Công nghệ blockchain được ví như một giải pháp quan trọng trong việc truy xuất nguồn gốc và minh bạch hóa trách nhiệm các bên liên quan trong ngành thực phẩm và nông nghiệp
Tuy nhiên, tính khả thi trong ứng dụng tiến bộ công nghệ này ở thời gian trước mắt còn khá thấp, theo chia sẻ từ ông Bùi Huy Bình, CEO Trace Verified.
Hiện có nhiều đơn vị cung cấp thực phẩm sử dụng mã QR code trong việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của những mã QR code này?
Suốt thời gian qua, người dân Việt Nam hằng ngày phải đối mặt với nạn thực phẩm bẩn, kém sạch và không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan. Giải pháp truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng mã QR code không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng mà ngay cả nhà sản xuất, phân phối thực phẩm cũng được hưởng lợi. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều sản phẩm khi truy xuất nguồn gốc mã QR code lại chỉ thuần túy dẫn tới website của doanh nghiệp cung cấp sản phẩm đó. Cách làm như vậy khiến QR code không thực hiện đúng chức năng truy xuất nguồn gốc.
Tôi cho rằng, truy xuất nguồn gốc là khả năng nhận diện và theo vết một đơn vị sản phẩm trong chuỗi cung ứng. Nghĩa là chỉ ra chính xác một đơn vị sản phẩm thuộc về lô sản phẩm nào, đồng thời cung cấp thông tin làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan tới việc sản xuất, đóng gói, phân phối… lô sản phẩm từ đầu đến cuối chuỗi.
Việc truy xuất nguồn gốc phải đảm bảo tính minh bạch, tức là phải tiết lộ các thông tin trong chuỗi cung ứng, thường liên quan đến điều kiện sản xuất, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Công nghệ blockchain giúp minh bạch thông tin về sản phẩm liệu có thể thay thế cho tem truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Lệ Hằng
Nguyên nhân do đâu khiến các QR code của chúng ta chưa đảm bảo được những yêu cầu trên?
Đầu tiên chúng ta chưa có được bộ tiêu chí minh bạch về thực phẩm an toàn. TS Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, từng nói rằng một nền nông nghiệp không thể phát triển bền vững nếu các nhà sản xuất không liên kết trên nền tảng, tiêu chuẩn, chất lượng, phát triển
thương hiệu và đáp ứng lợi ích người tiêu dùng. Chính vì thế sắp tới đây, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch sẽ công bố bộ tiêu chuẩn về thực phẩm an toàn.
Thứ hai là chúng ta thiếu kết nối thông tin nguồn gốc. Ví dụ trong 1.000kg rau muống (được trồng cách nhau 2 ngày), chúng ta phải làm sao phân biệt được 500kg từ lô 1, 500kg từ lô 2 để khi đến hệ thống
siêu thị, nghĩa là về mặt vật lý phải tách được hai lô đó và dán mã QR code tương ứng.
Thứ ba, tính chính xác và khách quan của thông tin chưa đảm bảo, thông tin đưa đến khách hàng vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nhà cung cấp mà không có sự kiểm soát của các bên cung cấp công nghệ.
Thứ tư là nhu cầu và thói quen của người tiêu dùng còn hạn chế. Trên thực tế rất ít người tiêu dùng dành khoảng 1 phút để quét mã QR code đọc những thông tin về sản phẩm.
Thứ năm là quy định của pháp luật và chế tài của cơ quan quản lý còn sơ sài, hiện mới chỉ có 2 thông tư là thông tư 03/2011/TT-BNNPTNT quy định về truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm không đảm bảo trong lĩnh vực
thủy sản và thông tư 74/2011/TT-BNNPTNT quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông - lâm sản không bảo đảm an toàn, trong đó các quy định còn khá đơn giản và chỉ mới quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin của nhà sản xuất.
Thứ sáu, ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp. Mặc dù cơ sở hạ tầng hệ thống viễn thông của nước ta khá tốt nhưng 3G tại các vùng nông thôn còn khá chậm, đặc biệt người nông dân chưa quen với việc sử dụng các công cụ, phần mềm hỗ trợ trong sản xuất.
Vậy ứng dụng công nghệ blockchain sẽ giúp cải thiện tình hình như thế nào?
Blockchain hứa hẹn cải thiện truy xuất nguồn gốc và minh bạch trong chuỗi giá trị nông nghiệp. Đây sẽ là một công cụ vô giá để nhanh chóng dò tìm nguồn gốc của các sản phẩm thực phẩm trong các sự cố nhiễm bẩn. Với blockchain, các nhà quản lý có thể nhanh chóng xác định nguồn gốc chất gây ô nhiễm và xác định phạm vi của các sản phẩm bị ảnh hưởng. Từ đó giúp nhà sản xuất có thể ngăn ngừa bệnh tật một cách kịp thời và hạn chế lãng phí thực phẩm và thiệt hại về tài chính.
Nếu như với cách làm hiện nay (quản lý theo hệ thống trung tâm), các đơn vị cung cấp công nghệ (tem dán QR code) bằng cách nào đó có thể can thiệp chỉnh sửa thông tin của sản phẩm, thì với công nghệ blockchain thông tin không thể chỉnh sửa vì mỗi một dữ liệu của từng công đoạn sẽ được lưu lại thành một khối (block) và được tuần tự đưa lên chuỗi theo trình tự thời gian; thông tin được đưa lên phải được sự đồng thuận của tất cả các bên (sản xuất, đóng gói, phân phối…) và khi thông tin đưa lên rồi không thể gỡ xuống được.
Chính nhờ tính minh bạch này nên công nghệ blockchain đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại gian lận thực phẩm. Các giao dịch dù nhỏ nhất như ở nông trại, nhà kho hay nhà xưởng đều có thể được giám sát hiệu quả và truyền đạt trên toàn bộ chuỗi cung ứng khi kết hợp với công nghệ IoT (Internet of Things) như cảm biến và thẻ RFID. Maersk, một công ty vận chuyển và hậu cần, có chuỗi cung cấp liên lục địa, ước tính rằng blockchain có thể giúp tiết kiệm hàng tỷ đôla bằng cách cải thiện hiệu quả làm giảm gian lận và lỗi của con người.
Tuy nhiên, dù tiềm năng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm được đánh giá cao, song trên thực tế việc áp dụng còn rất thấp bởi việc truy xuất nguồn gốc hệ thống trong
nông sản cần rất nhiều thời gian không thể có được ngay.
Ông có thể cho biết cụ thể vì sao chúng ta chưa thể kỳ vọng công nghệ blockchain sẽ sớm được áp dụng trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm?
Để ứng dụng blockchain trong nông nghiệp theo tôi là không khó về mặt công nghệ. Cái khó thứ nhất ở đây là thu thập thông tin. Muốn thông tin được chính xác cần rất nhiều thiết bị IoT để thu thập dữ liệu. Thứ hai, cần xác lập được chuỗi thông tin chính xác giữa các khâu, tức làm rõ thông tin sẽ được chuyển tiếp như thế nào và ai gửi thông tin cho ai. Thứ ba, cần thiết kế những điểm nhận dữ liệu. Ví dụ, một sensor (cảm biến) có thể đo được độ ẩm, màu sắc… vậy làm thế nào kết hợp các sensor đó thành một điểm nhận dữ liệu. Cuối cùng là phải xác định được cơ chế đồng thuận giữa các bên.
Cuối cùng, thách thức quan trọng nhất là ý chí hành động, bởi tiềm năng ứng dụng blockchain trong nông nghiệp rất lớn, nhưng nếu chúng ta cứ ngồi đó thì thành quả không bao giờ đến.
Xin cảm ơn ông!
Ông Bùi Huy Bình tốt nghiệp thạc sỹ chính sách công của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Giải pháp và Dịch vụ truy xuất nguồn gốc (TraceVerified), công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp, cung cấp các giải pháp và dịch vụ truy xuất nguồn gốc thực phẩm đầu tiên tại Việt Nam. Từ năm 2015 đến nay, Trace Verified đã cung cấp dịch vụ tới 50 nhà sản xuất thực phẩm và gần 1.000 nông dân tại 29 tỉnh, thành tại Việt Nam để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc thực phẩm. TraceVerified cũng là đơn vị tiên phong trong ứng dụng những công nghệ tiến tiến vào phát triển giải pháp cho nông nghiệp Việt Nam như blockchain. Niềm đam mê của anh là phát triển các giải pháp hỗ trợ nông dân phù hợp và tăng cường an toàn thực phẩm. |