tay cho HGHN “làm mưa làm gió” trên thị trường, ảnh hưởng đến chính mình và uy tín thương hiệu, quyền lợi của DN làm ăn chân chính; cản trở nỗ lực đấu tranh chống HGHN của các ngành chức năng.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng HGHN tràn lan là do pháp luật còn khá nhiều kẽ hở, cộng với sự bất cập trong cơ chế quản lý. Chế tài xử lý HGHN chưa đủ mạnh, chủ yếu chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính “có cũng như không”, không đủ tính răn đe để cá nhân, tổ chức làm HGHN từ bỏ, bởi lợi nhuận kiếm được còn cao hơn nhiều so với số tiền nộp phạt, nếu bị phát hiện. Ngoài ra, công tác quản lý, kiểm tra và xử lý chưa đạt hiệu quả cao do hoạt động thiếu đồng bộ cũng như có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các lực lượng chức năng. Phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công tác đấu tranh chống HGHN như thiết bị giám định còn thiếu và yếu, đối với các thương hiệu hàng hóa nhập khẩu, không có đại diện nhà sản xuất tại Việt Nam để xác định nên gặp nhiều khó khăn. Việc phân biệt HGHN cũng không hề dễ dàng đối với đại bộ phận NTD khi các sản phẩm được làm giả ngày càng tinh vi, giống y chang hàng thật từ nhãn hiệu, kiểu dáng đến những chi tiết nhỏ nhất. Trong khi đó, NTD chưa được trang bị kiến thức, thông tin về phân biệt HGHN, có tâm lý e ngại động chạm đến việc kiện cáo khi mua phải sản phẩm giả, kém chất lượng vì chưa nắm vững luật pháp.
Cần sự vào cuộc tích cực
Phần lớn NTD có tâm lý khá chủ quan, thích sự tiện dụng mà không chịu tới các đại lý chính hãng để mua hàng. Đây là điều kiện thuận lợi để nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng sản xuất, tiêu thụ HGHN. Không ít DN do lo ngại sức tiêu thụ hàng hóa giảm sút nên khi phát hiện HGHN bán trên thị trường thường ngần ngại công bố thông tin hay phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý. Nhiều DN lấy lý do sợ các đối tượng làm HGHN nắm được thông tin về quy chuẩn, tiêu chuẩn, mẫu mã, sẽ tìm cách khắc phục làm cho HGHN ngày càng tinh vi hơn, nên chỉ cung cấp thông tin dấu hiệu nhận biết hàng thật, hàng giả một cách nhỏ giọt cho cơ quan chức năng và NTD.
GS, TS Nguyễn Quốc Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị thương hiệu, Trường đại học Thương mại cho rằng, ý thức của cả cộng đồng DN và NTD về chống HGHN vẫn còn hạn chế. Nhiều NTD chấp nhận việc dùng HGHN. Theo khảo sát trong 100 DN sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, có tới 90% DN sợ sản phẩm của mình bị DN khác làm giống, nhưng 70% DN khi được hỏi, lại trả lời sẵn sàng sao chép kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm khác theo yêu cầu của thị trường. Do vậy, vấn đề làm thế nào để thay đổi nhận thức, tư duy này cả trong cộng đồng DN và NTD, để dần dần NTD có thể nâng cao nhận thức về thói quen tiêu dùng sản phẩm. Hiện nay, hệ thống cơ sở pháp lý về sở hữu trí tuệ ở nước ta khá nhiều, bao gồm Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Cạnh tranh,… nhưng các chế tài xử lý vi phạm được quy định ở các văn bản dưới luật rất chồng chéo. Chính vì vậy, nhiều khi DN phát hiện sản phẩm bị làm nhái, nhưng không biết gửi đến cơ quan nào, gây khó cho cả DN lẫn người thực thi pháp luật.
Để đạt hiệu quả cao trong việc chống HGHN, cần có sự chung tay vào cuộc của NTD và các DN trong việc chủ động phối hợp phát hiện và xử lý. Cần có sự thay đổi cơ bản trong cách xây dựng và bảo vệ thương hiệu của DN. Chỉ khi DN thật sự đặt quyền lợi của khách hàng lên trên hết, đặt uy tín và hình ảnh của mình làm trọng tâm, chắc chắn DN sẽ tích cực hơn trong phối hợp với cơ quan chức năng, chống lại HGHN. Ở góc độ NTD, cần nêu cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống HGHN. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi của NTD mà còn góp phần chống lại hành vi phá hoại sản xuất, kìm hãm sự phát triển nền kinh tế đất nước. Cần sớm kiện toàn bộ máy, quy chế hoạt động, thống nhất nâng cao năng lực, đầu tư trang thiết bị cho lực lượng chức năng từ T.Ư tới địa phương; kiên quyết xử lý nghiêm các cán bộ trong lực lượng chức năng có hành vi tiếp tay, bảo kê cho hoạt động buôn lậu, buôn bán, vận chuyển HGHN, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu,...